Tìm hiểu chung

Chửa trứng là gì?

Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, hình thành do sự phát triển bất thường của các gai nhau trong quá trình thụ thai, trong đó các nguyên bào nuôi phát triển còn các tổ chức liên kết và các mạch máu bên trong gai nhau thoái hóa, trở thành các bọc nước có đường kính đa dạng từ 1mm đến vài chục milimet, dẫn đến thai nhi không thể phát triển được và sớm muộn gì cũng bị sảy thai.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi chửa trứng

Những phụ nữ bị chửa trứng ở giai đoạn đầu có những dấu hiệu giống như thai nghén bình thường: tắt kinh, ốm nghén (nghén dữ dội, nôn nhiều và kéo dài) hoặc rong kinh.

  • Rong huyết là tình trạng thường gặp nhất;

  • Huyết âm đạo có ít hoặc nhiều, thường là máu bầm đen, loãng và kéo dài;

  • Xuất hiện tình trạng của tăng huyết áp, đạm niệu;

  • Thể trạng xanh xao mệt mỏi, đôi khi bị phù.

Ở giai đoạn giữa thai kỳ, phụ nữ chửa trứng sờ không thấy phần thai, không thể nghe thấy tim thai.

Với trường hợp chửa trứng toàn phần: xuất hiện tình trạng thiếu máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu phụ nữ cảm thấy mình có các dấu hiệu như đang mang thai và đi kèm các triệu chứng như:

  • Nghén rất nặng, nôn nhiều và có dấu hiệu phù.

  • Tử cung to hơn so với tuổi thai.

  • Ra máu âm đạo.

  • Đau quặn vùng bụng hoặc bụng sưng to.

  • Huyết áp cao.

  • Cường giáp với các triệu chứng như lo lắng nhiều, đổ mồ hôi, cảm thấy nóng…

Những dấu hiệu trên cũng gần giống như các bất thường của thai như thai ngoài tử cung, nên việc đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán sớm là rất cần thiết.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến chửa trứng

Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây nên hiện tượng chửa trứng. Tuy nhiên cũng có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải như:

  • Người mẹ mang thai lớn tuổi.

  • Từng sinh con nhiều lần.

  • Thai phụ bị suy dinh dưỡng, thiếu các chất đạm, vitamin A, acid folic…

  • Do sự bất thường của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh, dẫn đến bất thường ở bộ nhiễm sắc thể.


Nguy cơ mắc phải

Những ai thường có nguy cơ chửa chứng?

Mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên theo quan sát thì những người mẹ ở độ tuổi trên 40 hoặc dưới 20, người sinh đẻ nhiều lần hoặc bất thường ở tử cung có nguy cơ cao hơn những trường hợp khác.

Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ cao gây chửa trứng có thể kể đến như:

  • Chất lượng tinh dịch của chồng.

  • Khói thuốc lá.

  • Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không đủ các chất vitamin A, protein, acid folic.

  • Có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường.

  • Khuyết tật về nhiễm sắc thể của trứng.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh chửa trứng

Bác sĩ có thể dựa trên thông tin bệnh sử, khám thực thể và các xét nghiệm bổ trợ để chẩn đoán bệnh.

  • Bệnh nhân có các biểu hiện mệt mỏi, thiếu máu, bụng to nhanh… đồng thời không sờ được phần thai và không nghe được tim thai.

  • Các xét nghiệm được sử dụng như:

    • Siêu âm: cho thấy hình ảnh tuyết rơi hoặc lỗ chỗ như tổ ong trong lòng tử cung, không thấy phần thai. Đây là yếu tố có giá trị chẩn đoán xác định chửa trứng.

    • Xét nghiệm beta hCG tăng rất cao, trên 30.000 đơn vị quốc tế.

    • Định lượng estrogen: trong nước tiểu estrogen dưới dạng các estrone, estradiol hay estriol đều thấp hơn trong thai thường.

    • Xét nghiệm định lượng HPL: thường cao trong thai thường nhưng rất thấp trong chửa trứng.

Phương pháp điều trị chửa trứng hiệu quả

Khi người bệnh đã được chẩn đoán chửa trứng, việc cần làm trước tiên là lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút nạo.

  • Nạo hút trứng để đề phòng sẩy tự nhiên gây băng huyết.

  • Phẫu thuật cắt tử cung dự phòng: Cắt tử cung toàn phần cả khối hoặc cắt tử cung toàn phần sau nạo hút trứng thường được áp dụng ở các trường hợp: phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi, và trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh chửa trứng

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.

  • Cần khai báo kịp thời cho cơ quan y tế khi phát hiện sớm bệnh tình.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Đây là một căn bệnh sản khoa nguy hiểm, nhiều nguy cơ biến chứng xảy đến với người bệnh nếu không được điều trị tận gốc. Phụ nữ nên có hiểu biết về bệnh và giữ sức khỏe để phòng tránh:

  • Ăn uống đủ chất là rất quan trọng trong độ tuổi sinh sản.

  • Cần tuân thủ kế hoạch hóa gia đình, không sinh quá nhiều và quá dày.

  • Nên khám thai sớm và thường xuyên để phát hiện các triệu chứng bất thường ở thai nhi.

  • Với những người đã từng điều trị chửa trứng, nên tuân thủ theo chỉ dẫn hậu phẫu của bác sĩ.

  • Khi mang thai lần tiếp theo, hãy đến bệnh viện sớm để được chuẩn đoán và theo dõi xem có bị chửa trứng tái phát hay không.

Sau khi xử lý chửa trứng, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng. Thông thường, người mắc chửa trứng vẫn phải chờ một năm sau khi nồng độ beta-hCG trở về mức bình thường mới có thể mang thai lại lần nữa. Trường hợp có thai trước thời điểm này, nồng độ beta-hCG sẽ tăng lên và bác sĩ sẽ không thể biết được liệu mô bất thường có quay trở lại không.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *