Tìm hiểu chung

Polyp trực tràng là gì?

Polyp trực tràng là sự hình thành các khối u bên trong lòng trực tràng do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc trực tràng tạo nên. Các triệu chứng của polyp trực tràng ở mỗi người là khác nhau, nhưng có thể có chảy máu trực tràng, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đi tiêu phân lẫn máu. Polyp trực tràng nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến ung thư. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn so với nữ giới. Nếu polyp lành tính, người bệnh chỉ cần cắt bỏ polyp. Nhưng nếu là khối u ác tính thì cần phải phẫu thuật cắt bỏ đi đoạn trực tràng bị ảnh hưởng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của polyp trực tràng

Các triệu chứng của bệnh polyp trực tràng khá nghèo nàn. Nhiều trường hợp có thể diễn tiến âm thầm và không gây ra bất kì triệu chứng nào. Một số trường hợp có thể gây các triệu chứng như:

  • Phân có lẫn máu;

  • Chảy máu trực tràng;

  • Đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn một tuần;

  • Buồn nôn hoặc ói mửa nếu có số lượng polyp lớn.

Biến chứng có thể gặp khi bị polyp trực tràng

Polyp trực tràng nếu có diễn biến âm thầm và lâu dài sẽ có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng. Càng có nhiều polyp thì khả năng biến chứng thành ung thư càng cao.

Những polyp có chân rộng, bề mặt tiếp xúc nhiều với niêm mạc có khả năng là khối u ác tính cao hơn các polyp lòng thòng, chân nhỏ.

Trường hợp mắc đa polyp di truyền thì khả năng khối u ác tính là 100%.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có xuất hiện bất cứ triệu chứng nào hay nghi ngờ mình có khả năng mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến polyp trực tràng

Các nguyên nhân được cho là gây ra polyp trực tràng:

  • Đột biến gen: Các gen bị đột biến khiến các tế bào phát triển không bình thường và tạo thành polyp.

  • Di truyền: Polyp trực tràng có thể di truyền. Những đối tượng trong gia đình có người thân từng mắc căn bệnh này thì sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những người khác.

  • Trực tràng bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng khiến cho lớp niêm mạc của bộ phận này bị viêm và hình thành polyp.

  • Niêm mạc trực tràng bị kích ứng hoặc bị tổn thương do chứa dị vật hoặc phân khi táo bón tồn đọng trong đường ruột lâu ngày cũng là nguyên nhân gây polyp trực tràng.

  • Người bệnh có thói quen ăn uống thất thường khiến cho tính chất phân bị biến đổi gây kích thích niêm mạc trực tràng.

  • Tình trạng tổn thương, viêm nhiễm ở lớp niêm mạc trực tràng lâu ngày cũng có thể dẫn đến polyp trực tràng.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị polyp trực tràng?

Ai cũng có khả năng mắc bệnh này nhưng những người lớn tuổi, đặc biệt là trên 50 tuổi hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh này có khả năng cao cũng bị bệnh polyp trực tràng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ polyp trực tràng, bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.

  • Giới tính: Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.

  • Mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc tử cung trước 50 tuổi.

  • Thường xuyên hút thuốc lá và sử dụng rượu bia.

  • Lười vận động.

  • Béo phì.

  • Có tiền sử bị viêm đại tràng mãn tính.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán polyp trực tràng

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của người bệnh (nếu có), hỏi về tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng và tiến hành xét nghiệm để chẩn đoán polyp trực tràng. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện các polyp trực tràng và ung thư. Trong khi nội soi bác sĩ cũng có thể tiến hành cắt bỏ polyp trực tràng và dùng mẫu polyp tiến hành xét nghiệm dưới kính hiển vi để xác định khối u lành tính hay ác tính.

  • Soi đại tràng sigma bằng ống mềm: Bác sĩ đưa ống mảnh có ánh sáng vào trong trực tràng và đoạn thứ ba cuối cùng của đại tràng để kiểm tra. Nếu phát hiện polyp thì bác sĩ sẽ nội soi đại tràng để cắt bỏ chúng.

  • Xét nghiệm phân: Tìm máu trong phân hoặc xét nghiệm ADN.

  • Chụp X-quang có dùng chất cản quang hoặc chụp cắt lớp vi tính: Có thể phát hiện được một hoặc nhiều polyp hay khối u đại trực tràng, nhưng dễ bỏ sót những polyp nhỏ.

Phương pháp điều trị polyp trực tràng hiệu quả

Polyp có thể phát triển thành ung thư trực tràng, chính vì vậy việc cắt bỏ polyp là điều cần thiết. Việc cắt bỏ polyp có thể tiến hành đồng thời khi bác sĩ nội soi trực tràng.

Nếu polyp quá lớn thì bạn cần phải phẫu thuật để loại bỏ chúng vì không thể cắt bỏ trong quá trình nội soi trực tràng.

Nếu polyp được xác định là ác tính thì bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ phần trực tràng có polyp.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của polyp trực tràng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Vấn đề dinh dưỡng sau phẫu thuật cũng vô cùng quan trọng. Bạn nên chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Ăn ít, nhai kỹ và chia thành nhiều bữa ăn trong một ngày.

  • Không ăn thức ăn quá ngọt, chua cay, quá lạnh, chứa nhiều dầu mỡ.

  • Nếu tình trạng ổn định, có thể ăn thức ăn ít chất béo dạng đặc, hàm lượng protein vừa đủ nhu cầu bình thường, hàm lượng chất xơ ít.

  • Ăn nhiều rau, hoa quả tươi.

  • Bổ sung hợp lý sắt và các vitamin.

  • Không hút thuốc, không uống rượu, ăn uống điều độ.

Tùy theo thể trạng của người bệnh mà sau 3 – 6 tháng có thể ăn uống lại bình thường.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Không sử dụng bia rượu, thuốc lá.

  • Có chế độ ăn uống hợp lý.

  • Giữ cho tinh thần luôn được thoải mái bởi vì các chuyên gia cho rằng stress cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến polyp trực tràng.

  • Thường xuyên luyện tập thể dục để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh và cân nặng ổn định.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *