Tìm hiểu chung

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp thấp là tình trạng áp lực bơm máu yếu hoặc bị co mạch làm thể tích máu bị giảm đi. Đây là căn bệnh kéo dài, trong tình trạng nhẹ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng nếu không đề phòng, bệnh có thể là nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh nguy hiểm khác.

Cách đọc chỉ số huyết áp:

Bạn bị huyết áp thấp nếu có huyết áp thấp hơn 90/60, nghĩa là:

  • Huyết áp tâm thu (áp suất trong động mạch khi tim đập) từ 90 mmHg trở xuống.

  • Huyết áp tâm trương (áp suất động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa các lần đập) từ 60 mmHg trở xuống.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của huyết áp thấp

Có 2 khả năng huyết áp thấp:

Huyết áp thấp mạn tính:

Khi bị huyết áp thấp mà không đi kèm triệu chứng, người bệnh có thể hòa hoãn và sống chung với căn bệnh này bằng một lối sống lành mạnh.

Huyết áp thấp đột ngột:

Người vốn có huyết áp bình thường nhưng lại đột ngột giảm có thể là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm từ cơ thể. Một số triệu chứng của huyết áp thấp là:

  • Cảm giác lâng lâng hay chóng mặt;

  • Ngất xỉu;

  • Khó tập trung và rất dễ nổi giận;

  • Da thường bị nhăn, khô, kèm theo rụng tóc;

  • Mờ mắt;

  • Buồn nôn;

  • Da ẩm ướt hay xanh xao;

  • Thở dốc và nông, lúc nói chuyện như bị hụt hơi;

  • Mệt mỏi, lả người;

  • Suy nhược;

  • Cơ thể cảm thấy khác nước, vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh;

  • Co giật động kinh (áp suất máu đủ thấp).

Tác động của huyết áp thấp đối với sức khỏe

Nếu so sánh với bệnh cao huyết áp, thì huyết áp thấp có vẻ như không gây nguy hiểm gì nhiều. Nhưng chính sự chủ quan này có thể dẫn các biến chứng không ngờ như:

  • Mất trí nhớ.

  • Các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

  • Người bệnh bị choáng, bị ngất xỉu do các cơ quan đặc biệt quan trọng như não, tim và thận thiếu hụt oxy và chất dinh dưỡng.

  • Tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận, tai biến mạch máu não,… có thể gây tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu đây là huyết áp thấp mạn tính và bạn có thể kiểm soát nó thì không nguy hiểm. Nhưng nếu huyết áp bình thường mà đột ngột giảm mạnh và xuất hiện một trong các triệu chứng nói trên thì cần đến bệnh viện ngay lập tức vì biến chứng do huyết áp thấp có thể xảy ra bất kì lúc nào.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến huyết áp thấp

Sự suy giảm áp lực bơm máu và thể tích máu dẫn đến tình trạng huyết áp thấp. Có rất nhiều nguyên nhân trong cuộc sống hằng ngày có thể gây nên huyết áp thấp đột ngột:

  • Thay đổi tư thế đột ngột: bạn đang nằm, ngồi nhưng đột ngột đứng lên hoặc là đứng ở một tư thế quá lâu.

  • Nhiệt độ cơ thể quá thấp hoặc quá cao.

  • Cơ thể mất nước (do đổ mồ hôi, nôn ói nhiều hoặc do tiêu chảy cấp) dẫn đến không đủ thể tích máu trong lòng mạch.

  • Tim co bóp yếu làm máu được bơm đi chậm.

  • Mắc các chứng bệnh về tim mạch như suy tim, đau tim, nhịp tim bất thường.

  • Hệ thần kinh và hormone kiểm soát mạch máu gặp trục trặc.

  • Người bị tiểu đường, thái tháo đường.

  • Mất máu hoặc nhiễm trùng máu.

  • Phản ứng với rượu bia hoặc các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc gây mê/ gây tê, thuốc chống trầm cảm, hoặc lạm dụng thuốc chữa cao huyết áp.

  • Sốc phản vệ do dị ứng nặng với các chất gây dị ứng.

  • Huyết áp thấp còn được phát hiện ở một số trường hợp phụ nữ mang thai, người mắc bệnh về gan, Parkinson.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị huyết áp thấp?

Huyết áp thấp có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác. Khi lớn tuổi, mạch máu bị tích tụ nhiều mảng xơ vữa có thể làm hạn chế lượng máu di chuyển lên não. Khoảng 10 – 20% những người trên 65 tuổi đều có bệnh huyết áp thấp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ huyết áp thấp, bao gồm:

  • Thường có hiện tượng mất dịch trong người (do nôn ói, chảy máu, tiêu chảy).

  • Mắc các bệnh lý như suy tim sung huyết, tiểu đường, ung thư, bệnh Parkinson, bệnh lý thần kinh ngoại biên, bệnh gan.

  • Người nghiện rượu.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán huyết áp thấp

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua các biểu hiện lâm sàng của người bệnh và bằng dụng cụ đo chỉ số huyết áp.

Xét nghiệm máu để kiểm tra xem bạn có bị thiếu máu không; hiển thị bằng lượng hồng cầu quá ít trong máu.

Các xét nghiệm tim mạch để biết rõ tim đang co bóp bình thường hay không.

Phương pháp điều trị huyết áp thấp hiệu quả

Người bệnh thường không được điều trị bằng cách kê thuốc hạ huyết áp vì đây không phải là một vấn đề đáng báo động. Nhưng nếu xảy hạ huyết áp kèm theo các triệu chứng thì bác sĩ có thể giúp bạn tầm soát bệnh huyết áp thấp bằng những cách sau:

  • Yêu cầu thay đổi thuốc và liều lượng của thuốc: Bác sĩ có thể hỏi bạn về các loại bệnh khác bạn đang gặp, những loại thuốc bạn đang sử dụng vì một số loại thuốc bạn dùng có thể chứa thành phần gây nên tình trạng hạ huyết áp. Việc thay đổi một loại thuốc có tác dụng tương đương hoặc điều chỉnh liều lượng sử dụng có thể cải thiện tình trạng hạ huyết áp.

  • Tìm kiếm nguyên nhân tiềm ẩn: Nếu bạn có lối sống lành mạnh mà vẫn bị huyết áp thấp, bác sĩ có thể chuyển sang xét nghiệm để tìm hiểu xem liệu cơ thể bạn có đang mắc căn bệnh nghiêm trọng nào liên quan đến huyết áp thấp hay không.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết áp thấp

Nếu cơ thể bị huyết áp thấp mạn tính hoặc là có xuất hiện tình trạng huyết áp thấp đột ngột, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc sinh hoạt sau đây để phòng bệnh an toàn, tránh để huyết áp thấp đe dọa đến tính mạng của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước: Người huyết áp thấp thường bị mất nước. Mỗi ngày bạn cần uống ít nhất là 250 ml nước, nhất là sau khi vận động bạn cần phải uống nhiều hơn. Việc bổ sung lượng nước đầy đủ sẽ giúp bạn hạn chế khả năng tụt huyết áp đột ngột. Nước có thành phần chất điện giải có thể giúp bạn tăng huyết áp.

  • Chia nhỏ các bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa chính bạn có thể chia nhỏ chúng ra để điều hòa lại đường huyết và huyết áp. các bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm có chứa carbohydrate (đặc biệt có nhiều trong lúa mì).

  • Bổ sung vitamin B12 và folate: Hai loại dưỡng chất này giúp máu lưu thông tốt và cải thiện huyết áp. Vitamin B12 có trong cá và các chế phẩm từ sữa. Folate có trong các loại rau có màu xanh sẫm. bạn cũng có thể uống thực phẩm chức năng để bổ sung hai chất này.

  • Tránh bia rượu hoàn toàn: Đây là hai loại thức uống làm mất nước của cơ thể. Ngoài bia rượu, bạn cũng cần nên tránh các loại gia vị như gừng, ớt, quế vì chúng cũng khiến huyết áp hạ xuống thấp.

  • Uống caffeine lượng vừa đủ: Chất caffeine được xem là có khả năng gây bệnh cao huyết áp. Uống một lượng vừa đủ sẽ giúp cải thiện tình trạng hạ huyết áp của bạn.

  • Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm muối vào bữa ăn. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết lượng muối phù hợp. Sử dụng nhiều muối cũng làm ảnh hưởng tim mạch.

  • Không uống nhiều rượu.

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện thể dục là cách tốt để duy trì sức khỏe. Khi các tế bào đều hoạt động và được cung cấp oxy, chúng có thể giúp cơ thể bạn lưu thông máu tốt hơn.

  • Di chuyển chậm rãi: Đặc biệt khi chuyển đổi tư thế đứng lên sau khi ngồi, nằm cần phải thực hiện nhẹ nhàng và chậm rãi.

  • Không bắt chéo chân khi ngồi: Hành động này khiến máu lưu thông không đều đến các chi.

  • Không tắm lâu trong nước nóng: Nước nóng cơ thể làm các mạch máu nở rộng khiến huyết áp giảm nhanh hơn.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *