Tìm hiểu chung
Lao ruột là gì?
Lao ruột là loại lao đường tiêu hóa rất phổ biến. Thông thường vi khuẩn lao tấn công vào phổi và gây ra các triệu chứng nhưng nó cũng có thể làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác ngoài phổi như ruột. Do triệu chứng lao ruột gần giống với một số bệnh đường ruột khác nên rất dễ bị nhầm lẫn.
Bệnh lao ruột là một trong những bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây qua đường không khí mà lây qua việc đi vệ sinh ở những nơi có vệ sinh kém. Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị ngay lập tức.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của lao ruột
Bệnh lao ruột có những triệu chứng không đặc hiệu, thường liên quan đến tiêu hóa, đường ruột dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh.
-
Đau quặn bụng là dấu hiệu bệnh thường gặp nhất, bệnh nhân hay đau bụng toàn bộ hoặc lưu trú;
-
Một số triệu chứng khác như: sụt cân, đổ mồ hôi, đêm, sốt, nôn ói, suy nhược, tiêu chảy, táo bón hoặc chảy máu trực tràng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh lao ruột gây ra nhiều khó khăn về sức khỏe, sinh hoạt cho người bệnh như: gây đau bụng, rối loạn tiêu hoá, nặng hơn có thể gây bán tắc hoặc tắc ruột, thủng ruột. Bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ suy kiệt và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến lao ruột
Bệnh lao ruột chia làm 2 loại:
-
Lao ruột nguyên phát do vi khuẩn lao xâm nhập trực tiếp vào ruột. Lao ruột nguyên phát rất hiếm và do vi khuẩn trong sữa bò gây ra.
-
Lao ruột thứ phát từ lao cơ quan khác lây lan sang ruột. Loại này phổ biến hơn và thường là do nuốt phải đờm bị nhiễm.
Người bệnh bị nhiễm khuẩn do ăn phải các thực phẩm có nhiễm vi trùng lao, trực khuẩn lao đi qua thành ruột, gây tổn thương các hạch ở mạc treo. Người bị lao phổi rất dễ bị lao ruột do nuốt cả đờm (của chính mình) có vi khuẩn lao hoặc do khuẩn lao từ phổi vào ruột theo đường máu.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc lao ruột?
Lao ruột là bệnh phổ biến nên mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao ruột, bao gồm:
-
Người có hệ miễn dịch bị suy giảm như: người nhiễm HIV/AIDS, tiểu đường, suy thận.
-
Người mắc các bệnh ung thư như ung thư cổ, bệnh bạch cầu.
-
Người đang điều trị bằng corticosteroid hoặc một số loại thuốc được sử dụng cho các bệnh tự miễn hoặc viêm mạch như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus gây ức chế hệ miễn dịch.
-
Người làm trong môi trường nhiễm bụi phổi silic.
-
Đi vệ sinh ở những nơi vệ sinh kém, dễ lây nhiễm vi khuẩn khi sử dụng chung bồn cầu.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lao ruột
Tùy vào cơ địa mỗi người mà bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp chẩn đoán riêng.
Người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm như:
-
Xét nghiệm máu: Kiểm tra có tình trạng thiếu máu, tăng tế bào lympho và tỷ lệ lắng hồng cầu cao là dấu hiệu phổ biến ở những bệnh nhân bị bệnh lao.
-
Chụp X-quang ngực có thể phát hiện bệnh lao, nhưng X-quang ngực bình thường thì không.
-
Tiến hành thụt tháo bằng barium và uống barium.
-
Chụp mạch lympho để kiểm tra các mạch hệ thống bạch huyết.
-
Siêu âm ổ bụng.
-
Cho bệnh nhân chụp CT có thể hữu ích trong việc loại trừ sự hiện diện của khối u và giúp bác sĩ quan sát phản ứng của bệnh trong thời gian hóa trị.
-
Một số xét nghiệm khác: Chụp Galium citrate, nội soi ổ bụng.
Phương pháp điều trị lao ruột hiệu quả
Điều trị bệnh lao ruột tùy thuộc vào đối tượng và thể trạng người bệnh. Bệnh lao có thể được điều trị kịp thời nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ kèm chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe.
Điều trị bệnh lao ruột thường điều trị chủ yếu bằng nội khoa. Phương pháp phẫu thuật chỉ dùng trong trường hợp có biến chứng kèm theo.
Nội khoa: Bệnh nhân chỉ định điều trị bằng thuốc qua phác đồ. Phác đồ điều trị gồm:
-
Isoniazid (300 mg) và rifampin (600 mg) mỗi ngày trong 18 – 24 tháng.
-
Khi trong đờm xuất hiện số lượng lớn các trực khuẩn háo axit, nên dùng streptomycin 1 g/ngày trong 2 – 3 tháng.
-
Với người bị lao phúc mạc, việc bổ sung các steroid vào phác đồ kháng lao có thể giúp ngăn ngừa tình trạng dính.
Áp dụng phẫu thuật đối với các trường hợp có xảy ra biến chứng. Bệnh nhân bị tắc nghẽn đường ruột cấp tính, thủng và viêm phúc mạc có thể được điều trị bảo tồn vì nếu phẫu thuật ở tình trạng bệnh cấp tính có nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, bệnh lao ruột còn có thể điều trị bằng hóa trị tiền phẫu khi bệnh nhân được chẩn đoán trước khi phẫu thuật; và tiếp tục dùng hóa trị sau phẫu thuật.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lao ruột
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều tại nhà.
-
Sau khi sử dụng khăn giấy, nhất là khi ho và hắt hơi, bạn nên gói khăn giấy và để cào một túi riêng và vứt đi, tránh để lại gây ô nhiễm và tạo điều kiện cho vi khuẩn lan ra không khí.
-
Nơi bạn ở cần có thông gió để đảm bảo việc vi khuẩn có thể bay đi.
-
Cần uống thuốc đúng giờ và không được bỏ cử thuốc để ngăn chặn nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, khó khăn khi điều trị.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Bạn nên xây dựng cho mình một thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh, sạch sẽ cũng như việc ăn uống vệ sinh để phòng ngừa bệnh.
- Khi tiếp xúc và chăm sóc người bệnh lao, bạn cũng cần trang bị các dụng cụ bảo vệ cần thiết để không cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.