Tìm hiểu chung

Hội chứng QT kéo dài là gì?

Hội chứng QT kéo dài là một bệnh về tim khi hệ thống điện tim trở nên bất thường. Trong hội chứng QT kéo dài, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp điện giữa các nhịp đập. Hội chứng này thường làm nhịp tim nhanh và tim đập hỗn loạn, tiền đề cho sự ngất đột ngột và một số trường hợp có thể bị tử vong.

Hội chứng QT kéo dài có thể được điều trị bằng cách giới hạn hoạt động thể chất, dùng thuốc hỗ trợ hoặc phẫu thuật.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài

Các dấu hiệu thường gặp của hội chứng QT kéo dài bao gồm:

  • Ngất xỉu không rõ nguyên nhân. Triệu chứng này xảy ra bởi tim không bơm đủ máu đến não. Ngất xỉu thường xảy ra trong khoảng thời gian căng thẳng về thể chất hay tình cảm;

  • Đuối nước không rõ nguyên nhân khi bơi: triệu chứng này có thể do ngất xỉu gây ra;

  • Tim ngừng đập đột ngột không rõ nguyên nhân: triệu chứng này có thể khiến bệnh nhân tử vong sau vài phút nếu không được hỗ trợ y tế kịp thời. Đây là triệu chứng đầu tiên ở 1 trên 10 bệnh nhân bị hội chứng QT kéo dài;

  • Đánh trống ngực liên tục (tim đập nhanh);

  • Thở hổn hển khi ngủ do nhịp tim bất thường;

  • Co giật.

Biến chứng có thể gặp khi mắc phải hội chứng QT kéo dài

Hội chứng QT kéo dài làm nhịp điệu của tim vượt ngoài tầm kiểm soát và có thể gây ra các biến chứng bao gồm:

Xoắn đỉnh:

Đặc điểm là tâm thất đập nhanh, làm cho sóng trên màn hình điện tâm đồ xoắn, lượng máu từ tim bơm lên não bị giảm xuống.

Nếu xoắn đỉnh ngắn, kéo dài ít hơn một phút, tim có thể tự điều chỉnh và tự lấy lại ý thức. Tuy nhiên, nếu xoắn đỉnh vẫn tiếp diễn, nó có thể dẫn đến chứng loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Rung tâm thất:

Tâm thất đập quá nhanh, rung và không còn bơm máu. Trừ khi sốc lại nhịp điệu bình thường bằng thiết bị gọi là máy khử rung tim nếu không rung thất có thể dẫn đến tổn thương não và tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nêu trên hoặc trong gia đình có người được chẩn đoán là mắc bệnh này.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng QT kéo dài

Tim đập khoảng 100.000 lần một ngày để lưu thông máu đi toàn cơ thể. Để bơm máu, buồng tim phải co và thư giãn đều đặn. Những hành động này được điều khiển bằng xung điện tạo ra trong nút xoang – một nhóm các tế bào trong buồng trên bên phải của tim. Những xung điện đi qua tim và làm nó co bóp.

Sau mỗi nhịp tim, tim và hệ thống điện sẽ có một khoảng nghỉ để chuẩn bị cho nhịp tim kế tiếp. Trong hội chứng QT kéo dài, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp giữa các nhịp đập. Điều đó làm xáo trộn điện và dẫn đến hội chứng QT kéo dài.

Nguyên nhân gây ra hội chứng QT kéo dài thường là do di truyền. Bên cạnh đó, cũng có thể do việc sử dụng các loại thuốc như quinidine, procainamide, disopyramide, amiodarone và sotalol. Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, một số thuốc điều trị dị ứng nhất định, thuốc kháng sinh như erythromycin kết hợp với thuốc diệt nấm ketoconazole cũng có thể gây hội chứng này.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng QT kéo dài?

Hội chứng QT kéo dài xuất hiện cả ở trẻ em và thanh niên, độ tuổi thường từ 8 – 20 tuổi.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Trẻ em, trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi bị ngất, gần chết đuối hoặc tai nạn, co giật không giải thích được hoặc có tiền sử ngưng tim.

  • Người thân trong gia đình của những đối tượng trên.

  • Họ hàng trực hệ của người có hội chứng QT kéo dài.

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc.

  • Những người có nồng độ kali, magie, calci máu thấp hoặc biếng ăn thần kinh.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng QT kéo dài

Bác sĩ chẩn đoán hội chứng QT kéo dài thông qua:

  • Xem xét bệnh sử và khám lâm sàng.

  • Điện tâm đồ (ECG): Giám sát các sóng của xung điện trong tim.

  • Điện tâm đồ Holter: Được sử dụng để theo dõi nhịp tim bất thường trong vòng 24 giờ liên tục với các hoạt động bình thường của người bệnh.

  • Xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm này sẽ cho biết hội chứng QT kéo dài có phải là do di truyền hay không. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, gia đình bệnh nhân có thể cũng được tiến hành xét nghiệm để kết luận bệnh là do di truyền gây ra.

Phương pháp điều trị hội chứng QT kéo dài hiệu quả

Mục tiêu của việc điều trị hội chứng QT kéo dài là để bệnh trong tầm kiểm soát và ngăn ngừa đột tử. Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có các phương án điều trị bao gồm:

Dùng thuốc:

  • Thuốc ức chế beta để khống chế nhịp khi nó bắt đầu đập loạn nhịp

  • Thuốc chẹn kênh natri, chẳng hạn như mexiletine để làm giảm hoạt động các kênh ion natri.

  • Kali: là một khoáng chất trong cơ thể, quan trọng cho sức khỏe của hệ thống điện tim. Bổ sung kali có thể cải thiện hệ thống điện tim và hữu ích cho những người có hội chứng QT dài.

  • Dầu cá omega-3: Tốt cho tim, có thể giúp ổn định nhịp tim bất thường.

Các loại thuốc được chỉ định không chữa khỏi được hội chứng QT kéo dài, tuy nhiên nó giúp khống chế nhịp tim bất thường.

Dùng máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim (ICD):

Các thiết bị này được cấy dưới da ngực, giúp ngăn chặn chứng loạn nhịp tim có khả năng gây tử vong. ICD liên tục theo dõi nhịp tim và sẽ cung cấp những cú sốc điện để phục hồi nhịp tim bình thường khi nhịp tim có sự bất ổn.

Phẫu thuật thần kinh giao cảm tim:

Các dây thần kinh là một phần của hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể, kiểm soát chức năng tự động trong cơ thể bao gồm cả nhịp tim. Phẫu thuật cắt bỏ một dây thần kinh cụ thể sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ đột tử. Phẫu thuật chỉ thường được áp dụng cho người có nguy cơ cao về cái chết đột ngột, người không thể dùng thuốc hoặc dùng thuốc không mang lại tác dụng.

Thay đổi lối sống:

Đây là việc có tầm quan trọng nhất định trong việc điều trị hội chứng QT kéo dài. Dù bạn đã dùng thuốc hay phẫu thuật, bạn cũng cần thay đổi một số thói quen không tốt khiến nguy cơ ngất xỉu tăng cao, bao gồm:

  • Tránh căng thẳng.

  • Tránh tập thể dục thể thao quá sức. Về việc này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập thể thao bạn có thể/ không thể luyện tập.

  • Giảm ồn ào, tiếng động giật mình.

  • Tránh xa những tình huống gây xúc cảm mạnh như quá thích thú hoặc quá tức giận.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng QT kéo dài

Các biện pháp hạn chế hội chứng QT kéo dài bao gồm:

  • Hội chứng này có thể di truyền. Phải báo ngay cho nhân viên y tế về tiền sử gia đình mắc bệnh này và bị đột tử.

  • Khi có chẩn đoán thừa hưởng hội chứng QT kéo dài, bạn cần tránh sử dụng các loại thuốc làm nguy cơ phát bệnh tăng cao như thuốc ức chế sự thèm ăn nhất định, thuốc thông mũi và thuốc kháng sinh thông thường, chẳng hạn như erythromycin có thể gây ra nhịp tim nguy hiểm.

  • Tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc những gia đình khác để được hỗ trợ. Bác sĩ chuyên khoa tim mạch, chuyên gia tham vấn di truyền, bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ tâm lý có thể giúp đỡ bạn.

  • Đừng quá gắng sức làm một việc gì đó và luôn chuẩn bị tâm lý để tránh xúc động mạnh. Đây là những yếu tố có thể làm khởi phát triệu chứng rối loạn nhịp tim.

  • Thông báo tình trạng của mình cho những người xung quanh biết để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi bạn xuất hiện triệu chứng.

  • Tìm hiểu triệu chứng của bệnh để có cách đối phó và phòng ngừa.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *