Tìm hiểu chung

Rong kinh là gì?

Rong kinh là bệnh rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở nữ giới, kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày và lượng máu mất đi hơn 80ml/ chu kỳ kèm theo các biểu hiện như đau bụng râm ran, người mệt mỏi, máu bị vón cục,…

Cũng cần lưu ý rằng tình trạng rong kinh khác với rong huyết. Rong kinh có tính chu kỳ và xảy ra khi bệnh nhân có kinh nguyệt. Còn rong huyết máu ra bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu có thể nhiều hoặc ít nhưng không có vón cục và cũng kéo dài trên 7 ngày.

Rong kinh được chia làm hai loại:

  • Rong kinh thực thể: Kỳ kinh kéo dài nhiều ngày do các tổn thương ở cổ tử cung, tử cung và buồng trứng.

  • Rong kinh cơ năng: Thường gặp ở tuổi dậy thì và tuổi sinh sản do rối loạn nội tiết tố.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị  rong kinh

Rong kinh gây ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày hay thậm chí là sức khỏe sinh sản của chị em, bệnh nhân mắc phải thường có các biểu hiện:

  • Cần phải thay đổi băng vệ sinh nhiều lần và thay trong đêm;

  • Thời kỳ kinh nguyệt kéo dài lâu hơn bảy ngày;

  • Kinh nguyệt chảy thành các cục máu đông lớn;

  • Hay đau bụng dưới;

  • Mệt mỏi hay khó thở (triệu chứng của thiếu máu);

  • Rong kinh gây suy nhược cơ thể nếu kéo dài.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các khuyến cáo cho rằng phụ nữ trên 21 tuổi hay đã sinh hoạt tình dục nên khám hàng năm vùng chậu và xét nghiệm Pap smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) thường xuyên. Và nếu có bất cứ biểu hiện bất thường nào xảy ra trong chu kỳ kinh như kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày và máu ra nhiều, máu đông… hãy đến phòng khám phụ khoa hoặc bệnh viện để tiến hành xét nghiệm và điều trị sớm.

Ngoài ra nếu phụ nữ sau khi mãn kinh có hiện tượng chảy máu âm đạo thì cũng nên đến thăm khám bác sĩ sớm.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rong kinh

Hầu hết trường hợp bác sĩ không xác định được chính xác nguyên nhân rong kinh ở bệnh nhân. Tùy theo độ tuổi mà có các nguyên nhân thường gặp khác nhau:

  • Rong kinh tuổi dậy thì: Do hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng chưa ổn định kéo theo đó là rối loạn nội tiết tố. Tuy nhiên bệnh không đáng lo ngại vì nó sẽ tự khỏi sau khi nội tiết tố ổn định.

  • Rong kinh độ tuổi sinh sản: Ngoài rối loạn nội tiết tố còn có các yếu tố dẫn đến rong kinh như nhiễm khuẩn, nhiễm trùng sau sinh hoặc nạo phá thai không an toàn, bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa như u xơ cổ tử cung, polyp buồng tử cung, ung thư nội mạc tử cung.


Nguy cơ mắc phải

Những ai thường có nguy cơ rong kinh?

Bệnh rong kinh có thể xảy đến với mọi chị em phụ nữ.

Thông thường rong kinh hay do sự mất cân bằng nội tiết dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng. Chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng này thường thấy ở hai nhóm tuổi:

  • Trẻ vị thành niên (từ 10 – 19 tuổi).

  • Phụ nữ lớn tuổi gần mãn kinh (từ 40 – 50 tuổi.)


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rong kinh

Bác sĩ chẩn đoán rong kinh dựa trên việc hỏi bệnh sử, khám thực thể và xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu. Ngoài ra còn có những xét nghiệm khác có thể được thực hiện như:

  • Siêu âm.

  • Thử pap: Các bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ các tế bào từ bề mặt của cổ tử cung để kiểm tra.

  • Sinh thiết nội mạc tử cung, nong nạo tử cung: mẫu mô nội mạc tử cung được lấy ra để kiểm tra ung thư.

  • Soi ổ bụng: Cho phép quan sát bụng thông qua một đường rạch nhỏ.

  • Chụp tử cung vòi trứng: Một chất cản quang được đưa vào tử cung và ống dẫn trứng cho phép bác sĩ quan sát tử cung trên phim X-quang.

  • Soi tử cung: Dùng một ống kim loại gắn máy ghi hình đưa qua cổ tử cung đến tử cung để quan sát. Trong trường hợp người nữ chưa quan hệ tình dục thì sẽ được yêu cầu nhịn tiểu và dò máy vùng dưới bụng để kiểm tra.

Phương pháp điều trị rong kinh hiệu quả

Tùy vào nguyên nhân gây rong kinh và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn và cách điều trị phù hợp.

  • Nếu rong kinh do rối loạn nội tiết tố thì người phụ nữ nên thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi và chữa bệnh nội khoa bằng thuốc cân bằng nội tiết theo chỉ định của bác sĩ.

  • Nếu rong kinh gây thiếu máu thì bác sĩ có thể chỉ định uống thuốc tránh thai hằng ngày trong 3 tháng để cho chu kỳ kinh ổn định.

  • Trường hợp rong kinh kéo dài dẫn đến mất máu cấp nên uống thuốc cầm máu, bác sĩ có thể chỉ định tiêm hormone estrogen để cân bằng nội tiết tố.

Sau khi được điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để chữa trị, bao gồm nong nạo và soi tử cung.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rong kinh

  • Người bệnh nên ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm.

  • Ăn nhiều thịt bò, các loại thịt màu đỏ (chứa nhiều chất sắt).

  • Bổ sung rau xanh, thực phẩm tươi sống.

  • Không nên ăn nhiều bưởi, cam vào những ngày hành kinh vì gây loãng máu.

  • Tránh các sản phẩm chứa caffeine.

  • Uống nhiều nước.

  • Hạn chế vận động mạnh, nên có chế độ nghỉ ngơi thư giãn giảm bớt căng thẳng.

Chế độ ăn uống đầy đủ cùng với tinh thần tốt sẽ giúp tình trạng rong kinh chóng cải thiện.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bạn nên có thói quen sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa rong kinh:

  • Thường xuyên kiểm tra phụ khoa định kỳ.

  • Tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi diễn biến bệnh.

  • Ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt.

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng kín, nhất là những ngày hành kinh.

  • Nghỉ ngơi và có chế độ thể dục điều độ.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *