Tìm hiểu chung

Còi xương là gì?

Còi xương là một dạng rối loạn thường gặp nhất là ở trẻ em do thiếu rất nhiều vitamin D, canxi hoặc phốt pho trong cơ thể. Bệnh sẽ làm xương mềm và suy yếu, dẫn đến trẻ phát triển chậm về cả thể chất lẫn tinh thần. Còi xương có thể điều trị bằng cách bổ sung vitamin D và luyện tập thói quen ăn uống khoa học cho trẻ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của còi xương

  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài, biếng ăn, ngủ kém, hay giật mình.

  • Ra nhiều mồ hôi khi ăn, nhất là khi ngủ (mồ hôi trộm).

  • Ngấn thịt xuất hiện ở cổ tay hoặc mắt cá.

  • Dễ bị táo bón hoặc đi ngoài phân sống.

  • Đau bụng, đau một lúc rồi hết, hay kêu đau nhức xương vào chiều tối hoặc ban đêm (hay gặp ở những xương dài như xương cẳng chân).

  • Rụng tóc.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh còi xương ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng và có thể gây ra các vấn đề sau:

  • Chân cong hoặc hai đầu gối chụm vào nhau.

  • Cổ tay và mắt cá chân dày lên.

  • Xương ức nhô ra.

  • Chậm phát triển.

  • Cột sống cong bất thường.

  • Dị tật xương.

  • Khiếm khuyết nha khoa.

  • Động kinh.

Để trẻ có thể chất tốt và tương lai tốt, ngay từ khi phụ huynh thấy trẻ có những bất thường trong vấn đề ăn uống và sinh hoạt, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được sự tư vấn chính xác về tình trạng của trẻ.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến còi xương

  • Cơ thể không có đủ lượng vitamin D từ ánh sáng mặt trời và thực phẩm, từ đó làm cho cơ thể khó hấp thụ canxi và phốt pho.

  • Một số bệnh nhất định có thể gây ra vấn đề trong việc sử dụng vitamin D, bao gồm: bệnh celiac, bệnh viêm đường ruột, xơ nang, các bệnh về thận.

  • Nếu bố mẹ bị còi xương, khả năng di truyền sang con cái là rất cao. Trong trường hợp còi xương do di truyền, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị còi xương?

Chứng còi xương rất phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi vẫn còn thiếu sự chú trọng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.

Trẻ em từ 6 – 36 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất do trẻ đang trong giai đoạn phát triển.

Trẻ em có thể không có đủ lượng vitamin D nếu sống trong khu vực ít ánh sáng mặt trời, ăn chay hoặc không uống sữa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ còi xương, bao gồm:

  • Da đen (do màu da sản xuất ít vitamin D).

  • Mẹ bị thiếu hụt vitamin D trong lúc mang thai.

  • Sống ở nơi ít ánh nắng mặt trời.

  • Sinh non.

  • Sử dụng một số loại thuốc chống động kinh và thuốc kháng virus (dùng trong điều trị nhiễm HIV).

  • Thiếu canxi.

  • Ăn kiêng.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán còi xương

Bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng ở trẻ, hỏi về tiền sử bệnh lý, chế độ dinh dưỡng và khám lâm sàng. Các xét nghiệm khác được sử dụng để giúp chẩn đoán bệnh còi xương bao gồm X-quang, máu và xét nghiệm nước tiểu.

Phương pháp điều trị còi xương hiệu quả

Điều trị còi xương chủ yếu là cung cấp thêm vitamin D và canxi cần thiết để bù lại lượng mà cơ thể trẻ bị thiếu hụt.

  • Lượng vitamin D cần cho trẻ còi xương là 1000 – 2000 IU mỗi ngày. Hàm lượng vitamin D có thể sẽ vượt hơn mức này tùy vào độ còi xương của trẻ và theo chỉ định của bác sĩ.

  • Lượng canxi cần thiết là 1000 – 1500 mg/ngày.

Vitamin D và canxi có thể được cung cấp thông qua ánh nắng mặt trời (trước 7 giờ sáng), qua thực phẩm cung cấp trong bữa ăn và qua thuốc bổ sung.

Trong trường hợp trẻ bị còi xương do di truyền thì sẽ được điều trị theo hướng dẫn của chuyên gia nội tiết.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của còi xương

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin D.

  • Tắm nắng cho trẻ vì khi tiếp xúc với nắng, cơ thể sẽ sản sinh vitamin D. Tốt nhất bạn nên cho trẻ tắm nắng trước 7 giờ.

  • Tập cho trẻ thói quen sinh hoạt khoa học, ngủ đủ và đúng giờ, thường xuyên luyện tập thể dục.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực phẩm chính là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào và thường xuyên cho trẻ. Bạn nên chú ý đến các món ăn sau để cho trẻ có nhiều vitamin D:

  • Dầu cá.

  • Cá béo (cá hồi, cá mòi, cá ngừ).

  • Nấm hương.

  • Lòng đỏ trứng.

  • Ngũ cốc.

  • Bánh mì.

  • Sữa ( trừ thực phẩm làm từ sữa như sữa chua và phô mai).

  • Nước cam.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *