Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng huyết là bệnh gì?

Nhiễm trùng huyết là trường hợp nhiễm khuẩn toàn thân nặng do các vi khuẩn xâm nhập liên tiếp vào máu và thải ra độc tố. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm trong khi cơ thể lại đang tồn tại ổ nhiễm khuẩn. Các vi khuẩn ở ổ khởi phát sẽ lợi dụng cơ hội này tấn công vào máu gây nên triệu chứng nhiễm trùng và làm suy cơ quan, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do sốc.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm trùng huyết

Bệnh nhiễm trùng huyết có thể bắt đầu ở bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể nên bệnh cũng có nhiều triệu chứng khác nhau. Nhưng thông thường bệnh sẽ có các dấu hiệu đầu tiên như:

  • Thân nhiệt trên 380C hoặc dưới 360C;

  • Nhịp tim nhanh trên 90 nhịp/phút;

  • Nhịp thở nhanh trên 20 nhịp/phút.

Sau đó, các trường hợp nhiễm trùng huyết sẽ có các triệu chứng sau:

  • Sốt và ớn lạnh;

  • Hạ nhiệt độ cơ thể sâu;

  • Đi tiểu ít hơn bình thường;

  • Mạch đập nhanh;

  • Thở nhanh;

  • Buồn nôn và ói mửa;

  • Tiêu chảy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhiễm trùng huyết là một biến chứng nặng do cơ thể bị nhiễm khuẩn. Nếu nhiễm trùng lan rộng và đến các cơ quan quan trọng của cơ thể có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng và suy đa tạng. Trường hợp xấu nhất là tử vong ngay lập tức chỉ sau vài giờ mắc phải. Do tính nghiêm trọng của bệnh, nếu ngay khi phát hiện các triệu chứng nêu trên, bạn nên lập tức đến bệnh viên để cấp cứu. Tránh tình trạng kéo dài làm nguy hiểm đến tính mạng.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết rất dễ xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi. Bất kì loại vi khuẩn nào dù yếu hay mạnh đều có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết. Có 3 loại chủ yếu là:

  • Vi khuẩn Gram (+): tụ cầu, phế cầu, liên cầu

  • Vi khuẩn Gram (-):

    • Não mô cầu

    • Các trực khuẩn đường ruột: E.coli. Klesbsiella pneumoniae, Proteus, Enterobacter…

    • Trực khuẩn mủ xanh: Pseudomonas aeruginosa

  • Các vi khuẩn kỵ khí: Bacteroid fragilis, Clostridium perfringens..

Các vi khuẩn, virus gây bệnh bằng cách xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc từ các vết thương bị nhiễm trùng ở các mô tế bào, những cơ quan như: da, mô mềm, cơ, xương, khớp, hô hấp, tiêu hóa.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ nhiễm trùng huyết?

Bất kì ai cũng có khả năng bị nhiễm trùng huyết, nhất là người có hệ miễn dịch yếu ớt, dễ bị vi khuẩn tấn công. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, xơ gan, HIV/AIDS…

  • Các bệnh gây nhiễm trùng: Viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm màng não, viêm mô tế bào và viêm ruột thừa, tất cả có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị đúng cách.

  • Chấn thương nặng hoặc bỏng nặng: Những người bị chấn thương nặng hoặc bỏng nặng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu do vì vi khuẩn có thể xâm nhập các vết thương hở vào máu. Một khi những sinh vật có trong máu, chúng sẽ gây ra nhiễm trùng máu nếu không điều trị kháng sinh kịp thời.

  • Người già hoặc trẻ sơ sinh non yếu.

  • Trẻ có bệnh nhiễm khuẩn hoặc có vết thương hở.

  • Bị suy dinh dưỡng.

  • Người có phẫu thuật, ghép tạng.

  • Dùng corticoide kéo dài.

  • Dùng kim tiêm bẩn.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm trùng huyết

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng mà bạn gặp phải, khám lâm sàng tiến hành xét nghiệm vi sinh để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết hiệu quả

Tùy vào kết quả xét nghiệm vi sinh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Nhưng do nhiễm trùng huyết là tình trạng khẩn cấp nên trong nhiều trường hợp bác sĩ không thể đợi có kết quả xét nghiệm để lựa chọn loại kháng sinh hướng nguyên nhân mà phải nhanh chóng dùng kháng sinh ngay cho bệnh nhân theo kinh nghiệm. Đến khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chủ động điều chỉnh lại thuốc cho phù hợp.

Nguyên tắc điều trị

  • Phải điều trị sớm, dùng kháng sinh ngay sau khi lấy máu gửi xét nghiệm.

  • Dùng kháng sinh liều cao, phối hợp và đủ thời gian.

  • Dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.

  • Dựa vào các triệu chứng lâm sàng để dự đoán vi khuẩn trước khi cấy máu

  • Điều chỉnh kháng sinh theo hiệu quả điều trị và kháng sinh đồ.

  • Ngừng kháng sinh: khi hết sốt, triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ rệt, nuôi cấy vi khuẩn âm tính, tốc độ máu lắng trở về bình thường.

Điều trị bằng thuốc

Các kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng huyết, bao gồm kháng sinh qua đường tiêm tĩnh mạch để chống nhiễm trùng, thuốc vận mạch để tăng huyết áp, corticosteroid để kháng viêm và giảm đau, liệu pháp Insuline tích cực.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm trùng huyết

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa bệnh nhiễm trùng huyết

Một số biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng huyết:

  • Điều trị sớm ổ nhiễm khuẩn ban đầu.

  • Tránh làm tổn thương da và gây vết thương hở.

  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

  • Điều trị tốt các bệnh có sẵn như đái tháo đường, xơ gan…

  • Chống nhiễm trùng tại bệnh viện.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *