Tìm hiểu chung

Hạ đường huyết là gì?

Đường cung cấp cho cơ thể từ các nguồn thức ăn như: gạo, khoai tây, ngũ cốc, trái cây, đồ ăn ngọt,… và đường được tích trữ trong gan và mô rồi đem đi chuyển hóa thành glucose thành năng lượng chính thức đi nuôi cơ thể. Khi không đủ lượng đường, tế bào và cơ não không thể hoạt động tốt.

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu xuống quá thấp, tuyến tụy không sản xuất đủ glucagon, lượng đường trong máu không đủ cung ứng và gây hạ đường huyết. Tụy là cơ quan chủ chốt trong việc tiết insulin và glucagon để điều hòa đường huyết; nếu insulin đóng vai trò làm giảm lượng đường huyết thì glucagon có vai trò tăng đường huyết.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết

Trong trường hợp bạn không bị tiểu đường, hạ đường huyết thường có triệu chứng như ngất xỉu hoặc động kinh.

Trường hợp bạn bị tiểu đường, sẽ có các triệu chứng như: chóng mặt, nhức đầu, tay chân run rẩy, thường xuyên cảm thấy đói, đổ mồ hôi liên tục, tim đập nhanh bất thường, da tái nhợt thiếu sức sống. Đặc biệt hạ đường huyết thường xảy ra vào ban đêm đối với bệnh nhân tiểu đường làm mệt mỏi, gặp ác mộng, la hét trong lúc ngủ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì đây là bệnh xuất hiện rất bất ngờ và diễn ra nhanh chóng nên gặp ngay bác sĩ khi:

  • Choáng váng, ngất xỉu do hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.

  • Xuất hiện bất kì dấu hiệu nào của hạ đường huyết ở người không mắc bệnh tiểu đường.

  • Đã điều trị hạ đường huyết mà vẫn tái phát.

Đối với cá nhân mỗi người nên nói với người thân hoặc người xung quanh về tình trạng sức khỏe, hoặc bệnh tiểu đường của mình để có thể được cấp cứu kịp thời khi có tình huống bất ngờ xảy ra, tránh trường hợp bị nặng hơn gây nguy hiểm đến tính mạng.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết

Bệnh hạ đường huyết xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường khi insulin và glucagon trong máu mất cân bằng. Sự mất cân bằng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

  • Uống nhiều bia, rượu, các chất kích thích gây rối loạn nội tiết.

  • Chế độ ăn uống kiêng khem bất hợp lý lại không cung cấp đủ lượng đường bột cần thiết cho cơ thể.

  • Tập thể dục không đúng các bài tập dành cho bệnh nhân tiểu đường.

  • Uống quá nhiều insulin hoặc các thuốc có tác dụng phụ làm hạ đường huyết.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh hạ đường huyết?

Các đối tượng sau đây có tỷ lệ mắc bệnh hạ đường huyết cao hơn những người bình thường:

  • Tiền sử mắc các rối loạn nội tiết như suy tuyến thượng thận, suy tuyến yên.

  • Người nghiện rượu, bia.

  • Có khối u có nguồn gốc liên quan đến insulin ở tuyến tụy.

  • Đang điều trị tiểu đường.

  • Mắc các bệnh về viêm gan, thận.

Không nằm trong những nhóm người trên không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bị hạ đường huyết, có bất kì dấu hiệu bất thường nào xảy ra tốt nhất hãy tìm đến các bác sĩ để có cách giải quyết tốt nhất.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hạ đường huyết

Khi thấy các dấu hiệu trên, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu, lượng đường trong máu ở mức <70mg/dl ( < 3.9mmol/l ) thì được xác định là hạ đường huyết.

Đây là một bệnh có các dấu hiệu, triệu chứng khá rõ ràng nên việc chẩn đoán rất dễ dàng.

Phương pháp điều trị hạ đường huyết hiệu quả

Phương pháp điều trị khá đơn giản, đối với từng đợt hạ đường huyết như vậy bạn nên bổ sung đường ngay lập tức, bằng nhiều cách:

  • Đơn giản nhất là ngậm kẹo.

  • Uống nước trái cây ngọt.

  • Uống viên glucose.

  • Nếu mắc bệnh tiểu đường cần nói ngay với bác sĩ để có giải pháp tốt nhất.

  • Tự kiểm tra nồng độ đường huyết đều đặn.

  • Thực hiện nghiêm túc các lịch hẹn kiểm tra đường huyết với bác sĩ.

  • Nên biết cách tiêm hoặc hướng dẫn cách tiêm glucagon khi có người hạ đường huyết bất tỉnh.

Nếu không thấy thuyên giảm sau khoảng 20 phút, bệnh nhân cần được bổ sung đường thêm lần nữa. Trường hợp hạ đường huyết dẫn đến động kinh thì cần tiêm ngay một mũi glucagon tức thì.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Mỗi người đều có thể phòng chống bệnh này bằng nhiều cách:

  • Có chế độ ăn uống dinh dưỡng và khoa học.

  • Vận động thường xuyên để nâng cao sức khỏe nhưng nên có các bữa ăn nhẹ trước các buổi tập nếu thấy cần thiết.

  • Tuyệt đối không phớt lờ các dấu hiệu bất thường xảy ra đối với cơ thể, vì có thể dẫn đến những nguy hiểm chẳng hạn như tổn thương não, hôn mê sâu.

  • Cẩn thận khi lái xe vì hạ đường huyết có thể gây nguy hiểm đến cơ thể tức thì.

  • Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc bỏ thuốc, không theo chỉ định của các bác sĩ.

Ghi chú: Hạ đường huyết có thể gây biểu hiện rất nhanh và dễ dàng được điều trị bằng chất ngọt. Nhưng nếu không điều trị kịp thời, hạ đường huyết có thể dẫn đến choáng váng, ngất xỉu, hôn mê. Cần đặc biệt chú ý khi bản thân hoặc người thân bị hạ đường huyết khi ra ngoài.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *