Tìm hiểu chung

Phù bạch huyết là gì?

Phù bạch huyết hay còn gọi là phù bạch mạch. Đây là hậu quả của tình trạng dịch bạch huyết kém lưu thông do bị tắc nghẽn, bị tổn thương hoặc do các mạch bạch huyết phát triển không bình thường. Phù bạch huyết thông thường chỉ ảnh hưởng một bên tay hoặc một bên chân, nhưng cũng có thể là cả hai bên. Phù bạch mạch ở chân đôi khi được gọi là bệnh phù chân voi vì chân phù lớn như bàn chân voi. Bệnh có thể được kiểm soát bằng thuốc và chăm sóc các chi bị ảnh hưởng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của phù bạch huyết

Các dấu hiệu của bệnh phù bạch huyết bao gồm:

  • Sưng một phần hoặc toàn bộ cánh tay hoặc chân, bao gồm cả ngón tay hoặc ngón chân;

  • Cảm giác nặng nề và hạn chế cử động ở phần chi bị ảnh hưởng;

  • Nhiễm trùng thường xuyên ở chi bị phù;

  • Da trên cánh tay hoặc chân bị phù bị dày hóa;

  • Phụ nữ từng xạ trị ung thư vú có thể phù tay;

  • Nam giới bị tắc nghẽn mạch bạch huyết do ung thư tuyến tiền liệt di căn có thể phù chân;

  • Những phần cơ thể khác như các cơ quan sinh dục ngoài hay mặt cũng có thể phù;

  • Phù bạch huyết gây ra do điều trị ung thư có thể không xảy ra cho đến tháng hoặc nhiều năm sau khi điều trị.

Biến chứng có thể gặp do phù bạch huyết

Phù bạch huyết gây ra biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

Nhiễm trùng: Nguy cơ nhiễm khuẩn cao khi bệnh nhân có các vết thương trên vùng bị phù bạch huyết.

Lymphangiosarcoma: Một dạng hiếm gặp của bệnh ung thư mô mềm. Đây có thể là kết quả từ các trường hợp phù bạch huyết nghiêm trọng không được điều trị. Dấu hiệu thường là da bị xanh hoặc tím.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn thấy cơ thể bị phù không rõ nguyên nhân hoặc khi có các triệu chứng nêu trên, hãy liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Trong trường hợp bạn đã từng điều trị ung thư, bạn nên gọi cho bác sĩ khi chân hay tay bị phù hoặc chân hay tay bị đỏ, nóng và đau nhức.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến phù bạch huyết

Hệ bạch huyết có tầm quan trọng nhất định đối với hệ miễn dịch và tuần hoàn, chúng giữ cơ thể luôn khỏe mạnh. Dịch bạch huyết giàu protein lưu thông trong cơ thể, thu thập vi khuẩn, virus và các chất có hại rồi thông qua các mạch bạch huyết dẫn đến các hạch bạch huyết. Tại đây, vi khuẩn và các chất có hại sẽ được tế bào lympho (các tế bào chống nhiễm trùng sống trong các hạch bạch huyết) lọc ra và làm sạch cơ thể.

Phù bạch huyết xảy ra khi mạch bạch huyết không đủ dịch bạch huyết. Bệnh thường diễn ra ở cánh tay hoặc chân. Có hai nguyên nhân gây ra bệnh là nguyên phát và thứ phát:

Dạng nguyên phát:

Phù bạch huyết nguyên phát là dạng bệnh di truyền hiếm gặp do rối loạn phát triển của các mạch bạch huyết. Dạng này phổ biến hơn ở phụ nữ. Nguyên nhân cụ thể gây ra bởi:

  • Phù bạch huyết bẩm sinh: Dị tật các hạch bạch huyết kể từ khi còn trong bụng mẹ, dẫn đến phù bạch huyết.

  • Phù bạch huyết sớm: Thường do rối loạn di truyền ở trẻ em hoặc đến tuổi dậy thì; mặc dù vẫn có thể xảy ra ở độ tuổi 20 – 30.

  • Phù bạch huyết muộn: Nguyên nhân này hiếm khi xảy ra và nếu có thì thường xuất hiện sau tuổi 35.

Dạng thứ phát:

Phù bạch huyết thứ phát là do bệnh hoặc các vấn đề khác gây ảnh hưởng đến hệ bạch huyết. Nguyên nhân bao gồm:

  • Phẫu thuật: Nếu phẫu thuật liên quan hoặc khiến các hạch bạch huyết, mạch bạch huyết bị cắt bỏ thì có thể gây phù bạch huyết.

  • Ung thư: Ung thư thường gây phù bạch huyết. Thậm chí bức xạ trong điều trị ung thư cũng có thể gây sẹo và viêm hệ bạch huyết, hạn chế dòng chảy của dịch bạch huyết.

  • Nhiễm trùng: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào hệ bạch huyết thông qua các vết nhiễm trùng, hạn chế dòng chảy của dịch bạch huyết và gây phù bạch huyết.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải phù bạch huyết?

Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào và thường xảy ra sau khi điều trị ung thư. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Lớn tuổi;

  • Thừa cân hoặc béo phì;

  • Viêm khớp dạng thấp hoặc vảy nến khớp.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phù bạch huyết

Bác sĩ chẩn đoán dựa vào tiền sử bệnh lý (nhất là đã từng bị và điều trị ung thư), khám thực thể và chụp mạch bạch huyết. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể xét nghiệm máu hoặc chụp CT để loại trừ những bệnh khác.

Phương pháp điều trị phù bạch huyết hiệu quả

Hiện tại chưa có phương pháp điều trị phù bạch huyết đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu tập trung vào giảm triệu chứng, giảm sưng và kiểm soát cơn đau cho bệnh nhân. Có thể kể đến các phương pháp:

  • Các bài tập thể dục nhẹ nhàng cho phần tay chân bị phù bạch huyết, giúp dịch bạch huyết trong các chi lưu thông dễ dàng hơn.

  • Dùng tất nén cho các chi hoặc vùng cơ thể bị ảnh hưởng nhằm đưa dòng chảy của dịch bạch huyết về các vùng bị phù bạch huyết.

  • Trường hợp phù bạch huyết trầm trọng (chân không hoạt động bình thường, nhiễm trùng tái phát) bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật cắt bỏ mô dư thừa trong cánh tay hoặc chân. Điều này làm giảm sưng nặng, tuy nhiên nó không thể chữa trị tận gốc phù bạch huyết.

  • Đối với bệnh phù bạch mạch thứ phát, những nguyên nhân cơ bản (ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú) cần được xác định và điều trị nguyên nhân kết hợp giảm triệu chứng phù bạch huyết.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phù bạch huyết

Mặc dù bệnh không có phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng bạn có thể kiểm soát phù bạch huyết bằng những cách sau đây:

  • Tìm hiểu thông tin về phù bạch huyết, bao gồm tất cả các yếu tố có thể gây bệnh và các triệu chứng của nó.

  • Chăm sóc chân tay bị ảnh hưởng như làm sạch da hằng ngày, dùng kem dưỡng da để ngăn ngừa khô da và tìm kiếm những vết thương trên vùng da bị ảnh hưởng để ngăn ngừa biến chứng.

  • Chế độ ăn uống đầy đủ các loại trái cây và rau quả.

  • Luyện tập thể dục hằng ngày. Bạn nên tham khảo bác sĩ về các bài tập bạn có thể áp dụng và nên hoạt động nhẹ nhàng, không gắng sức.

  • Ngủ đủ giấc để có tinh thần luôn thoải mái, giảm căng thẳng.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng ngừa phù bạch huyết, bạn có thể:

  • Ăn uống lành mạnh.

  • Uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.

  • Không nên đi chân đất.

  • Khi bị nhiễm trùng tay, chân và bàn chân, bạn cần được điều trị sớm nhất có thể.

  • Nếu có nguy cơ bị phù bạch huyết hoặc bạn đã hoặc sẽ điều trị ung thư, hãy hỏi bác sĩ về những vấn đề xoay quanh việc hình thành bệnh phù bạch huyết.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *