Tìm hiểu chung

Ngứa hậu môn là gì?

Ngứa hậu môn là triệu chứng ngứa ngay tại hậu môn hoặc khu vực da xung quanh hậu môn. Cơn ngứa có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và làm da bị trầy xước do cào gãi. Nguyên nhân gây ngứa có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như bị cọ xát, nhiễm ký sinh trùng, kích ứng da, ẩm ướt,… Bệnh được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh kết hợp với việc chăm sóc da tại nhà.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngứa hậu môn

Các triệu chứng thường gặp như là:

  • Ngứa, mẫn đỏ ở vùng da xung quanh hậu môn;

  • Trầy xước da do cào gãi;

  • Người bệnh cảm thấy ngứa nhiều hơn về đêm;

  • Vùng da bị tổn thương có thể bị nhiễm khuẩn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết ngứa hậu môn không yêu cầu chăm sóc y tế. Tuy nhiên ngứa hậu môn cũng có thể là triệu chứng của một căn bệnh nguy hiểm khác, vì vậy bạn hãy gặp bác sĩ nếu:

  • Ngứa hậu môn nghiêm trọng hoặc kéo dài lâu hơn một vài tuần.

  • Đã tự điều trị tại nhà nhưng không mang lại kết quả.

  • Có chảy máu từ trực tràng.

  • Không thể hình dung ra những gì gây ra ngứa.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ngứa hậu môn

Hầu hết các trường hợp ngứa hậu môn do một số vấn đề vô hại. Tuy nhiên, có những trường hợp ngứa hậu môn là dấu hiệu của các bệnh lý khác.

Những nguyên nhân gây ngứa thường gặp:

  • Do lớp da xung quanh hậu môn bị kích thích, cọ xát không ngừng.

  • Do ký sinh trùng, thường là giun kim.

  • Do mặc tã lâu (gặp ở các bé sơ sinh) hoặc người lớn mặc quần lót bằng nylon nên hậu môn bị ẩm ướt và bị nấm.

  • Do chấy.

  • Lây truyền bởi các bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai…

  • Nhạy cảm với thức ăn và một số chất hoá học khác nhau như các loại nước hoa, chất phẩm màu trong giấy vệ sinh, các loại xà phòng, kem thoa,…

  • Do táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên.

  • Da xung quanh hậu môn không được vệ sinh thường xuyên hoặc lau rửa quá kỹ lưỡng.

  • Ảnh hưởng từ các loại thuốc nhét hậu môn, thuốc trụ sinh.

  • Bệnh tiểu đường, viêm gan, béo phì, ung thư hậu môn, trực tràng,…

  • Phụ nữ ở thời kỳ gần hay sau mãn kinh đều có thể bị ngứa hậu môn do tiết dịch âm đạo hay nồng độ estrogen thấp.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ngứa hậu môn?

Ngứa hậu môn là một căn bệnh phổ biến và xuất hiện ở cả nam và nữ. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ngứa hậu môn, bao gồm:

  • Kích ứng da: Một số sản phẩm chứa chất gây kích ứng da bao gồm nước hoa, xà phòng, khăn giấy, …

  • Các vấn đề tiêu hóa: Tiêu chảy mãn tính có thể là nguyên nhân gây ra ngứa hậu môn.

  • Bệnh trĩ: Bệnh ngứa hậu môn có thể là triệu chứng của trĩ.

  • Sự nhiễm trùng: Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng khác nhau như các bệnh lây qua đường tình dục, ký sinh trùng, nhiễm khuẩn men hoặc khối u ở hậu môn.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngứa hậu môn

Bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng của bạn, hỏi về tiền sử bệnh lý, những loại thuốc bạn đang sử dụng,… và khám lâm sàng để chuẩn đoán ngứa hậu môn.

Để thuận lợi cho việc chẩn đoán, trước khi đi khám, bạn nên thu thập một số thông tin liên quan đến tình trạng của bạn để dễ dàng trao đổi với bác sĩ. Ví dụ như triệu chứng cụ thể của bạn; cơn ngứa diễn ra liên tục hay ngắt quãng; những loại thực phẩm, thuốc, hóa chất hoặc vật dụng nào bạn đã sử dụng gần đây; ngứa có đi kèm tiêu chảy hay không…

Để xác định nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm như nội soi hậu môn hoặc lấy dịch từ hậu môn để kiểm tra dưới kính hiển vi.

Phương pháp điều trị ngứa hậu môn hiệu quả

Điều trị ngứa hậu môn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa. Chủ yếu bạn phải tự chăm sóc, tránh tiếp xúc những tác nhân có thể gây ngứa; đồng thời giữ khu vực hậu môn sạch sẽ, khô thoáng để không tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng ẩn nấp.

Ngoài ra bạn có thể sử dụng thuốc bôi hay kem hydrocortisone để kiểm soát ngứa.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ngứa hậu môn

Bạn có thể phòng tránh ngứa hậu môn nếu thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

  • Không lau hậu môn quá nhiều hoặc quá lâu sau mỗi lần đại tiện.

  • Tránh dùng quá nhiều xà phòng để rửa.

  • Giữ hậu môn khô, không để ẩm ướt.

  • Sử dụng giấy vệ sinh ít chất màu để lau hoặc dùng khăn ướt (tuy nhiên không dùng thường xuyên) vì khăn ướt cũng dễ gây dị ứng dẫn đến ngứa.

  • Không kỳ cọ quá mạnh tay, tuyệt đối không gãi khi ngứa hậu môn (vì gãi khiến hậu môn bị trầy xước, bệnh càng nặng hơn).

  • Không mặc quần áo quá chật, tránh mặc quần lót bằng chất nylon.

  • Tránh dùng các loại phấn, nước hoa dễ gây kích ứng da.

  • Tránh các thức ăn nhiều dầu, mỡ, các loại thực phẩm có nhiều gia vị, chất cay, chua.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *