Dịch Truyền Ringer Lactate Kabi Là Gì?
Dung dịch Ringer Lactate do Công ty Cổ phần Fresenius Kabi Việt Nam sản xuất. Dung dịch Ringer Lactate là nguồn cung cấp nước, chất điện giải và là tác nhân kiềm hóa, có thành phần gồm Natri clorid, Kali clorid, Natri lactat, Calci ciorid.
Dung dịch tiêm truyền trong suốt, không màu, đóng trong chai nhựa 500 ml hoặc chai thủy tinh 500 ml, hàn kín.
Thành Phần Của Dịch Truyền Ringer Lactate Kabi
Thông Tin Thành Phần
Dung dịch có chứa:
Thành phần
Hàm lượng
Natri clorit
3g
Kali clorid
0,2g
Sodium lactate
1,6g
Calcium Chloride
0,135g
Công Dụng Của Dịch Truyền Ringer Lactate Kabi
Chỉ định
Dung dịch Ringer Lactate là nguồn cung cấp nước, chất điện giải và là tác nhân kiềm hóa được sử dụng để:
- Phục hồi cân bằng dịch, cân bằng điện giải ngoại bào, bù dịch trong trường hợp mất nước ngoại bào.
- Bổ sung dịch ngắn hạn (dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với chất keo) trong trường hợp giảm thể tích tuần hoàn hoặc hạ huyết áp.
- Điều trị nhiễm toan chuyển hóa nhẹ hoặc trung bình (trừ trường hợp nhiễm acid lactic).
Dược lực học
Ringer lactate là dung dịch đẳng trương của các chất điện giải. Thành phần và nồng độ của thuốc là phù hợp với huyết tương.
Đặc tính dược lực học của thuốc được quy định bởi các thành phần của thuốc (nước, natri, kali, calci, lactat và clorid). Tác dụng chính của ringer lactat là làm tăng thể tích dịch khoang ngoại bào, gồm dịch khoang kẽ và dịch trong lòng mạch.
Lactat được chuyển hóa thành bicarbonat chủ yếu ở gan và có tác dụng kiềm hóa huyết tương.
Các ion như natri, lưu thông qua màng tế bào sử dụng các cơ chế vận chuyển khác nhau, trong số đó là bơm natri (Na+/K+ – ATPase). Natri đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh và sinh lý tim và cả trong sự chuyển hóa tại thận của nó.
Kali cần thiết cho nhiều quá trình trao đổi chất và sinh lý bao gồm dẫn truyền thần kinh, co cơ và cân bằng acid – base. Nồng độ kali bình thường trong huyết tương vào khoảng 3,5 – 5,0 mmol/l. Kali là một cation nội bào, chủ yếu được tìm thấy trong cơ, chỉ có khoảng 2% có mặt trong dịch ngoại bào. Việc đưa kali vào các tế bào và giữ lại nồng độ đòi hỏi hoạt động vận chuyển thông qua enzym Na+/K+ – ATPase.
Khoảng 99% calci được đưa vào trong xương, 1% còn lại được tìm thấy trong các mô và dịch cơ thể, và rất cần thiết cho việc dẫn truyền thần kinh bình thường, hoạt động cơ bắp và đông máu.
Clorid là anion ngoại bào được tìm thấy ở nồng độ thấp trong xương và ở nồng độ cao trong một số thành phần của mô liên kết như collagen. Clorid nội bào có nồng độ cao trong hồng cầu và niêm mạc dạ dày. Sự cân bằng của anion và cation được điều chỉnh bởi thận. Tái hấp thu clorid thường tiếp sau tái hấp thu natri.
Dược động học
Đặc tính dược động học của thuốc được quy định bởi các thành phần của nó (natri clorid, kali clorid, calci clorid, natri lactat).
Thể tích và thành phần ion của khoang ngoại bào và khoang nội bào:
- Khoang ngoại bào: Khoảng 19 lít.
- Natri (mmol/l): 142.
- Kali (mmol/l): 5.
- Calci (mmol/l): 2,5.
- Clorid (mmol/l): 103.
- Khoang nội bào: Khoảng 23 lít.
- Natri (mmol/l): 15.
- Kali (mmol/l): 150.
- Calci (mmol/l): 1.
- Clorid (mmol/l): 1.
Sau khi tiêm natri phóng xạ (24Na), chu kỳ bán rã là 11-13 ngày đối với 99% lượng Na được tiêm và 1 năm đối với 1% còn lại. Sự phân bố thay đổi theo các mô: Natri phân bố nhanh chóng vào trong cơ, gan, thận, sụn và da; natri phân bố chậm vào hồng cầu và tế bào thần kinh; natri phân bố rất chậm vào trong xương. Natri chủ yếu được bài tiết qua thận, nhưng có sự tái hấp thu lớn ở thận. Một lượng nhỏ natri được thải trừ trong phân và mồ hôi.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phân bố kali giữa dịch nội bào và ngoại bào như rối loạn cân bằng acid-base có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa nồng độ trong huyết tương và nồng độ tổng thể.
Kali được bài tiết chủ yếu qua thận; kali được tiết ra trong các ống xa trong trao đổi ion natri hoặc hydro. Khả năng giữ kali của thận là kém và một số bài tiết kali qua nước tiểu vẫn tiếp tục ngay cả khi thận bị suy giảm nghiêm trọng. Một phần kali được bài tiết trong phân và một lượng nhỏ cũng có thể được bài tiết trong mồ hôi.
Nồng độ calci trong huyết tương được điều hòa bởi hormon tuyến cận giáp, calcitonin và vitamin D. Khoảng 47% calci trong huyết tương ở dạng hoạt động sinh lý ion hóa, khoảng 6% tạo phức hợp với các anion như phosphat hoặc citrat, và phần còn lại là liên kết với protein, chủ yếu là albumin.
Nếu nồng độ albumin huyết tương tăng lên (như trong tình trạng mất nước) hoặc giảm (như thường gặp trong bệnh ác tính) sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ calci bị ion hóa. Do đó, tổng nồng độ calci huyết tương thường được điều chỉnh theo albumin huyết tương. Lượng calci dư thừa chủ yếu được bài tiết qua thận.
Calci không hấp thu được thải trừ trong phân, cùng với chất tiết ra trong mật và dịch tụy. Một lượng nhỏ được thải trừ qua mồ hôi, da, tóc và móng tay. Calci đi qua nhau thai và được phân bổ vào sữa mẹ.
Dược động học của D-lactat và L-lactat là tương tự nhau.
Lactat được chuyển hóa bằng quá trình oxy hóa và sự hình thành glucoza chủ yếu qua gan và bicarbonat được tạo ra từ cả 2 quá trình trên trong 1-2 giờ.
Khi một thuốc pha loãng cùng dung dịch Ringer Lactate, đặc tính dược động học của thuốc sau pha loãng phụ thuộc chính vào bản chất thuốc đó.
Liều Dùng Của Dịch Truyền Ringer Lactate Kabi
Cách dùng
Dung dịch Ringer Lactate dùng tiêm truyền tĩnh mạch.
Cần phải kiểm tra cảm quan dung dịch trước khi truyền.
Chỉ sử dụng nếu dung dịch trong, không có các tiểu phân nhìn thấy và bao bì không bị hư hại. Truyền ngay lập tức sau khi đã kết nối chai dịch với bộ dây truyền dịch.
Không sử dụng chai nhựa trong truyền nối tiếp. Việc sử dụng như vậy có thể gây thuyên tắc khí do không khí dư thừa được rút ra từ chai dịch đầu tiên trước khi hoàn tất truyền dịch từ chai thứ hai.
Việc ép dịch truyền chứa trong các chai nhựa dẻo để tăng tốc độ dòng chảy có thể gây thuyên tắc khi nếu không khí dư trong chai không được đẩy ra hoàn toàn trước khi truyền.
Sử dụng bộ dây truyền tĩnh mạch có lỗ thông khí với lỗ thông ở vị trí mở có thể gây thuyên tắc khí. Bộ dây truyền tĩnh mạch có lỗ thông khí với lỗ thông ở vị trí mở không nên sử dụng cùng với chai nhựa dẻo.
Sử dụng bộ dây truyền dịch vô trùng với kỹ thuật vô trùng. Cần phải đuổi khí bộ dây truyền dịch bằng dung dịch Ringer Lactate để phòng ngừa không khí đi vào hệ thống truyền.
Các thuốc pha loãng cũng có thể được thêm vào trước hoặc trong suốt quá trình truyền dịch qua cổng tiêm.
Kiểm soát cân bằng dịch và nồng độ các chất điện giải (natri, kali, calci, clorid) cần phải được kiểm soát trong suốt quá trình truyền dịch.
Liều dùng
Người lớn người cao tuổi, trẻ vị thành niên và trẻ em: Tùy thuộc vào tuổi, cân nặng tình trạng sinh học và lâm sàng của người bệnh và các thuốc điều trị đồng thời.
Liều dùng khuyến cáo:
- Người lớn, người cao tuổi, trẻ vị thành viên: 500 ml – 3 lít/24 giờ.
- Trẻ sơ sinh và trẻ em: 20 – 100 ml/kg/24 giờ.
Tốc độ truyền:
- Tốc độ truyền thông thường là 40 ml/kg/24 giờ ở người lớn, người cao tuổi và trẻ vị thành niên.
- Ở bệnh nhân nhi: Tốc độ truyền trung bình là 5 ml/kg/giờ nhưng thay đổi theo lứa tuổi 6-8 ml/kg/giờ ở trẻ sơ sinh, 4-6 ml/kg/giờ ở trẻ nhỏ; 2-4 ml/kg/giờ ở trẻ lớn hơn.
- Trẻ em bị bỏng: Liều trung bình 3,4 ml/kg/phần trăm bị bỏng/24 giờ sau khi bị bỏng và 6,3 ml/kg phần trăm bỏng sau 48 giờ. Ở trẻ bị tổn thương đầu nặng, liều trung bình 2.850 ml/m2.
- Tốc độ truyền và tổng thể tích truyền có thể cao hơn trong phẫu thuật hoặc khi cần thiết.
Lưu ý:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Có tuổi khoảng 28 ngày tuổi – 23 tháng (trẻ nhỏ là trẻ đã biết đi).
Trẻ em và trẻ đi học có tuổi khoảng 2-11 tuổi.
Cân bằng dịch, các chất điện giải và acid – base có thể cần phải được kiểm soát trước và trong suốt quá trình truyền dịch, đặc biệt chú ý đến nồng độ natri huyết ở bệnh nhân tăng tiết hormon chống bài niệu không thẩm thấu (hội chứng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp, SIADH) và ở bệnh nhân dùng kết hợp đồng thời với các thuốc kích thích hormon chống bài niệu, do nguy cơ hạ natri huyết mắc phải ở bệnh viện.
Ringer Lactate là dung dịch đẳng trương.
Tốc độ và thể tích truyền phụ thuộc vào lứa tuổi, cân nặng, tình trạng lâm sàng (như bỏng, phẫu thuật, chấn thương đầu, nhiễm trùng, …) và các thuốc dùng đồng thời cần được xác định bởi bác sĩ điều trị có kinh nghiệm trong sử dụng liệu pháp dịch truyền cho bệnh nhân nhi.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Truyền quá liều hoặc quá nhanh có thể gây quá tải dịch và natri với nguy cơ phù, đặc biệt trong trường hợp suy giảm thải trừ natri ở thận. Trong trường hợp này, có thể sử dụng lọc thận.
Việc truyền quá liều kali có thể gây tăng kali huyết, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận.
Các triệu chứng bao gồm dị cảm tứ chi, yếu cơ, tê liệt, loạn nhịp tim, block tim, ngừng tim và rối loạn tâm thần. Điều trị tăng kali huyết bao gồm dùng calci, insulin (với glucose), natri bicarbonat, nhựa trao đổi hoặc lọc máu.
Việc truyền quá liều muối calci có thể gây tăng calci huyết. Các triệu chứng tăng calci huyết bao gồm chứng chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, đau bụng, suy nhược cơ, rối loạn tâm thần, chứng khát nhiều, chứng đái nhiều, chứng nhiễm calci thận, sỏi thận và trong trường hợp nặng gây loạn nhịp tim và hôn mê.
Truyền tĩnh mạch quá nhanh dung dịch muối calci cũng có thể gây ra các triệu chứng của tăng calci huyết như hôi miệng, nóng đỏ và giãn mạch ngoại vi. Việc tăng calci huyết không có triệu chứng sẽ phục hồi khi ngừng thuốc và sử dụng thuốc hỗ trợ khác như vitamin D. Nếu tăng calci huyết trầm trọng, cần điều trị khẩn cấp (như thuốc lợi tiểu quai, thẩm tách máu, calcitonin, biphosphonat, EDTA).
Truyền quá liều muối clorid có thể gây mất bicarbonat với tác dụng acid hóa. Truyền quá liều natri lactat có thể gây hạ kali huyết và nhiễm kiềm chuyển hóa, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận.
Triệu chứng có thể bao gồm: Thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, thở thanh, yếu cơ, nhịp tim không đều. Tăng trương lực cơ, co thắt mạch, co cứng cơ có thể xảy ra, đặc biệt ở bệnh nhân hạ calci huyết.
Việc điều trị nhiễm kiềm chuyển hóa do quá liều bicarbonat chủ yếu là phục hồi cân bằng dịch và điện giải. Phục hồi calci, clorid, kali là điều quan trọng.
Trường hợp quá liều của thuốc pha loãng cùng, dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào bản chất của thuốc pha loãng.
Khi bị vô tình truyền quá liều, cần ngưng truyền ngay và quan sát bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng quá liều thuốc pha loãng đó. Cần tiến hành điều trị triệu chứng phù hợp.
Làm gì khi quên 1 liều?
Thuốc được sử dụng bởi nhân viên y tế nên khó có khả năng quên liều.
Tác Dụng Phụ Của Dịch Truyền Ringer Lactate Kabi
- Thừa nước và suy tim ở bệnh nhân rối loạn tim hoặc phù phổi.
- Rối loạn điện giải.
- Các phản ứng phụ có thể liên quan đến kỹ thuật truyền, bao gồm: Phản ứng do sốt, nhiễm trùng tại chỗ tiêm, đau hoặc phản ứng cục bộ, kích ứng tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch kéo dài từ vị trí tiêm và thoát mạch.
- Các phản ứng phụ có thể liên quan đến thuốc pha loãng cùng: Tính chất của các thuốc pha loãng cũng sẽ quyết định khả năng của các phản ứng phụ.
- Đã quan sát thấy việc truyền thường xuyên dung dịch chứa lactate gây cảm giác lo lắng và đôi khi gây cơn hoảng loạn.
- Lactat gây kiềm hóa có thể gây cơn động kinh nhưng ít gặp.
- Hạ natri huyết mắc phải ở bệnh viện.*
- Bệnh não do hạ natri huyết cấp tính.*
- Hạ natri huyết mắc phải ở bệnh viện có thể gây tổn thương não không hồi phục và tử vong do sự phát triển bệnh não do hạ natri cấp tính, tần suất chưa được biết đến.*
Khi sử dụng thuốc Ringer lactate, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) đã được báo cáo là rất thường gặp (ADR >1/10):
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Khi xảy ra phản ứng phụ, phải ngừng truyền ngay lập tức.
Lưu Ý Của Dịch Truyền Ringer Lactate Kabi
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Thuốc Ringer Lactate chống chỉ định trong các trường hợp sau:
-
Tăng lượng nước ngoại bào hoặc tăng thể tích tuần hoàn.
-
Mất nước ưu trương.
-
Tăng kali huyết, tăng natri huyết, tăng calci huyết, tăng clo huyết.
-
Suy thận nặng (bao gồm thiểu niệu, vô niệu).
-
Suy tim mất bù.
-
Tăng huyết áp nặng.
-
Phù nề chung và xơ gan cổ trướng.
-
Nhiễm kiềm chuyển hóa.
-
Nhiễm toan chuyển hóa nặng.
-
Nhiễm acid lactic.
-
Suy tế bào gan nặng hoặc rối loạn chuyển hóa lactate.
-
Dùng đồng thời với thuốc digitalis (xem thêm phần “Tương tác của thuốc”).
-
Cũng như đối với các dịch truyền chứa calci khác, chống chỉ định điều trị kết hợp ceftriaxone và Ringer Lactate ở trẻ sơ sinh non tháng và trẻ sơ sinh đủ tháng (≤ 28 ngày tuổi), ngay cả khi sử dụng theo đường truyền riêng biệt (nguy cơ tử vong do muối calci ceftriaxon gây ra trong máu trẻ sinh non).
Thận trọng khi sử dụng
Các trường hợp phản ứng gây tử vong do kết tủa calci-ceftriaxone ở phổi và thận.
Trẻ sơ sinh non tháng và đủ tháng dưới 1 tháng tuổi đã được mô tả.
Đối với bệnh nhân ở bất kỳ độ tuổi nào, không được trộn lẫn hoặc dùng đồng thời Ceftriaxon với bất kỳ dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch chứa calci nào, ngay cả thông qua các đường tiêm truyền khác nhau hoặc các vị trí tiêm truyền khác nhau.
