Tìm hiểu chung
Sỏi ống mật chủ là gì?
Sỏi ống mật chủ hay còn gọi là sỏi đường mật, là tình trạng có sỏi trong ống mật chủ; có thể có một hoặc nhiều viên sỏi.
Ống mật chủ là ống dẫn dịch mật trực tiếp từ gan hay từ túi mật xuống ống tiêu hóa để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và chất béo. Do vậy, nó rất quan trọng trong việc lưu thông dịch mật. Nếu xuất hiện sỏi ở ống mật chủ sẽ làm giảm dịch mật xuống ruột non, gây đầy chướng, chậm tiêu. Kích thước sỏi lớn sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng như viêm đường mật, viêm tụy cấp…
Sỏi được hình thành từ sắc tố mật hoặc canxi, muối mật, cholesterol. Triệu chứng phổ biến của sỏi ống mật chủ là vàng da, sốt, đau hạ sườn phải, nôn, ngứa. Phẫu thuật nội soi thường là cách dùng để loại bỏ sỏi ra khỏi túi mật và ống mật chủ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của sỏi ống mật chủ
Đa số bệnh sỏi mật thường xuất hiện những triệu chứng hết sức mơ hồ. Tuy nhiên khi đường mật bị tắc nghẽn thì sẽ xuất hiện những triệu chứng điển hình như:
-
Đau hạ sườn phải: Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội và kéo dài, có thể sau ăn 1 – 2h hoặc xảy ra tại bất kì thời điểm nào trong ngày. Đau lan lên ngực hoặc ra sau lưng.
-
Sốt: Dịch mật ứ trệ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Vi khuẩn tiết ra nội độc tố gây sốt cao 39 – 40°C, run lạnh, vã mồ hôi. Triệu chứng sốt thường xuất hiện sau 2 – 3h xảy ra các cơn đau quặn.
-
Vàng da: Là triệu chứng xảy ra muộn nhất. Dịch mật bị tắc nghẽn và ứ đọng ở gan, bilirubin (sắc tố mật) trong dịch mật không xuống được ruột sẽ ngấm ngược lại vào máu gây vàng da, vàng niêm mạc và nước tiểu vàng sẫm; trong khi phân thường có màu trắng bạc.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: Nôn, buồn nôn, ngứa do nhiễm độc muối mật, chậm tiêu, chướng bụng, ăn không ngon miệng
Biến chứng có thể gặp khi bị sỏi ống mật chủ
Sỏi mật nếu không điều trị kịp thời có thể gây tắc nghẽn đường mật dẫn đến nhiễm trùng và sinh ra các biến chứng như:
-
Viêm đường mật, viêm túi mật.
-
Rối loạn đông máu và chảy máu đường mật.
-
Viêm mủ đường mật.
-
Áp-xe gan, áp-xe đường mật.
-
Sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết.
-
Hội chứng gan thận.
-
Viêm tụy cấp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn xuất hiện các triệu chứng trên. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sỏi ống mật chủ
Nhiễm khuẩn, nhiễm kí sinh trùng chính là nguyên nhân chính dẫn đến sỏi ống mật chủ. Vi khuẩn gây tổn thương thành đường mật khiến các tế bào viêm loét bong vào dịch mật, đồng thời làm kết tủa một số thành phần của dịch mật (sắc tố mật, muối mật) và tạo thành các viên sỏi.
Sự tích tụ quá nhiều cholesterol hoặc chất bilirubin mật hay số lượng muối mật không đủ cũng là nguyên nhân hình thành sỏi ống mật chủ.
Ngoài ra còn có trường hợp giun chui lên ống mật mang theo trứng hoặc xác giun ở trong ống mât sẽ là nhân sỏi cho sắc tố mật lắng đọng bám vào, phát triển dần thành sỏi ống mậtchủ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị sỏi ống mật chủ?
Sỏi ống mật chủ là bệnh rất phổ biến và ai cũng có nguy cơ mắc phải. Trong đó, nguy cơ nữ giới mắc bệnh là cao hơn so với nam giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi ống mật chủ, bao gồm:
-
Có tiền sử bị sỏi mật, bệnh túi mật.
-
Phụ nữ có thai hoặc thời kì tiền mãn kinh, người bệnh đái tháo đường, béo phì.
-
Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh sỏi ống mật chủ,.đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sỏi ống mật chủ
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của người bệnh, khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra xem bạn có mắc bệnh sỏi đường mật hay không. Các xét nghiệm có thể là:
-
Siêu âm, nội soi: Có thể thấy được đặc điểm của sỏi đường mật. Phương pháp này đạt hiệu quả cao, dễ thực hiện và không gây tai biến.
-
Xét nghiệm sinh hóa máu: Các chỉ số như bạch cầu, bạch cầu đa nhân, bilirubin máu, phosphatase kiềm, ure máu, men gan sẽ tăng cao trong trường hợp sỏi gây tắc nghẽn đường mật.
-
Xét nghiệm nước tiểu: Nồng độ sắc tố mật và muối mật tăng cao. Do dịch mật bị ứ trệ tại gan, muối mật đi vào máu và được đào thải qua nước tiểu.
-
Chụp cộng hưởng từ: Cho thấy rất chi tiết hình ảnh của ống mật, gan, túi mật, tuyến tụy với độ chính xác 95 % và độ đặc hiệu 83%, đặc biệt hiệu quả trong chẩn đoán sỏi ống mật. Tuy nhiên chi phí còn khá cao nên ít được ứng dụng thực tế hơn so với các phương pháp trên.
-
CT scan: Xác định chính xác hình dạng, kích thước của viên sỏi và khảo sát đường mật trong, ngoài gan. Đồng thời còn có thể chẩn đoán phân biệt với một số nguyên nhân gây tắc đường mật ngoài gan như u đầu tụy, u tá tràng… và phát hiện sớm áp-xe gan nếu có.
Phương pháp điều trị sỏi ống mật chủ hiệu quả
Một số phương pháp điều trị bao gồm:
-
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật và loại bỏ sỏi.
-
Thủ thuật mở cơ thắt: Phẫu thuật cắt các cơ trong ống mật chủ để sỏi thoát ra ngoài hoặc loại bỏ sỏi.
-
Dùng kháng sinh để tránh nhiễm trùng.
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sỏi ống mật chủ
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng tránh bệnh sỏi mật bạn nên:
-
Thực hiện chế độ ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng.
-
Tẩy giun định kỳ.
-
Thường xuyên vận động, nâng cao sức đề kháng và giữ cân nặng ở mức hợp lý, không để béo phì.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.