Tìm hiểu chung
Gai cột sống là gì?
Gai cột sống là bệnh thoái hóa cột sống, hình thành bởi sự phát triển quá mức của xương dẫn đến xương bị thừa (gai xương) trên thân đốt sống, đĩa sụn và các dây chằng quanh khớp. Vị trí mọc gai là mặt trước và bên của cột sống, thường thấy ở khu vực thắt lưng và đốt sống cổ. Bệnh gai cột sống không xuất hiện triệu chứng rõ ràng nhưng nếu gai xương cọ xát vào những khu vực cận kề nó thì người bệnh sẽ cảm thấy tê và đau, đôi khi bị hạn chế vận động. Ba nguyên nhân chính gây gai cột sống là do viêm khớp cột sống mạn tính, lắng đọng canxi ở dây chằng tiếp xúc với cột sống và do chấn thương. Gai cột sống có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu kết hợp với việc thay đổi lối sống.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của gai cột sống
Tùy vào vị trí bị gai cột sống mà bạn sẽ có thể đau ở những điểm khác nhau. Gai cột sống thông thường tập trung ở cổ và thắt lưng, đặc biệt là khi đứng hoặc đi. Nếu bị gai cột sống ở thắt lưng thì có thể thấy đau tập trung ở giữa thắt lưng, lan tỏa xuống vùng hông và đau dọc xuống hai chân. Còn trường hợp gai cột sống cổ sẽ bị đau vùng cổ, kéo lên đỉnh đầu gây đau buốt nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, nặng thì cơn đau lan xuống vai và cánh tay làm tê tay.
Ngoài con đau ở những vị trí và vùng lân cận bị gai cột sống, bạn có thể gặp các triệu chứng:
-
Cảm giác bất thường hoặc mất cảm giác ở phần cột sống liên quan;
-
Đau tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi;
-
Cơ bắp yếu đi, đặc biệt là ở tay và chân do dây thần kinh bị chèn ép;
-
Mất cân bằng cơ thể;
-
Nếu ống tủy bị thu hẹp quá, bệnh nhân sẽ mất kiểm soát đường đại tiểu tiện. Đây là tình huống nguy cấp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bệnh gai cột sống trở nên nặng hơn, biến chứng xuất hiện từ việc chèn ép dây thần kinh sẽ gây ra bí tiểu, táo bón, đại tiểu tiện không tự chủ, bệnh nhân có thể bị tàn phế, thậm chí là tử vong. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến gai cột sống
Khi đĩa đệm tại giữa hai đốt sống bị thoái hóa sẽ dẫn đến bệnh gai cột sống. Do chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác, áp lực mạnh từ việc vận động, các bao xơ đĩa đệm bị mất nước, nứt vỡ và xẹp đi. Từ đó, các đốt sống liền kề tiếp xúc trực tiếp với nhau và mòn dần do ma sát. Kéo theo đó sẽ hình thành các gai xương, gây đau và cản trở cử động của các khớp.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hình thành gai cột sống:
-
Viêm xương khớp hoặc viêm gân: Viêm lâu ngày làm phần sụn đốt sống bị hao mòn, khiến bề mặt sụn trở nên xù xì và cuối cùng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát với nhau. Phản ứng này làm kích thích các tế bào tạo xương tự chỉnh sửa lại, nhưng vô tình dẫn đến việc xương thừa, gai mọc ra.
-
Do lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống: Thường gặp trong thoái hóa cột sống ở những người lớn tuổi. Khi sụn khớp bị thoái hóa và xẹp xuống, các dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn. Từ đó, cơ thể sẽ có phản ứng tự nhiên làm cho dây chằng dày lên để có sức giữ vững cột sống. Lâu ngày, canxi sẽ tụ lại trên dây chằng và tạo ra gai xương.
-
Chấn thương: Gai xương có thể là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi bị chấn thương do sức ép, va chạm, cọ xát.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị gai cột sống?
Nguy cơ mắc bệnh gai cột sống tăng theo độ tuổi, đặc biệt là những người từ 40 trở lên có khả năng bị gai cột sống cao hơn.
Tình trạng gai cột sống xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ gai cột sống, bao gồm:
-
Người lớn tuổi.
-
Người lao động nặng.
-
Người ngồi làm việc lâu và ít vận động.
-
Phụ nữ ở tuổi mãn kinh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán gai cột sống
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của bạn, hỏi về tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng và chụp X-quang để quan sát những tổn thương ở cột sống, từ đó đưa ra kết luận.
Phương pháp điều trị gai cột sống hiệu quả
Nếu người bệnh có gai nhưng không gây đau thì không cần phải điều trị, chỉ cần theo dõi đều đặn.
Trường hợp bệnh nhân bị đau thì trước hết cần phải nghỉ ngơi, tránh hoạt động để giảm áp lực lên vùng bị đau. Sau đó, các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây ra gai cột sống và điều trị theo phác đồ khác nhau. Dưới đây là một số cách trị gai cột sống thường được áp dụng:
-
Dùng thuốc: Người bệnh bị gai cột sống khi có biểu hiện sưng viêm tại cột sống cần phải chườm đá và uống thuốc. Thông thường, bác sĩ sẽ cho dùng các thuốc giảm đau để khống chế các đợt đau cấp tính như paracetamol, celecoxib, meloxicam. Đồng thời, người bệnh sẽ phải dùng thêm thuốc giãn cơ như eperison và tiêm cạnh cột sống bằng thuốc chống viêm steroid.
-
Phẫu thuật: Sau khi bệnh nhân qua cơn đau cấp tính, cần tập phục hồi chức năng vận động. Phẫu thuật cắt bỏ gai là biện pháp cuối cùng khi người bệnh bị đau mạn tính, có chèn ép vào tủy, chèn ép các rễ thần kinh ở cột sống gây nên rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác, bại liệt. Gai cột sống có thể được xử lý với vi phẫu thuật rất chính xác. Tuy nhiên sau khi cắt bỏ, gai có thể mọc trở lại.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Tập vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của chuyên viên.
-
Nên nghỉ ngơi và tránh làm các công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến cột sống.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất, đặc biệt là những thực phẩm giàu canxi, tăng cường ăn rau xanh, trái cây và hạn chế chất béo. Không hút thuốc, không sử dụng các chất kích thích khác.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh gai cột sống hiệu quả:
-
Hạn chế làm công việc khuân vác nặng nhọc.
-
Tránh chấn thương và các tư thế gây chấn thương vùng cột sống do chơi thể thao, mang vác hoặc tai nạn,…
-
Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu bị béo phì để giảm tải lực đè lên cột sống.
-
Luôn giữ cột sống ở tư thế tốt, tránh đứng hoặc ngồi sai tư thế quá lâu, luân phiên thay đổi tư thế.
-
Thường xuyên tập thể dục đều đặn, nên tập các động tác cử động vùng cột sống cổ và vùng cột sống thắt lưng. Tránh những môn thể thao quá sức, hãy chọn các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, đi bộ,…
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.