Tìm hiểu chung
Huyết áp cao là gì?
Tăng huyết áp là tình trạng tăng liên tục của huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương. Theo Hội tim mạch Việt Nam và Phân Hội Tăng huyết áp Việt Nam (Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2018), tăng huyết áp được xác định khi đo huyết áp tại phòng khám có các giá trị sau:
Bảng 1: Định nghĩa và phân độ tăng huyết áp theo mức huyết áp đo tại phòng khám (mmHg)*
Huyết áp tâm thu (mmHg) |
Huyết áp tâm trương (mmHg) |
||
Tối ưu |
< 120 |
Và |
< 80 |
Bình thường** |
120 – 129 |
Và/hoặc |
80 – 84 |
Bình thường cao** |
130 – 139 |
Và/hoặc |
85 – 89 |
Tăng huyết áp độ 1 |
140 – 159 |
Và/hoặc |
90 – 99 |
Tăng huyết áp độ 2 |
160 – 179 |
Và/hoặc |
100 – 109 |
Tăng huyết áp độ 3 |
≥180 |
Và/hoặc |
≥ 110 |
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc |
≥140 |
Và |
< 90 |
*Nếu huyết áp không cùng mức để phân loại thì chọn mức huyết áp tâm thu hay tâm trương cao nhất. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc xếp loại theo mức huyết áp tâm thu.
**Tiền Tăng huyết áp: khi huyết áp tâm thu > 120 – 139 mmHg và huyết áp tâm trương > 80 – 89 mmHg.
Tăng huyết áp có 2 loại chính:
-
Tăng huyết áp vô căn (hay còn gọi là tăng huyết áp tiên phát) chiếm 85% trường hợp.
-
Tăng huyết áp có nguyên nhân xác định (hay còn gọi là tăng huyết áp thứ phát).
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của huyết áp cao
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng cụ thể cho đến khi có biến chứng ở các cơ quan đích như tim mạch, não, thận, mắt.
Tăng huyết áp có tiến triển rõ thường có triệu chứng như chóng mặt, đỏ mặt, nhức đầu, mệt mỏi, chảy máu cam và hồi hộp đánh trống ngực.
Tác động của huyết áp cao đối với sức khỏe
Tăng huyết áp có tác động xấu đến sức khỏe bệnh nhân, dẫn đến nhiều biến chứng có hại nghiêm trọng thậm chí gây đột quỵ và tử vong.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh huyết áp cao
Tăng huyết áp nghiêm trọng bắt đầu có biến chứng trên tim mạch (hội chứng vành cấp, suy tim, nhồi máu cơ tim), não (khiếm khuyết cảm giác và vận động), thận (suy thận), mắt (mù lòa) và nguy hiểm nhất là đột quỵ (do xuất huyết não) và tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến huyết áp cao
Tăng huyết áp tiên phát (chiếm 85% các trường hợp)
Tăng huyết áp tiên phát thường và vô căn, tức là không rõ nguyên nhân.
Các yếu tố như di truyền, cơ địa, yếu tố môi trường (căng thẳng áp lực), lối sống (ăn nhiều muối, ít vận động) cũng có xu hướng dẫn đến tăng huyết áp.
Tăng huyết áp thứ phát
Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
-
Hội chứng cường aldosterol tiên phát.
-
Bệnh nhu mô thận (như viêm cầu thận mạn, viêm thận, bệnh thận đa nang, bệnh mô liên kết, tắc nghẽn đường niệu).
-
U tủy thượng thận.
-
Cường giáp hoặc suy giáp.
-
Bệnh mạch máu thận.
-
Chứng ngưng thở khi ngủ.
-
Sản xuất quá mức hormone giữ muối nước.
-
Lối sống như uống nhiều rượu, dùng thuốc tránh thai đường uống.
-
Một số thuốc như thuốc ức chế giao cảm, NSAIDs, corticosteroid, cocaine hay cam thảo có thể khiến việc kiểm soát huyết áp khó khăn hơn.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải huyết áp cao?
Theo một khảo sát tại Mỹ, với người trưởng thành, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì tăng huyết áp ở người da đen phổ biến hơn (41%) so với người da trắng (28%) hoặc so với người Mỹ gốc Mexico (28%).
Tuổi càng tăng thì nguy cơ tăng huyết áp càng cao, thường gặp ở người từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai gọi là tăng huyết áp thai kỳ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao (tăng huyết áp), bao gồm:
-
Lối sống như hút thuốc lá, thuốc lào; uống nhiều bia rượu, ít vận động; áp lực, căng thẳng.
-
Bệnh đái tháo đường.
-
Bệnh rối loạn lipid máu.
-
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tăng huyết áp.
-
Thừa cân, béo phì.
-
Chế độ ăn nhiều muối, nhiều chất béo.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán huyết áp cao
Tiền sử bệnh
Khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân để dự đoán nguyên nhân và gợi ý của bệnh tăng huyết áp. Các tiền sử bệnh thường được lưu ý như:
-
Bệnh động mạch vành, suy tim.
-
Ngưng thở khi ngủ hoặc ngáy to.
-
Đột quỵ.
-
Rối loạn chức năng thận.
-
Bệnh động mạch ngoại vi.
-
Rối loạn lipid máu.
-
Đái tháo đường.
-
Tiền sử gia đình có bất kỳ rối loạn nào trong số những bệnh trên.
-
Lối sống: thói quen vận động, sử dụng thuốc lá, rượu, chất kích thích.
-
Chế độ ăn nhiều muối và chất kích thích (ví dụ như trà, cà phê, soda có chứa caffeine, thức uống tăng lực).
Khám thực thể
Khám thực thể bao gồm:
-
Đo chiều cao, cân nặng và chu vi vòng eo.
-
Soi đáy mắt để kiểm tra bệnh võng mạc.
-
Nghe dọc động mạch cảnh và động mạch chủ bụng tìm tiếng thổi.
-
Thăm khám toàn diện tim mạch, hô hấp, thần kinh.
-
Khám bụng để kiểm tra xem có thận to và các khối u khác ở ổ bụng.
-
Bắt mạch ngoại vi để phát hiện mạch đùi yếu hoặc mất trong hẹp động mạch chủ, đặc biệt ở những bệnh nhân tăng huyết áp dưới 30 tuổi.
-
Tiếng thổi động mạch thận có thể nghe được ở những bệnh nhân gầy có tăng huyết áp do bệnh mạch thận.
Cận lâm sàng
-
Phương pháp thường dùng và dễ áp dụng nhất là đo huyết áp định kỳ. Bệnh nhân có thể tự theo dõi huyết áp tại nhà hoặc đến cơ sở y tế để đo huyết áp. Tham khảo Bảng 1 để biết các giá trị tăng huyết áp.
-
Phân tích nước tiểu và albumin niệu.
-
Xét nghiệm máu: Creatinine, kali, natri, glucose huyết tương lúc đói, lipid máu, và hormone kích thích tuyến giáp.
-
Siêu âm thận nếu creatinine máu tăng.
-
Tìm hội chứng cường aldosteron nếu có kali máu giảm.
-
Điện tâm đồ.
-
Định lượng hormone kích thích tuyến giáp TSH.
Phương pháp điều trị huyết áp cao hiệu quả
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Mục tiêu điều trị
Theo Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp, VNHA 2018, mục tiêu điều trị chung là đưa huyết áp của bệnh nhân về mức bình thường, kiểm soát các yếu tố nguy cơ để giảm thiểu biến chứng của tăng huyết áp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Ngưỡng huyết áp mục tiêu cho hầu hết các bệnh nhân là < 140/90 mmHg.
Nếu bệnh nhân có đáp ứng tốt với phác đồ điều trị thì cân nhắc đưa ngưỡng huyết áp ≤ 130/80 mmHg.
Mỗi đối tượng bệnh nhân sẽ có mục tiêu điều trị cụ thể khác nhau, tùy vào lứa tuổi, mức độ tăng huyết áp, bệnh lý mắc kèm và thể trạng bệnh nhân. Tuy nhiên nhìn chung nguyên tắc điều trị thường là thay đổi lối sống (phương pháp không dùng thuốc) và/hoặc phối hợp thuốc (phương pháp dùng thuốc).
Phương pháp điều trị
Phương pháp không dùng thuốc
Phương pháp điều trị không dùng thuốc được hiểu là thay đổi lối sống để phòng ngừa hoặc làm chậm khởi phát tăng huyết áp, giảm biến cố tim mạch.
-
Giảm cân đối với người thừa cân, béo phì.
-
Chế độ ăn ít muối natri (< 5 g muối/ngày); bổ sung thêm kali với lượng hợp lý (trừ bệnh thận mạn hoặc khi đang dùng thuốc giữ kali); dùng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau xanh, ngũ cốc, ít béo…
-
Tăng cường hoạt động thể lực hợp lý (thời gian luyện tập khoảng 30 phút/ngày).
-
Rượu bia với lượng khuyến cáo tốt cho tim mạch: 2 đơn vị/ngày ở nam và 1 đơn vị/ngày ở nữ. Chú thích: 1 đơn vị cồn chứa 14 g nồng độ cồn tinh khiết (tương đương 354 ml bia 5% cồn hoặc 150 ml rượu vang 12% cồn hoặc 45 ml rượu 40% cồn).
-
Ngưng hút thuốc lá và tránh nhiễm độc khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động).
Phương pháp dùng thuốc
Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp bao gồm:
-
Thuốc ức chế men chuyển (UCMC): Captopril, enalapril, lisinopril,…
-
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (CTTA): Candesartan, irbesartan, losartan,…
-
Thuốc chẹn kênh calci (CKCa): Amlodipine, nifedipine, lercanidipine,…
-
Thuốc chẹn kênh beta (CB): Bisoprolol, carvedilol, propranolol,…
-
Thuốc lợi tiểu (LT): Indapamide, furosemide, spironolactone,…
Theo Khuyến cáo điều trị tăng huyết áp của VNHA/VSH 2018, phác đồ điều trị chung như sau:
-
Tăng huyết áp độ 1 và có nguy cơ thấp: Đơn trị liệu với UCMC/CTTA/ CKCa/CB/LT.
-
Tăng huyết áp độ 1 và có nguy cơ cao, hoặc tăng huyết áp độ 2, 3: Phối hợp UCMC/CTTA + CKCa và/hoặc LT.
-
Tăng huyết áp có kèm các bệnh nền hoặc có biến chứng: UCMC/CTTA phối hợp CB hoặc CKCa hoặc LT,…
-
Tăng huyết áp kháng trị: Có thể kết hợp 4 thuốc.
Có thể dùng viên thuốc cố định liều để thuận lợi cho bệnh nhân dùng, tức là 1 viên thuốc phối hợp 2 thành phần thuốc trong nhóm trên.
Theo dõi huyết áp định kỳ hàng tháng để điều chỉnh thuốc phù hợp.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết áp cao
Chế độ sinh hoạt:
-
Thường xuyên luyện tập thể lực.
-
Ngưng hút thuốc lá và tránh nhiễm độc khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động).
-
Giảm cân đối với người thừa cân, béo phì.
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Chế độ ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, ít béo.
-
Chế độ ăn ít muối natri (< 5 g muối/ngày); bổ sung thêm kali với lượng hợp lý (trừ bệnh thận mạn hoặc khi đang dùng thuốc giữ kali); dùng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau xanh, ngũ cốc, ít béo…
-
Rượu bia với lượng khuyến cáo tốt cho tim mạch: 2 đơn vị/ngày ở nam và 1 đơn vị/ngày ở nữ. Chú thích: 1 đơn vị cồn chứa 14 g nồng độ cồn tinh khiết (tương đương 354 ml bia 5% cồn hoặc 150 ml rượu vang 12% cồn hoặc 45 ml rượu 40% cồn).
Phương pháp phòng ngừa huyết áp cao hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
-
Tuân thủ điều trị.
-
Thay đổi lối sống.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.