Tìm hiểu chung

Hôn mê gan là gì?

Hôn mê gan hay còn gọi là não gan, là bệnh mất chức năng não xảy ra khi gan không thể loại bỏ các độc tố ra khỏi máu. Triệu chứng sẽ ngày càng trầm trọng hơn ở mỗi giai đoạn bệnh. Biểu hiện đặc trưng là những thay đổi về hành vi, trạng thái tinh thần và hệ thống thần kinh. Các triệu chứng này được lý giải do gan không thể thực hiện vai trò lọc độc tố làm cho nồng độ amoniac trong não và máu cao.

Nguyên nhân dẫn đến hôn mê gan là do người bệnh mắc phải các bệnh về gan khác. Vì thế, những người đã mắc các bệnh lý về gan sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Khi được xác định bị hôn mê gan, bệnh nhân cần phải nhập viện gấp để theo dõi tình trạng. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hôn mê gan

Các triệu chứng thường gặp của hôn mê gan bao gồm: mất phương hướng, đãng trí, lơ mơ, hay cảm thấy buồn ngủ, tâm trạng hay thay đổi, thậm chí còn hôn mê.

Ngoài ra còn có các triệu chứng của bệnh gan như vàng da, phồng ngực, co rút tinh hoàn, tràn dịch màng bụng, phù chân.

Hôn mê gan thường được chia thành 4 giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn triệu chứng sẽ có những đặc trưng như:

  • Giai đoạn 1: Biểu hiện thần kinh còn nhẹ và mờ nhạt như lơ mơ, kém tập trung, ngủ gà, hay cáu gắt, tư duy suy giảm.

  • Giai đoạn 2: Các triệu chứng trong giai đoạn 1 xuất hiện rõ hơn kèm theo đuối sức và khó khăn để hoàn thành các công việc cần tư duy.

  • Giai đoạn 3: Rất dễ ngủ,  không thể làm việc với tư duy của mình, mất phương hướng về thời gian và không gian.

  • Giai đoạn 4: Hôn mê thật sự và không thể nhận thức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh có diễn biến nhanh chóng và nguy cấp. Vì vậy bạn nên gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng trên. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh hôn mê gan

Gan đảm nhận nhiều vai trò trọng yếu của cơ thể, trong đó có lọc và đào thải các chất độc hại ra khỏi máu. Khi bị suy giảm chức năng gan, amoniac (có trong vi khuẩn ở dạ dày và ruột) không được chuyển hóa mà sẽ bị tồn đọng lại trong máu. Chất này truyền đến não và gây suy giảm chức năng của não bộ. Bất kì bệnh nào làm hủy hoại tế bào gan và dẫn đến suy gan đều có thể gây ra bệnh hôn mê gan. Các bệnh có thể kể đến như:

  • Xơ gan ở giai đoạn cuối.

  • Viêm gan nhiễm độc cấp do nấm độc, rượu, thuốc.

  • Ung thư gan.

  • Bệnh rối loạn tự miễn làm cho miễn dịch tự phá hủy tế bào lành tính.

  • Viêm đường mật gây huỷ hoại tế bào gan.

  • Bệnh Lupus.

  • Dùng các thuốc như thuốc kháng viêm không steroid.

  • Thuốc an thần hay thuốc giảm đau dùng kèm khi mắc bệnh xơ gan cũng có thể gây ra bệnh não gan.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh hôn mê gan?

Gan bị hủy hoại trên 80% tế bào gan sẽ dẫn đến hôn mê gan. Nếu xuất hiện các yếu tố sau cũng tăng nguy cơ mắc bệnh hôn mê gan:

  • Chảy máu tiêu hóa.

  • Giảm khối lượng máu tuần hoàn.

  • Táo bón lâu ngày.

  • Ăn nhiều protein.

  • Dùng thuốc an thần gây mê hoặc các thuốc lợi tiểu mạnh.

  • Chọc tháo cổ trướng nhiều.

  • Nhiễm khuẩn.

  • Mất nước.

  • Có các vấn đề về thận.

  • Nồng độ oxy trong cơ thể thấp.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh hôn mê gan

Bác sĩ sẽ dựa trên những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân, khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán bệnh hôn mê gan.

Xét nghiệm máu và chụp X-quang để loại bỏ các nguyên nhân khác bởi bệnh hôn mê cũng có những triệu chứng tương tự với những rối loạn khác như cai nghiện rượu, dùng thuốc an thần quá liều, viêm màng não, lượng đường trong máu thấp, ung thư não hoặc đột quỵ.

Phương pháp điều trị hôn mê gan hiệu quả

Khi có kết luận mắc bệnh hôn mê gan, bạn cần phải nhập viện kịp thời. Điều trị hôn mê gan chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp hôn mê gan do xuất huyết ruột hoặc dạ dày thì cần khẩn trương điều trị.

Hôn mê gan chủ yếu gây ra bởi nồng độ amoniac cao làm suy giảm chức năng não bộ. Vì vậy người bệnh được dùng thuốc lactulose có tác dụng nhuận tràng, làm sạch lòng đại tràng để vi khuẩn không thể sinh ra khí amoniac. Ngoài ra thuốc kháng sinh neomycin cũng được dùng. Thuốc này giết chết vi khuẩn trong ruột non để hạn chế lượng amoniac sinh ra.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hôn mê gan

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Chủ động phòng ngừa các bệnh liên quan đến gan.

  • Bệnh nhân đã bị bệnh gan nên tránh tất cả các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh hôn mê gan. Bạn cần cẩn thận trong việc dùng thuốc và hạn chế thức uống chứa cồn vì chúng có thể gây hại cho gan.

  • Cần theo dõi sát bệnh nhân bị bệnh gan để phát hiện những biến chuyển bất thường của cơ thể ngay đầu giai đoạn tiền triệu chứng vì phát hiện sớm thì việc điều trị thường mang lại kết quả tốt.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *