Tìm hiểu chung

Nhiễm Herpes zoster là bệnh gì?

Nhiễm Herpes zoster hay còn gọi là Zona thần kinh, giời leo. Virus này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em. Sau đó, virus sẽ đi dọc theo dây thần kinh cảm giác vào da và tạo ra những mảng phát ban gây đau mà người ta thường gọi là bệnh Zona (giời leo).


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị nhiễm Herpes zoster

Người nhiễm Herpes zoster có những biểu hiện lâm sàng sau:

  • Tăng cảm giác trên da hoặc cảm giác đau ở 1 phía của cơ thể;
  • Da ngứa, căng, nhức dai dẳng hoặc đau sâu, đau nhói;
  • Sau 1 – 3 ngày, da bị sưng, phù nề, nổi các mảng đỏ ngay tại vị trí đau;
  • Sau từ 1 – 2 giờ bị sưng, trên các vệt đỏ xuất hiện mụn nước mọc thành đám. Chúng đóng vảy trong 10 – 12 ngày;
  • 2 – 3 tuần sau, ban sẽ biến mất và vảy rơi ra; có thể để lại sẹo nếu bị nhiễm khuẩn;
  • Bệnh Zona kèm với sốt cao hoặc mệt mỏi;
  • Vết phồng lan ra những khu vực khác của cơ thể.

Trước khi có những tổn thương ở da, thường nổi hạch sưng và đau ở vùng tương ứng và là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán.

Biến chứng có thể gặp phải khi bị nhiễm Herpes zoster

Khi bệnh Zona được chữa lành sẽ không để lại biến chứng nặng nhưng trong quá trình diễn biến của bệnh, nhưng nếu các mụn nước bị nhiễm trùng thêm một loại vi trùng khác sẽ gây ra viêm mô tế bào, đây là bệnh nhiễm trùng da. Vùng da nhiễm trùng trở nên đỏ hơn, nóng, sưng bóng lên và rất đau, sau sẽ để lại sẹo.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn bị đau và nổi ban thành một dải ở một phía của cơ thể hoặc khi bạn có các triệu chứng trên, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì những thuốc kháng virus chỉ hiệu quả khi được sử dụng sớm.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Herpes zoster

Bệnh nhiễm Herpes zoster do sự tái hoạt động của virus thủy đậu hay còn gọi là virus Varicella-zoster. Khi người bệnh từng bị thủy đậu có thể phát triển thành bệnh Zona.

Sau khi phục hồi từ bệnh thủy đậu, virus có thể xâm nhập vào hệ thống thần kinh và nằm ẩn trong đó nhiều năm. Cuối cùng, nó có thể kích hoạt và đi dọc theo đường dây thần kinh đến da. Có một vài nguyên nhân kích hoạt hoạt động của virus gây thủy đậu:

  • Stress.
  • Mệt mỏi.
  • Mang thai.
  • Hệ miễn dịch suy yếu (có thể là do tuổi tác, bệnh tật, thuốc men làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể).
  • Ung thư.
  • Các biện pháp điều trị bằng tia xạ.
  • Làm tổn thương vùng da bị nổi ban.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị nhiễm Herpes zoster?

Người nhiễm bệnh này có thể là bất cứ ai nhưng thường hay gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Bệnh cũng dễ gặp ở người từng bị bệnh thủy đậu.

Bệnh zona có khả năng lây truyền trực tiếp từ việc tiếp xúc với người đang bị nhiễm Herpes zoster hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Herpes zoster, bao gồm:

  • Người bị suy giảm tính miễn dịch.
  • Người nhiễm HIV.
  • Người bị bệnh tăng phát triển tế bào mới như ung thư.
  • Bệnh nhân đang điều trị với hóa chất ức chế miễn dịch.
  • Người tiếp nhận ghép bộ phận cơ thể.
  • Căng thẳng tinh thần.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm Herpes zoster

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu lâm sàng giống với bệnh nhiễm Herpes zoster thì bác sĩ sẽ làm xét nghiệm để xác định chắc chắn bệnh nhân có mắc bệnh hay không. Chẳng hạn có thể cào mô hay các mụn nước để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, những xét nghiệm này không phải lúc nào cũng cần thiết. Thông thường các bác sĩ sẽ căn cứ vào vị trí tổn thương, đây là yếu tố tốt nhất để chẩn đoán.

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm Herpes zoster hiệu quả

Để điều trị bệnh nhiễm Herpes zoster, căn cứ vào giai đoạn, thể trạng người bệnh mà dùng thuốc cho thích hợp.

Khi nhiễm Herpes zoster, bác sĩ của bạn sẽ kê cho bạn thuốc kháng virus để giúp rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các loại thuốc sẽ được sử dụng:

  • Thuốc kháng virus: acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex) và famciclovir (Famvir) thường có hiệu quả nhất khi bắt đầu trong vòng ba ngày đầu tiên. Các loại thuốc này cũng có thể giúp làm giảm khả năng biến chứng từ bệnh Zona.
  • Thuốc giảm đau: acetaminophen (Tylenol), aspirin, hoặc ibuprofen (Advil, Motrin).
  • Có thể dùng steroid.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm Herpes zoster

Chế độ sinh hoạt:

  • Các khu vực da bị mẩn đỏ phải được giữ sạch sẽ. Bạn có thể tắm, và khu vực ban đỏ này có thể được làm sạch bằng xà phòng và nước.
  • Bạn có thể sử dụng các loại kem mát chẳng hạn như kem dưỡng da calamine có sẵn tại nhà thuốc tây có thể được sử dụng để giúp làm khô các mụn nước.
  • Trường hợp trong nhà có người bị Zona, bạn hãy chủ động phơi chăn màn của người bệnh, không để quần áo ẩm ướt. Đặc biệt là không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như là khăn mặt, chậu rửa mặt để tránh vi khuẩn có cơ hội lây lan.
  • Nếu muốn tự chữa bệnh Zona thần kinh tại nhà bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc để có thể bảo vệ cho sức khỏe của bản thân.
  • Tăng cường thể dục thể thao, mỗi ngày ít ra nên bỏ ra 30 phút để tập luyện.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cần bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng bệnh để giảm nguy cơ xuất hiện bệnh, sớm loại bỏ bệnh một cách an toàn.
  • Cung cấp đầy đủ các loại vitamin (A, B, C, E…) có trong rau củ quả là chủ yếu, nhóm này giúp tăng cường sức khỏe cho da, hạn chế viêm da do nhiễm Herpes zoster.
  • Có thể bổ sung thêm các loại vitamin dạng thuốc để đảm bảo sự khỏe mạnh của cơ thể.
  • Bổ sung đầy đủ chất đạm có trong thịt, cá, tôm, cua, mực…

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bệnh Zona xuất phát từ virus bệnh thủy đậu, do đó, để phòng ngừa nguy cơ nhiễm Herpes zoster, bạn cần tiêm vắc- xin phòng ngừa. Có hai loại vắc-xin có thể giúp ngăn ngừa bệnh Zona:

  • Vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu.
  • Thuốc chủng bệnh Zona (Varicella – zoster).

Ngoài ra bạn cần:

  • Không nên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
  • Ngoài điều trị cho người bệnh, cần điều trị cho những người thân có nguy cơ.
  • Không nên dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt với người nhiễm bệnh.
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *