Tìm hiểu chung
Nhiễm H.pylori (HP) là gì?
Nhiễm H.pylori là nhiễm một loại vi khuẩn có tên khoa học là Helicobacter pylori (thường được gọi tắt là HP). Vi khuẩn HP thường sinh sống trong dạ dày và là thủ phạm của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày. Hiện nay, nhiễm H.pylori là căn bệnh rất phổ biến. Triệu chứng thường gặp của bệnh là đau, rát vùng bụng, buồn nôn, ợ nóng, đầy hơi, sụt cân. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định, song có một số giả thuyết cho là do tiếp xúc trực tiếp với dịch của người bệnh hoặc do dùng phải nguồn nước bị nhiễm bẩn. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất chính là trẻ nhỏ. Nhiễm H.pylori có thể điều trị bằng thuốc hoặc không cần điều trị nếu như không gây triệu chứng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm H.pylori (HP)
Hầu hết thì người nhiễm H.pylori đều không xuất hiện triệu chứng đặc biệt. Nhiễm H.pylori có thể gây ra một số triệu chứng giống viêm loét dạ dày, đau dạ dày bao gồm:
-
Cảm giác đau và bỏng rát vùng bụng trên;
-
Cơn đau tăng lên khi đói bụng;
-
Buồn nôn, nôn khan vào buổi sáng khi thức dậy;
-
Chán ăn;
-
Ợ nóng;
-
Hôi miệng;
-
Cảm giác đầy bụng, khó tiêu;
-
Cân nặng giảm không rõ nguyên nhân;
-
Bị thiếu máu và thiếu sắt bất thường.
Biến chứng có thể gặp khi nhiễm H.pylori (HP)
Nhiều người bị nhiễm H.pylori không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào và không bao giờ phát triển biến chứng. Tuy nhiên cũng có những người sẽ phát triển các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng liên quan đến nhiễm H.pylori, bao gồm:
-
Đau, loét dạ dày và ruột non. H.pylori gây nhiễm trùng phần lớn các vết loét.
-
Viêm niêm mạc dạ dày.
-
Ung thư dạ dày. Nhiễm H.pylori là một yếu tố nguy cơ mạnh gây ung thư dạ dày, bao gồm adenocarcinoma và niêm mạc dạ dày – mô liên kết, ung thư hạch bạch huyết (MALT).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng về những triệu chứng của mình hoặc xuất hiện những triệu chứng sau:
-
Cảm giác nặng hoặc đau bụng liên tục;
-
Khó nuốt;
-
Phân có máu hay phân đen màu hắc ín;
-
Chất nôn có máu, có màu đen trông giống như bã cà phê.
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm H.pylori (HP)
Hiện vẫn chưa tìm ra được cách nào mà con người bị nhiễm H.pylori, song có thể có liên quan đến một vài tác nhân sau đây:
-
Lây từ người sang người qua tiếp xúc với nước bọt hoặc phân.
-
Lây lan qua nước ô nhiễm, không được xử lý.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, H.pylori có thể phát triển trong niêm mạc dạ dày. Tại đây chúng sẽ được bao phủ bởi một lớp chất nhầy, bảo vệ nó khỏi axit tiết ra từ dạ dày.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ nhiễm H.pylori (HP)?
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm H.pylori nhưng trẻ em có nguy cơ nhiễm H.pylori cao hơn. Nhiễm H.pylori ở tuổi trưởng thành ít phổ biến.
Nhiễm H.pylori có liên quan mật thiết đến điều kiện sống của con người lúc nhỏ, bao gồm:
-
Khu vực đông đúc: Bạn có nguy cơ bị nhiễm H.pylori nếu sống trong môi trường có đông người, chật chội.
-
Môi trường sống thiếu nguồn nước sạch.
-
Sống chung với người đã bị nhiễm H.pylori, kể cả việc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn ói, phân của người bệnh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm H.pylori (HP)
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của bệnh nhân (nếu có), hỏi về tiền sử tiếp xúc, điều kiện sinh hoạt và thực hiện thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để xác định xem liệu có nhiễm trùng H. pylori, bao gồm:
-
Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu có thể cho thấy H.pylori hoặc kháng thể của nó trong trong cơ thể.
-
Kiểm tra hơi thở: Trong thử nghiệm hơi thở, uống một dung dịch có chứa các phân tử carbon phóng xạ. Nếu có nhiễm trùng H.pylori, carbon phóng xạ sẽ được phát hành. Cơ thể hấp thụ carbon phóng xạ và thải trừ nó khi thở ra. Người bệnh được thở ra vào túi và bác sĩ sử dụng một thiết bị đặc biệt để phát hiện carbon phóng xạ.
-
Xét nghiệm phân: Tìm kháng nguyên H.pylori trong phân.
-
Nội soi xem bên trong dạ dày: Bác sĩ có thể xem bất kỳ bất thường trong đường tiêu hóa trên. Nội soi cũng giúp lấy mẫu mô (sinh thiết) để phân tích và tìm H.pylori.
Phương pháp điều trị nhiễm H.pylori (HP) hiệu quả
Nhiễm H.pylori thường không cần điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng gì. Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng viêm loét dạ dày, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc, bao gồm:
-
Thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn H.pylori trong dạ dày: Clarithromycin, amoxicillin, tetracycline, metronidazole.
-
Thuốc ức chế tiết axit để phòng trường hợp axit tiết nhiều gây loét dạ dày: Omeprazole, lansoprazole, và pantoprazole.
-
Thuốc bảo vệ vùng dạ dày bị ảnh hưởng: Bismuth sub salicylate. Loại thuốc này sẽ phủ lên vết loét từ đó giúp bảo vệ chúng khỏi axit trong dạ dày.
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm H.pylori (HP)
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị, nhất là việc dùng thuốc. Vì vi khuẩn H.pylori có tỷ lệ kháng thuốc cao nên có thể bạn phải dùng nhiều loại thuốc kháng sinh.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Các bác sĩ không rõ chính xác vi khuẩn H.pylori lây lan thế nào, vì vậy không có phương pháp cụ thể để ngăn chặn nhiễm H.pylori. Tốt nhất bạn nên ăn uống hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch để uống và chế biến thức ăn. Khi sống chung với người nhiễm H.pylori, bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với nước bọt, chất nôn và phân của người nhiễm bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.