Tìm hiểu chung
Nhịp tim chậm là gì?
Ở người bình thường, tim thường đập từ 60 đến 100 nhịp trên một phút khi nghỉ ngơi. Nếu nhịp tim chậm thì tim chỉ đập dưới 60 nhịp mỗi phút (nhịp/phút). Nhịp tim chậm có thể là tình trạng sức khỏe bình thường và khỏe mạnh, chẳng hạn như:
-
Người lớn hoạt động thể lực thường có nhịp tim lúc nghỉ ngơi chậm hơn 60 nhịp/phút nhưng vấn đề này không ảnh hưởng đến sức khỏe.
-
Nhịp tim có thể giảm xuống dưới 60 nhịp/phút trong khi ngủ sâu.
-
Người lớn tuổi dễ gặp vấn đề với nhịp tim chậm.
Nhưng bên cạnh đó, tình trạng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề bệnh lý trong hệ thống điện học tim.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhịp tim chậm
Các dấu hiệu thường gặp của nhịp tim chậm bao gồm:
-
Sắp ngất hoặc ngất xỉu;
-
Chóng mặt;
-
Yếu ớt;
-
Mệt mỏi;
-
Khó thở;
-
Đau ngực;
-
Lú lẫn hoặc các vấn đề về trí nhớ;
-
Dễ bị mệt mỏi trong hoạt động thể lực.
Biến chứng có thể gặp khi mắc phải nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm có thể được xem là bình thường trong một số trường hợp, nhất là khi xảy ra ở người trẻ tuổi và các vận động viên. Trong trường hợp này nhịp tim chậm không phải là bệnh lý. Tuy nhiên với những trường hợp khác, nhịp tim chậm có thể gây ra các ảnh hưởng đến cuộc sống như:
-
Mệt mỏi, đau ngực, choáng đầu, thậm chí có thể ngất.
-
Tim không có khả năng bơm đủ máu dẫn đến suy tim.
-
Trường hợp nhịp tim quá chậm gây ngừng tim đột ngột có thể sẽ đe dọa đến tính mạng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn thấy mệt mỏi, khó thở, đau ngực kéo dài hơn vài phút hoặc nghi ngờ bản thân có nguy cơ mắc bệnh, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm là do xuất hiện một vấn đề nào đó đã phá vỡ xung điện kiểm soát hoạt động bơm của tim. Nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm là do:
-
Tổn thương mô tim do lão hóa;
-
Tổn thương mô tim do bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim;
-
Cao huyết áp;
-
Bệnh tim bẩm sinh;
-
Viêm cơ tim;
-
Biến chứng của phẫu thuật tim;
-
Tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp);
-
Mất cân bằng các chất điện giải cần thiết để thực hiện các xung điện (điện thế);
-
Hội chứng ngưng thở khi ngủ;
-
Bệnh viêm nhiễm như sốt thấp khớp, lupus;
-
Chất sắt tích tụ trong các cơ quan;
-
Thuốc men, bao gồm một số loại thuốc dùng trong điều trị rối loạn nhịp tim khác, cao huyết áp và rối loạn tâm thần.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải nhịp tim chậm?
Nhịp tim chậm ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Trong đó người cao tuổi có nguy cơ bị nhịp tim chậm cao hơn rất nhiều lần do cơ thể đã thoái hóa.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhịp tim chậm như:
-
Huyết áp cao;
-
Hút thuốc;
-
Uống rượu nhiều;
-
Sử dụng thuốc kích thích;
-
Căng thẳng tâm lý hay lo âu.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhịp tim chậm
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào các triệu chứng, khám lâm sàng, và hỏi một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến nhịp tim như:
-
Những triệu chứng đầu tiên bắt đầu từ khi nào?
-
Tiền sử bệnh lý liên quan đến tim mạch?
-
Bạn đã từng ngất xỉu trong quá khứ chưa?
-
Mức độ thường xuyên của các triệu chứng mà bạn gặp phải và chúng có tăng nặng theo thời gian không?
-
Bạn có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như hút thuốc, uống rượu,…?
-
Có đang được điều trị bệnh tim, huyết áp tăng, cholesterol cao hay các vấn đề khác mà có thể ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn?
-
Các loại thuốc bạn đã dùng?
Khi bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhịp tim chậm, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như:
-
Điện tâm đồ (ECG): Cung cấp thông tin về nhịp tim.
-
Holter theo dõi: Nó có thể ghi lại hoạt động của tim trong vòng 24 giờ.
-
Thử nghiệm gắng sức: Theo dõi nhịp tim trong khi đi bộ trên máy chạy bộ hay đi xe đạp để kiểm tra tần số tim đáp ứng với hoạt động thể chất.
-
Làm một số xét nghiệm máu: Để tìm nguyên nhân cơ bản có thể đóng góp cho nhịp tim chậm, chẳng hạn như nhiễm trùng, suy giáp hoặc mất cân đối điện giải.
-
Theo dõi giấc ngủ: Nếu chứng ngưng thở khi ngủ bị nghi ngờ gây ảnh hưởng đến nhịp tim.
Phương pháp điều trị nhịp tim chậm hiệu quả
Điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kiểu của điện dẫn truyền, nguyên nhân dẫn đến nhịp tim chậm và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có các phương án điều trị khác nhau bao gồm:
Điều trị các rối loạn tiềm ẩn: Nếu nguyên nhân xuất phát từ các rối loạn, căn bệnh hay hội chứng khác thì bạn sẽ được điều trị chúng để chấm dứt tình trạng nhịp tim chậm.
Thay đổi thuốc: Bác sĩ sẽ kiểm tra những loại thuốc bạn đang dùng và có thể đề nghị bạn thay đổi thuốc hoặc giảm liều lượng thuốc nếu đó là nguyên nhân ảnh hưởng đến nhịp tim. Việc này có thể làm hết nhịp tim chậm.
Sử dụng máy tạo nhịp tim: Thiết bị này giúp theo dõi nhịp tim và tạo ra các xung điện khi cần thiết để duy trì nhịp tim thích hợp.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhịp tim chậm
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
-
Theo dõi các triệu chứng, bất thường trong thời gian điều trị và kịp thời báo cáo với bác sĩ.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Trong trường hợp bạn phải gắn máy tạo nhịp tim, thì bạn cần phải tuân thủ lịch tái khám hơn nữa vì bác sĩ sẽ kiểm tra tim và kiểm tra máy tạo nhịp tim để đảm bảo các chức năng của nó vẫn hoạt động ổn định.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa nhịp tim chậm là giảm các nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim hoặc nếu như đã mắc bệnh tim, bạn cần xây dựng một lối sống khoa học để ngăn chặn bệnh diễn tiến xấu đi. Cụ thể là:
-
Có chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, cá và thực phẩm từ sữa không béo hoặc ít chất béo.
-
Vận động thể lực thường xuyên, nếu có thể bạn nên tập tất cả các ngày trong tuần. Bác sĩ có thể cho biết cường độ tập luyện nào là an toàn cho bạn.
-
Giữ cân nặng ở mức hợp lý.
-
Bỏ thuốc lá, bia rượu và các chất kích thích gây hại cho sức khỏe.
-
Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như huyết áp cao và cholesterol cao.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.