Tuy nhiên, ở các bệnh nhân trên 28 ngày tuổi, ceftriaxon và các dịch truyền chứa calci có thể được truyền tuần tự trước sau nếu truyền ở các vị trí khác nhau hoặc thay thế đường truyền hoặc rửa sạch đường truyền giữa các lan truyền bằng dung dịch muối sinh lý để tránh kết tủa.
Cần phải tránh truyền tuần tự ceftriaxone và dung dịch chứa calci trong trường hợp giảm thể tích tuần hoàn.
Dung dịch chứa natri clorid, cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân cao huyết áp, suy tim, phù phổi hoặc phù ngoại vi, suy thận, tiền sản giật, chứng tăng aldosteron hoặc các bệnh khác hoặc các điều trị (ví dụ: Corticoid/steroid) có liên quan đến giữ muối.
Sản phẩm có chứa muối kali: Cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân bị bệnh tim hoặc các rối loạn có liên quan đến tăng kali huyết như suy thận hoặc suy thượng thận, mất nước cấp tính hoặc phá hủy mô rộng khi xảy ra bỏng nặng.
Việc truyền dung dịch Ringer Lactate cũng có thể gây nhiễm kiềm chuyển hóa do sự có mặt của ion lactat.
Dung dịch Ringer Lactate có thể không tạo hiệu quả kiềm hóa ở bệnh nhân suy gan do khả năng thay đổi chuyển hóa lactate.
Dung dịch chứa lactat nên được truyền cẩn thận cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi.
Các nguyên nhân do sự có mặt của calci:
Cần thận trọng để tránh thoát mạch trong suốt quá trình tiêm truyền.
Cần phải dùng thận trọng ở bệnh nhân suy thận hoặc có tình trạng liên quan đến nồng độ cao vitamin D như bệnh sarcoid. Trong trường hợp truyền đồng thời với truyền máu, không được truyền chung dung dịch Ringer Lactate trên cùng một bộ dây truyền để tránh nguy cơ gây đông máu.
Dung dịch tiêm truyền Ringer Lactate không cung cấp đủ nồng độ kali và calci trong duy trì hoặc điều trị thiếu hụt những ion này. Do đó, sau khi điều trị xong mất nước, cần chuyển sang sử dụng dung dịch duy trì để cung cấp đủ những ion này.
Trong quá trình truyền tĩnh mạch kéo dài, cần sử dụng sản phẩm cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh.
– Khi truyền thể tích lớn cần được tiến hành với sự kiểm soát đặc biệt ở các bệnh nhân suy tim hoặc phổi và bệnh nhân giải phóng hormon chống bài niệu không thẩm thấu (bao gồm SIADH) do nguy cơ hạ natri huyết mắc phải ở bệnh viện.
Hạ natri huyết cấp tính có thể dẫn đến các bệnh về não (phù não) đặc trưng bởi đau đầu, buồn nôn, co giật, hôn mê, nôn. Các bệnh nhân bị phù não có nguy cơ cao bị tổn thương não nặng, không hồi phục và đe dọa đến tính mạng.
Trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và bệnh nhân có bệnh não (như viêm màng não, xuất huyết nội sọ, tràn dịch não, phù não) có nguy cơ cao bị sưng não nghiêm trọng đe dọa mạng sống do tình trạng hạ natri huyết cấp tính.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Không ảnh hưởng.
Thời kỳ mang thai
Phụ nữ có thai cần thận trọng khi truyền dung dịch Ringer Lactate cho phụ nữ có giai đoạn chuyển dạ nếu dùng kết hợp đồng thời với oxytocin do nguy cơ hạ natri huyết.
Thời kỳ cho con bú
Ringer Lactate có thể được sử dụng an toàn cho phụ nữ cho con bú miễn là cân bằng điện giải và cân bằng dịch được kiểm soát. Lưu ý: Calci đi qua hàng rào nhau thai và phân bổ vào sữa mẹ. Khi pha thêm thuốc khác, tính chất và cách sử dụng thuốc đó trong khi mang thai và cho con bú cần được xem xét riêng rẽ.
Tương tác thuốc
Tương tác với ceftriaxon
Chống chỉ định sử dụng kết hợp đồng thời dịch truyền Ringer Lactate với ceftriaxon ở trẻ sơ sinh thiếu tháng và trẻ sơ sinh đủ tháng (28 ngày tuổi), thậm chí truyền theo hai đường truyền khác nhau (nguy cơ tử vong do kết tủa muối calci-ceftriaxon trong máu trẻ sơ sinh).
Ở bệnh nhân lớn hơn 28 ngày tuổi (bao gồm cả người lớn), không nên truyền đồng thời ceftriaxon với các dung dịch truyền chứa calci, bao gồm Ringer Lactate thậm chí qua các đường truyền khác nhau hoặc truyền tại các vị trí khác nhau.
Tương tác có liên quan đến thành phần natri trong thuốc
Corticoid/steroid và carbenoxolon có liên quan đến việc giữ natri và giữ nước (gây phù và cao huyết áp).
Tương tác có liên quan đến thành phần kali trong thuốc
Thuốc lợi tiểu giữ kali (amiloride, spironolactone, triamterene, dùng đơn lẻ hoặc kết hợp).
Các chất ức chế enzym chuyển hóa angiotensin (ACEI), thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II.
Tacrolimus và Cyclosporin làm tăng nồng độ kali huyết có thể gây tử vong, đặc biệt trong trường hợp suy thận làm tăng khả năng tăng kali huyết.
Tương tác có liên quan đến thành phần Calci trong thuốc
Calci làm tăng hiệu quả của glycosid digitalis và có thể dẫn đến loạn nhịp tim nghiêm trọng hoặc gây tử vong.
Thuốc lợi tiểu thiazid hoặc vitamin D có thể gây tăng calci huyết khi dùng đồng thời với thuốc chứa calci.
Tương tác có liên quan đến thành phần lactat trong thuốc (được chuyển hóa thành bicarbonat)
Độ thanh thải ở thận của các thuốc có tính acid như salicylat, barbiturat và lithi tăng lên do sự kiềm hóa nước tiểu bởi bicarbonat do lactat chuyển hóa thành.
Các thuốc có tính kiềm, kể cả thuốc kích thích thần kinh giao cảm (như ephedrin, pseudoephedrine) và chất kích thích (như dexamphetamin sulfat, phenfluramin hydroclorid) có thời gian bán thải kéo dài (thải trừ chậm).
Các thuốc dưới đây làm tăng hiệu quả của hormon chống bài niệu, dẫn đến làm giảm thải trừ nước không điện giải qua thận và có thể gây tăng nguy cơ hạ natri huyết cấp tính mắc phải ở bệnh viện sau khi dùng liệu pháp cân bằng không thích hợp bằng các dung dịch truyền tĩnh mạch:
- Các thuốc kích thích giải phóng hormon chống bài niệu bao gồm: Clorpropamid, clofibrat, carbamazepin, vincristin, các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, 3,4-methylenedioxy-N-methamphetamine, ifosfamide, thuốc an thần, thuốc gây nghiện.
- Các thuốc kích thích hoạt tính của hormon chống bài niệu: Clorpropamid, NSAIDs, cyclophosphamid.
- Các thuốc tương tự hormon chống bài niệu desmopressin, oxytocin, vasopressin, terlipressin.
- Các thuốc khác cũng làm tăng nguy cơ hạ natri huyết bao gồm thuốc lợi niệu và thuốc chống động kinh như oxcarbazepine.
Tương kỵ của thuốc
Cần đánh giá tính tương thích của các thuốc pha loãng cùng dung dịch Ringer Lactate trước khi pha loãng chúng.
Ceftriaxon: Xem mục “Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc” và mục “Tương tác của thuốc”.
Không trộn lẫn dung dịch Ringer Lactate với các thuốc khác nếu chưa có các nghiên cứu về tính tương thích.
Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc pha loãng cùng. Trước khi pha loãng, cần xác minh độ hòa tan và độ ổn định trong nước ở pH của Ringer Lactate.
Muối calci đã được báo cáo là không tương thích với nhiều loại thuốc. Các phức hợp có thể tạo thành kết tủa.
Như các hướng dẫn, các thuốc sau đây (không giới hạn) không tương thích với dung dịch truyền Ringer Lactate: Amphotericin B, Cortison, Erythromycin lactobionat, Etamivan, Ethyl alcohol, Thiopental natri, Dinatri edetate.
Không nên pha loãng Ringer Lactate với các thuốc không tương thích đã được biết đến.
Bảo Quản
Bảo quản ở nhiệt độ không quá 30°C.
Nguồn Tham Khảo
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Reviews
There are no reviews yet.