Tìm hiểu chung
Hoa mắt chóng mặt là gì?
Hoa mắt chóng mặt đôi khi là hiện tượng sinh lý bình thường không gây tổn thương (bệnh nhân chỉ cần ăn uống và sinh hoạt điều độ lại), nhưng nó cũng là biểu hiện thường thấy cho các bệnh lý khác (như rối loạn tiền đình, xơ cứng động mạch não,…) chứ không đơn thuần như nhiều người nghĩ là thiếu máu. Trong xã hội hiện nay, không chỉ ở người lớn tuổi mà ngay cả thế hệ thanh niên cũng thường mắc phải chứng bệnh này. Tùy theo mức độ, nguyên nhân và bệnh lý được tìm thấy mà mỗi bệnh nhân sẽ được áp dụng phương pháp điều trị riêng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị hoa mắt chóng mặt
Người bị hoa mắt chóng mặt sẽ có biểu hiện:
-
Hoa mắt: Nhận thấy mọi vật như tối sầm lại, không thể nhìn rõ, thường kéo dài trong vài giây hoặc có thể là vài phút.
-
Chóng mặt: Cảm giác mọi vật xung quanh quay tròn theo nhiều hướng, nhiều chiều khác nhau. Bệnh nhân thường bị chóng mặt khi thay đổi tư thế, kéo dài vài phút hoặc có thể liên tục vài giờ.
-
Bệnh nhân thỉnh thoảng bỗng nhiên hoa mắt, chóng mặt kèm ù tai. Khi có biến động tình cảm hoặc tinh thần căng thẳng thì sẽ phát nặng hơn.
Với những trường hợp nặng, hoa mắt và chóng mặt còn có thể đi kèm với buồn nôn và ói mửa.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị hoa mắt chóng mặt thường xuyên và kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và xét nghiệm tìm ra nguyên nhân và bệnh lý.
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến hoa mắt chóng mặt
Có thể chia nguyên nhân gây hoa mắt chóng mặt ra thành 2 nhóm:
-
Do bệnh về máu và tim mạch (thiếu máu não, bệnh tim).
-
Do bệnh thần kinh: thường kèm theo triệu chứng như ù tai, rung giật nhãn cầu.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị hoa mắt chóng mặt?
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh.
Người bị bệnh thiếu máu lên não.
Hoa mắt chóng mặt cũng dễ mắc phải nếu bạn có các thói quen xấu trong sinh hoạt như: ăn uống không điều độ, thường bỏ bữa, rối loạn giờ giấc, cường độ làm việc quá cao.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hoa mắt chóng mặt
Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh hoa mắt chóng mặt bằng cách:
Bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng (nội khoa, thần kinh để đánh giá hệ thống chức năng vận động, cảm giác, phản xạ, dây sọ não,…) để nhận định được các hình thái hoa mắt, chóng mặt. Từ kết quả chẩn đoán bệnh nhân sẽ được tư vấn điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị hoa mắt chóng mặt hiệu quả
Tùy theo mức độ, nguyên nhân và bệnh lý được tìm thấy mà mỗi bệnh nhân sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Các phương pháp chủ yếu là:
Nếu bệnh nhân bị nhẹ: Nên nghỉ ngơi sau cơn hoa mắt chóng mặt và cải thiện thói quen sinh hoạt, như tập thể dục đều đặn để tăng cường lưu thông máu lên não.
Các liệu pháp khác với bệnh nhân theo từng loại bệnh:
-
Liệu pháp vật lý với các bài tập tiền đình.
-
Liệu pháp dược lý.
-
Phẫu thuật.
-
Liệu pháp tâm lý.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hoa mắt chóng mặt
Chế độ sinh hoạt:
-
Tránh làm việc quá sức, thường xuyên căng thẳng.
-
Ăn uống bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.
-
Ngủ đủ giấc.
-
Vận động thường xuyên, không quá sức.
-
Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột.
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Uống đủ nước. Bổ sung thêm nước nếu vận động nhiều hay trời nóng.
-
Hạn chế các loại đồ ăn, thức uống ngọt hay mặn quá.
-
Tránh chất caffeine như cà phê hay thức uống có cồn (bia, rượu).
-
Tránh những loại thực phẩm có chứa axit amin tyramine vì nó có thể gây bệnh Migraine (nhức đầu kèm chóng mặt), có trong: rượu vang đỏ, gan gà, thịt xông khói, sữa chua, sô-cô-la, chuối, cam, quýt, chanh, trái sung, phô-mai, các loại hạt.
-
Bổ sung vitamin C (trong cam, chanh, dứa…), B6 (trong ngũ cốc, thịt gà, heo…).
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.