Tìm hiểu chung

Loạn khuẩn đường ruột là bệnh gì?

Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột. Triệu chứng phổ biến là tiêu chảy, chán ăn, đau bụng và sụt cân nghiêm trọng. Nguyên nhân gây loạn khuẩn đường ruột xuất phát từ việc ăn uống không hợp lý, dùng thuốc kháng sinh hoặc thay đổi thời tiết… Bệnh gặp nhiều ở trẻ em do hệ khuẩn ruột ở trẻ chưa hoàn thiện. Điều trị loạn khuẩn có thể dùng các chế phẩm vi sinh kết hợp với việc thay đổi chế độ ăn uống.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loạn khuẩn đường ruột

  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài, dẫn đến tình trạng rối loạn dinh dưỡng, sụt cân nghiêm trọng;

  • Tiêu chảy kéo dài, phân lỏng, có bọt;

  • Xuất hiện hội chứng lỵ do tụ cầu khuẩn;

  • Trẻ thường chán ăn, đau bụng, nôn ói kèm tiêu chảy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Điều trị loạn khuẩn ở người lớn không quá khó khăn, nhưng do hệ khuẩn ruột ở trẻ còn non yếu nên tình trạng sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Vì vậy, khi có triệu chứng, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến loạn khuẩn đường ruột

Lúc mới sinh, dạ dày và ruột của trẻ thường không có vi khuẩn. Nhưng sau khi tiếp xúc với môi trường và ăn uống, vi khuẩn bắt đầu xâm nhập vào hệ tiêu hóa. Vi khuẩn trong đường ruột được chia thành hai loại là vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại, chúng luôn ở thế cân bằng và giúp việc tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng của cơ thể tốt hơn.

Tuy nhiên, vì một số lý do như dùng thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh), thay đổi thời tiết, ăn uống không hợp lý,… làm cho hệ khuẩn trong đường ruột gặp rối loạn, mất cân bằng giữa hai loại khuẩn.

Trong các nguyên nhân, dùng thuốc kháng sinh là trường hợp phổ biến gây loạn khuẩn đường ruột nhất. Thuốc kháng sinh khi đưa vào cơ thể vừa diệt vi khuẩn gây hại nhưng đồng thời cũng loại bỏ các vi khuẩn có lợi.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh loạn khuẩn đường ruột?

Bất kỳ ai cũng có thể bị loạn khuẩn đường ruột. Trong đó trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao do hệ đường ruột còn rất yếu ớt, chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tác động từ các tác nhân bên ngoài. Khi mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng ở trẻ cũng cao hơn nhiều so với người trưởng thành.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loạn khuẩn đường ruột

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng mà bạn gặp phải, hỏi về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc (đặc biệt là kháng sinh) bạn dùng; đồng thời làm xét nghiệm phân để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh loạn khuẩn đường ruột hiệu quả

Khi xác định mắc bệnh loạn khuẩn đường ruột, bạn cần phải cân bằng lại hệ khuẩn ruột bằng cách dùng chế phẩm vi sinh như antibio, lactomin plus, biolactin trong một vài tuần bệnh sẽ ổn định.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loạn khuẩn đường ruột

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Nếu đang trong quá trình điều trị các bệnh khác bằng thuốc, bạn nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Dinh dưỡng giữ vai trò quyết định trong việc cân bằng hệ khuẩn ruột. Người bệnh cần chú ý đến những loại thực phẩm tốt cho cơ thể và xây dựng một chế độ ăn khoa học, bao gồm:

  • Ăn thực phẩm dễ tiêu hóa: Thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, bí đỏ, cà rốt, chuối tiêu, hồng xiêm.

  • Không nên ăn nhiều chất béo, dầu mỡ động vật.

  • Không ăn những loại thức ăn khó tiêu như ngô, đỗ nguyên hạt, thực phẩm nhiều chất xơ.

  • Uống nước táo ép, hồng xiêm xay, chuối xay.

  • Không nên ăn nhiều đồ ngọt.

  • Nếu trẻ trong giai đoạn bú sữa mẹ thì bà mẹ không cần cho trẻ kiêng. Nếu trẻ dùng sữa ngoài thì phụ huynh nên chọn loại sữa không có đường Lactoza (Free Lactose).

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ gìn vệ sinh ăn uống.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Đảm bảo cho trẻ có một chế độ ăn hợp lý, khoa học và hợp vệ sinh.

  • Nếu trẻ có biểu hiện của loạn khuẩn ban đầu, bạn nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm chế biến từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành, sữa chua…

  • Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tránh tự ý dùng kháng sinh, vì kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà các vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt, khiến bệnh của bé càng nặng thêm.

  • Thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh đường ruột cho trẻ em, không nên dùng các loại kháng sinh này quá 5 – 7 ngày và cần theo chỉ định của bác sĩ nếu bắt buộc phải sử dụng đến những loại kháng sinh này.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *