Tìm hiểu chung
Glôcôm góc đóng nguyên phát là gì?
Glôcôm góc đóng nguyên phát là một bệnh nguy hiểm và phức tạp trong nhãn khoa, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO), đây là nguyên nhân đứng thứ 2 gây mù loà sau đục thuỷ tinh thể và là nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục. Ở Việt Nam, glôcôm được biết đến trong dân gian dưới tên ‘thiên đầu thống’. Hiện nay, glôcôm được coi là một nhóm bệnh có nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là khi toàn phát thì nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt gây lõm và teo thị thần kinh, dẫn tới tổn hại thị trường. Có 2 thể glôcôm nguyên phát là glôcôm góc đóng nguyên phát và glôcôm góc mở nguyên phát với cơ chế bệnh sinh và triệu chứng lâm sàng khác nhau.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của glôcôm góc đóng nguyên phát
Các dấu hiệu thường rõ rệt khi bệnh khởi phát bao gồm: Cơn đau nhức thường xuất hiện về chiều tối, sau khi làm việc mệt mỏi, sau lo âu hoặc những chấn động về thần kinh, tình cảm… Những triệu chứng nhức này thường xuất hiện ở cung lông mày, vùng hố mắt lan sang thái dương, vùng trán hoặc đỉnh đầu. Khi nhức mắt, thị lực thường giảm, nhìn như có sương mù trước mắt, nhìn đèn có quầng xanh đỏ như cầu vồng. Nếu cơn nhức về chiều, sau khi được nghỉ ngơi hay ngủ, triệu chứng đau nhức qua đi, thị lực trở lại bình thường.
Biến chứng có thể gặp của glôcôm góc đóng nguyên phát
Nếu không được điều trị, kiểm soát tốt nhãn áp thì bệnh sẽ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Sau khi điều trị bằng phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng sau đây:
-
Tăng nhãn áp tái phát.
-
Sẹo bọng thấm quá mỏng hoặc rò, vỡ bọng thấm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Vì bệnh có diễn biến rất nhanh và khả năng biến chứng cao. Vì thế, khi bạn thấy xuất hiện các triệu chứng nêu trên, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến glôcôm góc đóng nguyên phát
Nguyên nhân gây ra bệnh glôcôm góc đóng nguyên phát bao gồm:
-
Nghẽn đồng tử: Trên địa trạng mắt có cấu trúc giải phẫu đặc biệt, khi đồng tử ở trạng thái giãn nửa vời, diện tiếp xúc giữa mống mắt và mặt trước của thể thuỷ tinh tăng lên gây cản trở lưu thông thuỷ dịch từ hậu phòng ra tiền phòng. Thuỷ dịch bị ứ lại trong hậu phòng, áp lực trong hậu phòng tăng lên đẩy chân mống mắt nhô ra trước, áp vào vùng bè gây đóng góc và tăng nhãn áp.
-
Nghẽn góc tiền phòng: Lúc đầu mống mắt chỉ áp vào vùng bè nhưng chưa có dính góc thực thể (làm nghiệm pháp ấn góc, vùng mống mắt áp dính sẽ được tách ra). Nếu không được điều trị kịp thời, quá trình đóng góc kéo dài sẽ đưa đến tình trạng dính góc thực sự. Ở giai đoạn này, điều trị bằng thuốc co đồng tử hoặc bằng laser thì góc tiền phòng cũng không có khả năng mở ra được.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải glôcôm góc đóng nguyên phát?
Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc bệnh:
-
Bị bệnh viễn thị.
-
Bị bệnh đục thủy tinh thể.
-
Có tiền sử tăng nhãn áp.
-
Bị bệnh tiểu đường.
-
Những người từ 35 tuổi trở lên.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
-
Do uống các loại thuốc cảm lạnh, thuốc kháng histamines, các loại thuốc của bệnh tiểu tiện không tự chủ…
-
Chủng tộc: Bệnh Glôcôm góc đóng nguyên phát thường xuất hiện nhiều ở người Châu Á.
-
Giới tính- tuổi tác: Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh, nữ giới sau độ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới gấp 4 lần.
-
Yếu tố gia đình: Những mắt có giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, góc tiền phòng hẹp, viễn thị sớm hoặc cao so với tuổi, thể trạng thần kinh vận mạch dễ kích thích, dễ xúc cảm, hay lo âu là tiền đề xuất hiện cơn glôcôm góc đóng.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán glôcôm góc đóng nguyên phát
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào việc xem xét các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, hỏi về bệnh sử, khám lâm sàng và đo giác mạc.
Phương pháp điều trị glôcôm góc đóng nguyên phát hiệu quả
Các phương pháp điều trị bao gồm:
-
Phẫu thuật: Bệnh cần được phẫu thuật ngay sau khi được phát hiện. Thực hiện phẫu thuật điều trị laser hoặc phẫu thuật cắt mống mắt chu biên, kết hợp điều trị thuốc chỉ có tác dụng bổ sung. Phẫu thuật lỗ rò được đặt ra ở những giai đoạn của bệnh, khi chỉ định cắt mống mắt chu biên không kết quả.
-
Điều trị thuốc: Thuốc tra mắt, thuốc chống đối giao cảm Pilocarpin, phối hợp pilocarpin với ức chế β như Foltin (pilocarpin + timolol), nhỏ mắt 1 – 2 giọt/lần, 2 lần/ngày.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để kiểm soát được bệnh, bạn cần:
-
Khám mắt định kỳ và đo nhãn áp ít nhất 1 năm một lần khi ở độ tuổi 40 tuổi trở lên.
-
Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc có chứa thành phần Corticoid khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
-
Nếu được bác sĩ chẩn đoán bệnh Glôcôm cần phải được theo dõi thường xuyên. Bệnh Glôcôm thường làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa không hồi phục ở giai đoạn muộn, vì vậy, được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì thị lực của người bệnh càng được bảo tồn.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.