Tìm hiểu chung
Giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?
Giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng thành tĩnh mạch chi dưới bị tổn thương không thể phục hồi, dẫn đến tĩnh mạch bị giãn ra, nổi lên gần bề mặt da.
Bất kỳ tĩnh mạch nào cũng có thể bị giãn, tuy nhiên những tĩnh mạch ở chân và bàn chân thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đó là do dáng đi, đứng thẳng làm gia tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở phần thấp của cơ thể. Bên cạnh đó, giãn tĩnh mạch chi dưới có thể báo hiệu bạn có nguy cơ cao mắc các vần đề về tuần hoàn máu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn tĩnh mạch chi dưới
Các dấu hiệu, triệu chứng có thể gặp khi mắc bệnh bao gồm:
-
Chân đau đau nhức hoặc cảm thấy nặng nề, đặc biệt sau khi đứng hoặc ngồi lâu;
-
Tĩnh mạch xanh và nổi dọc theo đùi, mắt cá hoặc đầu gối; bằng mắt thường có thể nhìn thấy được;
-
Da khô và ngứa. Tình trạng thay đổi màu da, da mỏng hơn, lở loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần mắt cá chân.
Biến chứng có thể gặp khi bị giãn tĩnh mạch chi dưới
Mặc dù giãn tĩnh mạch rất hiếm gây ra biến chứng, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các hậu quả sau đây:
-
Da chân đổi màu, hình thành các vết loét khó lành, chảy máu tại ổ loét. Nặng hơn nữa có thể làm mất khả năng lao động hoặc phải cắt cụt chân.
-
Gây thuyên tắc mạch phổi.
-
Huyết khối tĩnh mạch sâu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn bạn thấy xuất hiện các triệu chứng nêu trên, hoặc lo lắng về tình trạng bệnh, hay điều trị tại nhà không khỏi, xin vui lòng đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch chi dưới
Giãn tĩnh mạch chi dưới xảy ra khi tĩnh mạch bị ứ máu kéo dài khiến nó phình ra và nổi lên gần bề mặt da. Hiện tượng ứ máu ở tĩnh mạch là do mạch bị yếu đi, giãn căng và không thể chuyển máu về tim. Còn tĩnh mạch bị yếu có thể liên quan đến nghề nghiệp phải đứng nhiều hoặc do tĩnh mạch bị tắc nghẽn (do có khối u, nhiễm trùng, chấn thương…).
Ngoài ra, tĩnh mạch bị yếu có thể do bị thiểu năng nguyên phát hoặc các rối loạn chức năng thần kinh – nội tiết của cơ thể dẫn đến những biến đổi cấu trúc thành tĩnh mạch.
Nguy cơ mắc phải
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch chi dưới
Tỷ lệ người lớn mắc bệnh là 30% và đây là một căn bệnh phổ biến. Tuy nhiên, người lớn tuổi, người bị thừa cân và những người phải đứng trong một thời gian dài có nguy cơ giãn tĩnh mạch cao hơn.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới bao gồm:
-
Tuổi tác: Nguy cơ bị giãn tĩnh mạch tăng dần theo tuổi của bạn do các mạch máu và van điều tiết máu trong mạch dần dần bị thoái hóa.
-
Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới do trải qua sự thay đổi hormone khi mang thai, điều trị bằng liệu pháp thay hormone và dùng thuốc tránh thai; phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi mãn kinh.
-
Tiền sử gia đình: Trong gia đình bạn từng có người bị giãn tĩnh mạch.
-
Béo phì: Huyết áp cao và xơ vữa mạch máu do bị thừa cân sẽ khiến bạn không chỉ bị giãn tĩnh mạch mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch khác.
-
Làm các công việc phải đứng trong khoảng thời gian dài.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào việc khám lâm sàng, quan sát các triệu chứng biểu hiện ở chân của người bệnh để đánh giá sơ bộ về tình trạng tĩnh mạch (vị trí giãn, giãn từng phần hay toàn bộ, giãn to một nhánh hay giãn thành búi, màu sắc da, tình trạng phù nề, loét thiểu dưỡng). Đồng thời thực hiện một số xét nghiệm như:
-
Đo áp lực Tĩnh mạch sâu chi dưới.
-
Chụp X-quang tĩnh mạch chi dưới với chất cản quang: Có thể xác định được hình thái, vị trí, mức độ giãn của tĩnh mạch. Đặc biệt có thể xác định được vị trí các chỗ tắc hoặc nghẽn của tĩnh mạch.
-
Phương pháp chụp siêu âm Doppler kép: đây là phương pháp có giá trị chính xác nhất để đánh giá tình trạng suy chức năng tĩnh mạch.
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới hiệu quả
Các phương pháp điều trị bao gồm:
-
Mang vớ y khoa hoặc băng ép tĩnh mạch để giảm phù và giảm cảm giác khó chịu chủ quan ở người bệnh.
-
Liệu pháp xơ hóa: Bác sĩ tiêm thuốc làm cứng tĩnh mạch bị giãn, thuốc khiến cho tĩnh mạch bị mất chức năng và điều chỉnh lưu thông máu sang các tĩnh mạch khác khỏe hơn.
-
Phẫu thuật: Phẫu thuật thường là tiểu phẫu, các mạch máu sẽ được lấy ra hoặc thắt lại để ngưng hoạt động. Có nhiều cách thực hiện phẫu thuật như phẫu thuật laser, cắt đốt trị liệu, phẫu thuật nội soi và các thủ thuật khác.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn tĩnh mạch chi dưới
Bạn có thể ngăn ngừa và hạn chế bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới theo những cách dưới đây:
-
Tập thể dục (đi bộ) đều đặn và giảm cân.
-
Nâng chân lên cao khi ngồi và tránh đứng một chỗ trong thời gian dài.
-
Mang vớ y khoa mỗi ngày.
-
Gọi cho bác sĩ nếu giãn tĩnh mạch gây đau đớn, da lở loét hoặc bị chảy máu từ tĩnh mạch bị giãn.
-
Đi bác sĩ khám nếu gần tĩnh mạch bị giãn có chỗ sưng nóng và đau khi chạm, đó có thể là một huyết khối nguy hiểm (viêm tĩnh mạch).
-
Không nên đứng quá lâu hoặc vận động chi dưới quá sức.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.