Tìm hiểu chung

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là tình trạng thường gặp ở những người trẻ, đang trong giai đoạn phát triển lẫn khi trưởng thành. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng mụn trứng cá làm mất thẩm mỹ bên ngoài khiến chúng ta ngại giao tiếp với mọi người. Mặt khác, đây là loại mụn có thể tự hết, nhưng nếu không thể tự lành lại thì rất khó để điều trị dứt điểm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn trứng cá

Tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng của mỗi người mà mụn trứng có có những biểu hiện khác nhau. Một số loại mụn trứng cá thường gặp là:

  • Mụn đầu trắng: Nằm trong lỗ chân lông kín;

  • Mụn đầu đen: Nằm trong lỗ chân lông hở, do tiếp xúc được với không khí bên ngoài nên chất nhờn chuyển sang màu sậm đen;

  • Mụn đỏ: Mụn ửng đỏ do viêm, có thể gồ lên bề mặt da;

  • Mụn mủ: Mụn nổi lên bề mặt da, trong có chứa mủ;

  • Mụn bọc: Mụn mủ phát triển to ra tạo thành bọc mủ, thường rất cứng, gây đau và viêm;

  • Mụn nang: Mụn bọc lớn, viêm nang lông.

Mụn thường xuất hiện ở phần mặt, vai, lưng, ngực nhưng chủ yếu là ở vùng mặt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ khi tình trạng mụn của bạn gặp một số vấn đề như:

  • Tự điều trị tại nhà sau 3 tháng nhưng mụn vẫn không có dấu hiệu lặn bớt.

  • Các nốt mụn bị viêm càng lúc càng nghiêm trọng.

  • Nổi mụn nhiều sau khi dùng thuốc chữa bệnh hay các loại kem dưỡng da mặt.

  • Hoặc gặp một số biểu hiện của dị ứng như khó thở, sưng phù ở các bộ phận như mắt, miệng, lưỡi.

Lưu ý, khi thấy dấu hiệu mụn bị viêm hoặc lan rộng, tuyệt đối không tiếp tục dùng các loại mỹ phẩm mà phải đến bác sĩ để nhận sự tư vấn chính xác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến mụn trứng cá

Tuyến bã nhờn có chức năng tạo ra chất nhờn nhằm giữ độ ẩm giúp da không bị khô, bảo vệ tế bào da và hạn chế sự bám bụi trên da khiến vi khuẩn không thể xâm nhập. Nhưng một số yếu tố thúc đẩy (quá trình dậy thì) khiến lượng chất nhờn gia tăng đáng kể, ống dẫn không thể chuyển hết chất nhờn ra bề mặt da làm cho nó đọng lại bên trong gây mụn; đồng thời, cộng với nhiều tác động xấu từ môi trường như vi khuẩn, bụi bẩn làm các lỗ chân lông bị bít lại làm mụn phát triển mạnh hơn.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải mụn trứng cá?

Mụn trứng cá thường rất phổ biến ở mọi độ tuổi, đặc biệt là độ tuổi dậy và thường giảm dần khi tuổi càng lớn. nam có tuyến dầu nhiều hơn nên thường bị mụn nhiều và nặng hơn nữ.

Tuy nhiên, có một số trường hợp sau dậy thì, mụn sẽ không khỏi hẳn mà luôn xuất hiện một vài đốt nhỏ trên mặt hoặc có hiện tưởng để lại sẹo rất nghiêm trọng; đặc biệt thường gặp ở phái nữ. Để hạn chế tình trạng này, ngay từ lúc mụn phát triển, chúng ta cần có ý thức giảm thiểu các nguy cơ gây mụn và làm mụn nghiêm trọng hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá

Một số yếu tố được cho là có ảnh hưởng đến sự hình thành mụn trứng cá, bao gồm:

  • Thay đổi hormone: Lượng hormone tuyến sinh dục (androgen) thường tăng cao ở độ tuổi dậy thì, điều này làm cho tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn gây mụn.

  • Tiếp xúc: Da cực kì nhạy cảm với môi trường. Khi tiếp xúc với không khí bẩn, môi trường độc hại, hay chỉ đơn giản là bị cọ xát với các đồ vật mang vi khuẩn di vi điện thoại, khăn, chăn gói,… cũng đủ làm vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập vào da qua các lỗ chân lông; gây viêm nhiễm và hình thành mụn.

  • Thực phẩm: Ăn quá nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, các chất gây nóng cơ thể như đồ ăn cay, caffein, rượu,… sẽ khiến da bị mụn.

  • Tiền sử gia đình: Nếu bố mẹ có mụn, nguy cơ cao con cũng sẽ có mụn.

  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc chữa bệnh có thể gây nóng cơ thể và làm hình thành mụn như thuốc chứa corticosteroid, androgen hoặc lithium.

  • Dùng mỹ phẩm: Một số loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc chứa nhiều thành phần háo học độc hại có thể làm ảnh hưởng đến da gây mụn, viêm, nhiễm trùng.

  • Căng thẳng: Căng thẳng không gây mụn trực tiếp nhưng có thể làm mụn nghiêm trọng hơn.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mụn trứng cá

Để xác định mụn trứng cá, bác sĩ có thể tiến hành khám da, soi da. Chẩn đoán mụn trứng cá thường là xác định để phân biệt với mụn lành tính và mụn gây viêm da:

  • Mụn lành tính không gây viêm: Mụn thường xuất hiện thành cụm, có thể tự nổi lên và tự biến mất, không làm biến dạng da.

  • Mụn có thể gây viêm da: Mụn có chứa mủ, gây viêm đau; thường có dấu hiệu lan rộng ra và có thể để lại sạo sau khi lành mụn.

Phương pháp điều trị mụn trứng cá hiệu quả

Điều trị mụn trứng cá còn tùy thuộc vào loại da và tình trạng nặng nhẹ của mụn. Thường thì mụn trứng cá được điều trị bằng cách sử dụng kem bôi bên ngoài kết hợp với vệ sinh da; rất hiếm khi phải dùng đến thuốc đặc trị trừ trường hợp nặng.

Phương pháp giữ cho da luôn sạch khuẩn:

  • Rửa mặt bằng các loại sữa rửa mặt, xà phòng nhẹ dịu, không dùng các loại khử dầu mạnh vì có thể làm mất chất nhờn của da.

  • Lau sạch da bằng khăn bông mềm hoặc khăn giấy mềm, không cọ xát vào da khiến da bị tổn thương, bong tróc.

  • Không dùng mỹ phẩm, kem dưỡng da để bôi lên da khi không cần thiết hoặc không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Các lớp mỹ phẩm có thể chứa thành phần gây hại da hoặc làm bít lỗ chân lông khiến da bị mụn nặng hơn.

  • Không dùng tay hoặc các vật dụng khác để nặng mụn vì chúng chứa nheièu vì khuẩn. Việc nặng mụn tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp xúc với da nhanh hơn và có thể gây nhiễm trùng.

  • Thường xuyên vệ sinh bàn tay, các vật dụng có thể áp lên da mặt để hạn chế vi khuẩn tiếp với da.

  • Không ăn nhiều các loại thực phần chứa dầu mỡ, các chất làm nóng cơ thể.

  • Uống nhiều nước kết hợp với luyện tập thể dục để tăng cường bài tiết các chất bã nhờn dư thừa ra khỏi da.

  • Nếu mụn là nguyên nhân từ thuốc thì bạn nên thảo luận với bác sĩ để thay thế các loại thuốc có tác dụng tương đương nhưng không gây mụn.

  • Giảm lo lắng, căng thẳng cũng như cân bằng các hoạt động hằng ngày sao cho hợp lý để giảm thiểu tình trạng gây mụn.

Một số loại thuốc được dùng trong đều trị mụn trứng cá:

Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc, một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị:

  • Thuốc bôi Acid azelaic: Kháng khẩu và giúp bong lớp da chết.

  • Kem chứa benzoyl peroxide

  • Thuốc bôi tại chỗ có chứa acid retinoid, chẳng hạn như Trétinoin Kéfran.

  • Kháng sinh dạng uống như Oxytetracyclin, Erythromycin, minocyclin, doxycyclin.

  • Thuốc kháng sinh dạng bôi tại chỗ như clindamycin, erythromycin, tetracyclin: Sử dụng với loại mụn gây viêm da.

  • Ngoài các thuốc trên, thuốc tránh thai cũng có khả năng trị mụn vì làm giảm hormone sinh dục (androgen) gây mụn trứng cá. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh làm ảnh hưởng đến việc sinh nở sau này.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp mụn nghiêm trọng và để lại sẹo, bác sĩ có thể dùng laser để xóa sẹo và trị thâm mụn.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mụn trứng cá

Để hạn chế diễn tiến xấu đi của mụn, bạn có thể áp dụng các giải pháp chăm sóc cá nhân sau đây ngay tại nhà:

  • Tập thể dục đều đặn.

  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc.

  • Uống ít nhất 1.5 lít nước mỗi ngày.

  • Rửa mặt bằng nước sạch hoặc với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ ngày.

  • Ăn nhiều các loại rau, củ, quả, hạn chế dùng chất béo, chất kích thích, thức ăn cay nóng.

  • Vệ sinh bàn tay và các vật dụng thường tiếp xúc với da mặt.

  • Không dùng mỹ phẩm không phù hợp với da, các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

  • Dùng kem chống nắng thường xuyên khi ra ngoài nếu bạn bị kích ứng mụn do ánh nắng.

  • Không dùng các đồ vật để nặng mụn gây nhiễm trùng da.

  • Thăm hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn áp dụng các phương pháp nào để điều trị mụn.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *