Tìm hiểu chung
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là sự kết tụ của các thành phần có trong dịch mật và hình thành nên khối rắn chắc có hình dạng như viên sỏi. Sỏi mật có thể được hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống dẫn mật như túi mật, đường dẫn mật trong gan… Sỏi mật có 2 loại chính: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật (bilirubin). Chúng có kích thước từ nhỏ đến lớn, có người chỉ bị một viên sỏi nhưng cũng có những người có nhiều viên sỏi cùng một lúc. Nếu sỏi mật nhỏ có thể chỉ dùng thuốc làm tiêu sỏi. Nếu sỏi lớn thì người bệnh phải phẫu thuật để lấy sỏi ra và có thể phải cắt bỏ cả túi mật.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của sỏi mật
Sỏi mật có thể không gây ra bất kì triệu chứng nào. Nếu sỏi mật mắc lại ở ống dẫn mật và là nguyên nhân tắc nghẽn ống dẫn thì có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như:
-
Đau đột ngột ở phần trên bên phải của bụng;
-
Đau lưng giữa hai xương vai;
-
Sỏi mật đau có thể kéo dài vài phút đến vài giờ;
-
Vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng.
-
Sốt cao với ớn lạnh.
Biến chứng có thể gặp khi bị sỏi mật
Sự tắc nghẽn kéo dài ở túi mật hay đường ống dẫn mật do sỏi có thể dẫn đến viêm túi mật cấp. Ngoài ra, khi túi mật thủng thì sỏi có thể đi qua chỗ thủng để vào ruột non. Nếu viên sỏi lớn, nó có thể gây tắc ruột gọi là tắc ruột do sỏi và ngăn cản chức năng bình thường của ruột.
Sỏi mật cũng có thể di chuyển từ túi mật vào trong đường mật làm nhiễm trùng đường mật gây sốt cao, lạnh run, đôi khi nhiễm trùng huyết làm đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn khi xuất hiện các triệu chứng trên hoặc khi bạn nghi ngờ mình có nguy cơ bị sỏi mật. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sỏi mật
Cho đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân hình thành sỏi mật. Một số nguyên nhân được cho là gây ra sỏi mật:
-
Mật có chứa quá nhiều cholesterol: Các cholesterol có thể hình thành các tinh thể và cuối cùng thành sỏi đá. Cholesterol trong mật không có liên quan đến các mức độ cholesterol trong máu.
-
Mật có chứa quá nhiều bilirubin: Một số điều kiện khiến cho gan tạo ra nhiều bilirubin, bao gồm cả xơ gan, nhiễm trùng đường mật và các rối loạn máu. Bilirubin quá nhiều dẫn đến hình thành sỏi.
-
Túi mật chứa quá nhiều mật: Nếu túi mật chứa quá nhiều mật dễ khiến cho mật trở nên đậm đặc, tạo điều kiện hình thành sỏi mật.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị sỏi mật?
Sỏi mật có thể xảy ra ở bất cứ ai, đặc biệt là ở nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị sỏi mật, bao gồm:
-
Độ tuổi 60 tuổi trở lên.
-
Thừa cân hoặc béo phì.
-
Đang mang thai.
-
Thường xuyên dùng thực phẩm chứ nhiều chất béo.
-
Ăn ít chất xơ.
-
Có lịch sử gia đình sỏi mật.
-
Có bệnh tiểu đường.
-
Giảm cân quá nhanh.
-
Dùng thuốc hạ cholesterol, thuốc có chứa estrogen như là thuốc điều trị hormone.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sỏi mật
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của bạn, hỏi về tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ để quan sát túi mật, ống dẫn mật và tìm kiếm sỏi.
Xét nghiệm máu để tìm các biến chứng: Xét nghiệm máu có thể tiết lộ bệnh nhiễm trùng, vàng da, viêm tụy hoặc các biến chứng khác do sỏi mật.
Phương pháp điều trị sỏi mật hiệu quả
Sỏi mật có kích thước nhỏ thì không cần trực tiếp lấy ra. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để điều trị cho bạn.
Các loại thuốc có thể được sử dụng:
-
Thuốc giảm đau: Sỏi có thể gây co thắt đường dẫn mật và túi mật nên bác sĩ có thể kê các thuốc chống co thắt cơ trơn để giảm đau cho bạn.
-
Thuốc làm tan sỏi: Nếu kích thước sỏi được xác định là không quá lớn, bác sĩ sẽ không trực tiếp lấy ra mà sẽ cho bạn dùng thuốc làm tan sỏi.
-
Thuốc chữa biến chứng: Sỏi có thể gây ra nhiều biến chứng, vì vậy bạn có thể được dùng thuốc kháng khuẩn và thuốc lợi mật để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Nếu viên sỏi lớn, số lượng nhiều hoặc gây biến chứng, việc phẫu thuật là cần thiết. Phương pháp thường dùng hiện nay là phẫu thuật noi soi để loại bỏ túi mật hoặc cắt bỏ túi mật, vì sỏi mật thường xuyên tái phát.
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sỏi mật
Chế độ sinh hoạt:
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Luyện tập thể dục đều đặn.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
Để phòng ngừa sỏi mật cũng như hạn chế sự tái phát sỏi mật, điều quan trọng nhất là vấn đề dinh dưỡng. Bạn nên chú ý đến những điều sau:
-
Hạn chế các loại thực phẩm dầu mỡ, nhiều cholesterol xấu. Thay vào đó có thể dùng thực phẩm chứa chất béo dễ tiêu.
-
Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu đạm, đường bột và chất xơ.
-
Cung cấp nhiều vitamin nhóm B và C cho cơ thể.
-
Hạn chế dùng thức uống chứa cồn, cà phê, trà.
-
Đảm bảo ăn 3 bữa/1 ngày và không được nhịn ăn sáng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.