Tìm hiểu chung

Hở van hai lá là gì?

Hở van hai lá là bệnh lý van tim bẩm sinh, bệnh gây nên các triệu chứng ứ đọng tuần hoàn ngược dòng và lâu ngày dẫn đến suy tim. Thông thường người bệnh sẽ không có triệu chứng gì trong nhiều năm và đến nhập viện trong tình trạng suy tim diễn tiến. Tỉ lệ gặp phải căn bệnh này là từ 5 – 24% trên tổng số các bệnh lý về tim mạch.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van hai lá

Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của hở van hai lá bao gồm:

  • Mệt mỏi và khó thở, đặc biệt là khi gắng sức hoặc khi nằm xuống;

  • Nghe tiếng âm thổi tại tim;

  • Ho hoặc khó thở về đêm;

  • Rối loạn nhịp tim;

  • Đổ mồ hôi bàn chân hoặc khuỷu tay.

Nếu bạn bị hở van hai lá nhẹ, bạn thường không thấy có triệu chứng nào. Và các triệu trứng nêu trên chỉ xuất hiện khi bệnh đã hình thành nhiều năm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hở van hai lá

Bệnh có thể không gây ra vấn đề gì nếu nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng có thể gây các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Suy tim.

  • Rung tâm nhĩ.

  • Viêm nội tâm mạc.

  • Tắc mạch não, tắc mạch chi.

  • Phù phổi cấp, bội nhiễm phổi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi thấy xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Đau thắt ngực thường xuyên và ngày càng nặng;

  • Khó thở trong lúc nghỉ;

  • Muốn ngất;

  • Đánh trống ngực (tần số tim nhanh);

  • Phù hai chân và bàn chân.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hở van hai lá

Nguyên nhân gây ra bệnh hở van hai lá là do van hai lá bị tổn thương, gây nên tình trạng van đóng không kín trong thì tâm thu, làm cho một lượng máu phụt ngược trở lại từ thất trái lên nhĩ trái trong thì tâm thu.

Hở van hai lá có thể là hậu quả của dị tật bẩm sinh hoặc một số nguyên nhân khác như:

  • Thấp tim.

  • Rối loạn mô liên kết như bệnh lupus ban đỏ toàn thân.

  • Chấn thương van tim: rách lá van, thủng lá van, đứt dây chằng lá van.

  • Thoái hóa van.

  • Xơ cứng bì.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải hở van hai lá?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh hở van hai lá, tuy nhiên bệnh thường được chẩn đoán ở tuổi trung niên trở lên.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tiền căn sa van.

  • Nhồi máu cơ tim: Có thể làm tổn thương cơ tim, ảnh hưởng chức năng van hai lá.

  • Bệnh tim: Ví dụ bệnh mạch vành.

  • Dùng thuốc: Ergotamine (Cafergot, Migergot) hoặc các thuốc tương tự để điều trị đau nửa đầu, pergolide, cabergoline, thuốc chống thèm ăn fenfluramine và dexfenfluramine.

  • Nhiễm trùng: Như viêm nội tâm mạc và sốt thấp, có thể làm tổn thương van hai lá.

  • Bệnh tim bẩm sinh.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hở van hai lá

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách nghe tiếng bất thường giữa các nhịp tim thông qua ống nghe. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán thông qua các xét nghiệm như: siêu âm tim, chụp X-quang và điện tâm đồ (ECG).

Phương pháp điều trị hở van hai lá hiệu quả

Điều trị hở van 2 lá bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa:

Tình trạng bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa với thuốc để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng

Tình trạng bệnh nặng hoặc khi thuốc không còn tác dụng, thì bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa. Có hai phương pháp hiện nay là sửa lại van và dây chằng hoặc thay van hai lá bằng van nhân tạo.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bệnh hở van hai lá có thể được hạn chế bằng việc thực một số lời khuyên dưới đây:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.

  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn không nên tự ý uống thuốc mà không tuân theo chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

  • Giới hạn lượng muối trong khẩu phần ăn nếu bạn có triệu chứng suy tim.

  • Tập thể dục dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *