Tìm hiểu chung
Co thắt tâm vị là gì?
Co thắt tâm vị là rối loạn chức năng của thực quản, trong đó, đoạn cuối thực quản (nơi đổ thức ăn vào dạ dày) bị co lại, trong khi trên lại giãn ra, gây khó khăn trong việc lưu thông thực phẩm và chất lỏng xuống dạ dày. Bệnh có thể gây cảm giác đau ngực, nôn ọe, khó nuốt; lâu ngày dẫn đến sụt cân nghiêm trọng và nhiều biến chứng khác.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của co thắt tâm vị
Triệu chứng thường gặp nhất ở người bị co thắt tâm vị là cảm thấy khó nuốt hoặc bị nghẹn tức ở vùng ngực, nhất là sau khi ăn.
Ngoài ra còn có các triệu chứng như:
-
Đau dữ dội hoặc khó chịu sau khi ăn;
-
Nuốt khó (cả thức ăn lỏng và rắn);
-
Khó chịu vùng ngực do phần trên thực quản giãn nở và thức ăn bị giữ lại do không xuống được dạ dày;
-
Đau nhói vùng ngực thường xuyên;
-
Ợ nóng;
-
Sụt cân do lượng thức ăn dung nạp vào giảm.
Biến chứng có thể gặp khi bị co thắt tâm vị
-
Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây thần kinh X.
-
Viêm loét thực quản; sẹo xơ gây chít hẹp thực quản.
-
Đoạn thực quản giãn to có thể chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim.
-
Viêm phổi.
-
Áp-xe phổi do trào ngược thức ăn.
-
Ung thư hoá tại vùng viêm mạn tính.
-
Suy dinh dưỡng ở giai đoạn cuối.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng đã liệt kê ở trên hãy đến gặp bác sĩ để lựa chọn được kiểm tra. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Dưới đây là một số lý do thường gặp:
-
Những người có thói quen ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh rất dễ mắc bệnh co thắt tâm vị.
-
Mắc một số bệnh nhiễm khuẩn như bệnh lao, giang mai, sốt phát ban.
-
Người ăn nhiều chất gluxid, ít protit và thiếu vitamin nhóm B.
-
Nghiện rượu, thuốc lá, phơi nhiễm chất độc hóa học cũng là những yếu tố gây bệnh.
-
Rối loạn nội tiết, mắc bệnh viêm dính quanh vùng thực quản, loét tâm vị.
-
Các yếu tố như nhiễm trùng, di truyền, tự miễn cũng là những yếu tố gây bệnh co thắt tâm vị.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh co thắt tâm vị?
Co thắt tâm vị có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở người lớn trong độ tuổi từ 18 – 40.
Nữ giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ co thắt tâm vị, bao gồm:
-
Sự thoái hóa của các dây thần kinh trong thực quản có thể làm tăng nặng các triệu chứng.
-
Rối loạn tự miễn cũng có thể ảnh hưởng đến co thắt tâm vị. Miễn dịch thay vì tác động đến các tác nhân gây hại trong cơ thể thì lại tấn công các tế bào khỏe mạnh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị
Bác sĩ có thể chẩn đoán co thắt tâm vị bằng cách thông qua các triệu chứng ở bệnh nhân và một số xét nghiệm như:
-
Đo áp lực thực quản để chẩn đoán co thắt tâm vị.
-
Chụp X-quang, nội soi để xem hoạt động của thực quản và tìm kiếm những bất thường. Trong đó, chụp X-quang được xem là phương pháp cần thiết nhất trong chẩn đoán co thắt tâm vị.
Bệnh còn phải chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng gần giống như: cơn đau tim, u trung thất (cho triệu chứng nhói đau ở ngực); các bệnh lý của thực quản, dạ dày: viêm loét dạ dày, hẹp môn vị và các bệnh ung thư dạ dày, ung thư thực quản.
Phương pháp điều trị co thắt tâm vị hiệu quả
-
Sử dụng thuốc: Nitrat và thuốc chẹn kênh canxi có thể được dùng để làm giảm sự co thắt ở đầu thực quản dưới giúp thức ăn xuống dạ dày dễ dàng hơn.
-
Nong bằng bóng hơi: Dùng một quá bóng hơi đưa vào thực quản dưới giúp nong chúng ra. Mặc dù phương pháp nong mang lại hiệu quả nhất định nhưng cũng có thể gây biến chứng.
-
Phẫu thuật cắt cơ thực quản: Giúp điều chỉnh cơ vòng làm lưu lượng thức ăn xuống dạ dày dễ hơn. Phẫu thuật cần phải đi kèm với điều chỉnh tâm vị để làm hạn chế trào ngược. Hiệu quả của phương pháp này lên đến 80 – 90%.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh co thắt tâm vị
Chế độ sinh hoạt:
-
Luyện tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
-
Điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn như: lao, giang mai, mụn nhọt, áp-xe…
-
Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Nên ăn thực phẩm lỏng, dễ tiêu hóa.
-
Uống nhiều nước hơn khi ăn.
-
Có thể uống thức uống có ga vì cacbonat giúp đẩy thức ăn xuống thực quản bị co thắt.
-
Giảm ăn gluxid, ăn tăng protid và thức ăn chứa nhiều vitamin nhóm B như thịt, ngũ cốc, hoa quả chín.
-
Không nên ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
-
Bỏ hút thuốc lá, rượu bia.
-
Bạn nên cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể để phục hồi vì bệnh dễ gây sụt kí.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.