Tìm hiểu chung
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là tình trạng phổ biến xuất hiện ở miệng, có triệu chứng sưng tấy, viêm loét ở niêm mạc miệng. Nhiệt miệng gây ra cảm giác nóng, đau rát và khó chịu, dẫn đến bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày đặc biệt là khi ăn uống, trường hợp nặng có thể dẫn đến viêm loét trầm trọng và nhiễm trùng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiệt miệng
Bệnh nhân có loét từ 2 đến 4 lần một năm hoặc lặp lại gần như liên tục, với các vết loét mới hình thành khi vết loét cũ lành lại. Biểu hiện trước đó thường là đau rát ở niêm mạc miệng từ 1 đến 2 ngày trước khi có vết loét, nhưng không có mụn nước hoặc nốt ban trước.
Cơn đau trầm trọng có thể kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Vết loét có viền xung quanh khá rõ ràng, bề mặt nông, hình trứng hoặc hình tròn. Phần trung tâm vết loét có màu vàng xám (dấu hiệu hoại tử), quầng đỏ và rìa đỏ hơi gồ lên.
Các vết loét nhẹ chiếm 85% các trường hợp, xuất hiện trong vòm miệng, phần rìa lưỡi, dưới lưỡi và có thể tại lưỡi, ở niêm mạc họng và hầu; đường kính thường nhỏ hơn 8 mm (thường là 2 đến 3mm). Các vết loét nhẹ thường lành trong 10 ngày mà không để lại sẹo.
Các vết loét nghiêm trọng hơn (bệnh Sutton, viêm màng bụng hoại tử tái phát) chiếm 10% các trường hợp. Các vết loét này thường có sau tuổi dậy thì, xuất hiện nhiều hơn và vết loét sâu hơn, đường kính lớn hơn 1 cm và thời gian lành loét kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Vết loét thường xuất hiện trên môi, vòm miệng và cổ họng, có thể kèm theo sốt, khó nuốt, khó chịu và để lại sẹo.
Loét Herpetiform (giống về hình thái nhưng không liên quan đến herpesvirus) chiếm 5% các trường hợp. Loét Herpetiform thường xuất hiện thành nhiều đám (lên đến 100) vết loét từ 1 đến 3mm trên một nền ban đỏ, và tụ thành đám vết loét lớn, thời gian lành loét kéo dài 2 tuần. Dạng vết loét này hay xảy ra ở phụ nữ, khởi phát muộn hơn so với các dạng khác.
Tác động của bệnh nhiệt miệng đối với sức khỏe
Bệnh nhiệt miệng gây ra sự khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày như cảm giác nóng rát, đau nhức,… khiến bệnh nhân bất tiện trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân như đánh răng, súc miệng hoặc ngay cả khi nói chuyện.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng có thể biến chứng thành viêm loét vòm miệng, sốt, hoại tử mô và tế bào, nhiễm trùng miệng, tiêu hóa hoặc nhiễm trùng toàn thân nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh nhiệt miệng
-
Chấn thương hoặc nhiễm trùng vòm miệng.
-
Thực phẩm (đặc biệt là sô cô la, cà phê, đậu phộng, trứng, ngũ cốc, hạnh nhân, dâu tây, pho mát và cà chua).
-
Thuốc tránh thai, mang thai và thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá không khói và viên nén chứa nicotin.
-
Mất cân bằng nội tiết tố hoặc chu kỳ kinh nguyệt.
-
Di truyền.
-
Nhiễm độc tế bào, suy giảm tế bào NK (natural killer cell).
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải nhiệt miệng?
Tỷ lệ mắc bệnh nhiệt miệng thường là người lớn (chiếm 20 đến 30%).
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiệt miệng
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiệt miệng, bao gồm:
-
Căng thẳng quá mức.
-
Dùng các thực phẩm có tính kích ứng cao như thực phẩm cay, nóng.
-
Tổn thương niêm mạc miệng nhưng không điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiệt miệng
Đánh giá lâm sàng
Chẩn đoán dựa trên quan sát hình thái và nguyên tắc loại trừ vì không có đặc điểm mô học xác định hoặc xét nghiệm đặc hiệu trong phòng thí nghiệm.
Triệu chứng Herpes simplex ở miệng nguyên phát có thể giống với nhiệt miệng nhưng thường xảy ra ở trẻ em, có liên quan đến vòm miệng cứng, nướu kèm theo, mặt sau của lưỡi kèm theo triệu chứng toàn thân. Ngoài ra Herpes simplex còn được phát hiện bằng nuôi cấy virus. Các tổn thương herpes tái phát thường là một bên.
Loét miệng tái phát có thể xảy ra khi nhiễm Herpes, HIV, và ngay cả khi thiếu dinh dưỡng. Xét nghiệm virus và xét nghiệm huyết thanh có thể xác định các tình trạng này.
Các phản ứng phụ khi dùng thuốc có thể giống nhiệt miệng. Tuy nhiên, dị ứng với thực phẩm hoặc sản phẩm nha khoa (chỉ nha khoa,…) có thể khó xác định; nên dùng phương pháp loại trừ để chẩn đoán chính xác.
Một số xét nghiệm đi kèm
Một số xét nghiệm huyết thanh toàn diện như:
-
Alanin aminotransferase (ALT);
-
Aspartate aminotransferase (AST);
-
Xét nghiệm kháng thể treponemal huỳnh quang (FTA);
-
Xét nghiệm G6PD;
-
Công thức máu (để theo dõi tủy xương).
Các xét nghiệm trên có thể được thực hiện để sàng lọc bệnh nhân, để đánh giá các chỉ định đối với thuốc và theo dõi trong quá trình điều trị bằng phương pháp điều trị bằng thuốc.
Phương pháp điều trị nhiệt miệng hiệu quả
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Dùng Chlorhexidine và Corticosteroid tại chỗ
Nước súc miệng chlorhexidine gluconate và Corticosteroid tại chỗ thường là phương pháp điều trị chính.
-
Corticosteroid có thể là Dexamethasone 0,5 mg/ 5 ml, 3 lần một ngày được sử dụng để súc miệng.
-
Thuốc mỡ Clobetasol 0,05% hoặc thuốc mỡ Fluocinonide 0,05% trong Carboxymethylcellulose (1:1), bôi 3 lần một ngày.
Bệnh nhân sử dụng các Corticosteroid này nên được theo dõi về bệnh nấm Candida. Nếu Corticosteroid tại chỗ không hiệu quả, có thể cần dùng Prednisone (ví dụ: 40 mg uống mỗi ngày một lần) uống không quá 5 ngày.
Một số thuốc khác
Điều trị có thể yêu cầu sử dụng kéo dài với các thuốc như:
-
Corticosteroid toàn thân.
-
Azathioprine.
-
Thuốc ức chế miễn dịch khác.
-
Pentoxifylline.
-
Bổ sung vitamin B1, B2, B6, B12, Folate hoặc Sắt có thể làm giảm triệu chứng ở một số bệnh nhân.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiệt miệng
Chế độ sinh hoạt:
-
Giữ vệ sinh răng miệng, vòm họng thường xuyên.
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Dùng những thực phẩm ít gây kích ứng.
-
Hạn chế dùng thực phẩm cay, nóng.
-
Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước lọc.
Phương pháp phòng ngừa nhiệt miệng hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
-
Có chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh.
-
Giữ vệ sinh răng miệng thường xuyên.
-
Tránh căng thẳng quá mức.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.