Tìm hiểu chung
Sởi là bệnh gì?
Sởi là một bệnh virus rất dễ gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh do virus sởi thuộc nhóm Paramyxoviridae gây ra và lây nhiễm qua con đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Đặc trưng của sởi là những nốt phát ban xuất hiện từ 7 – 14 ngày sau khi bị nhiễm virus. Phát ban sẽ kéo dài khoảng 4 – 10 ngày. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em vì có thể gây biến chứng và tử vong. Nhưng hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa sởi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi mắc sởi
Thời gian ủ bệnh thường là từ 1 đến 2 tuần sau khi bị nhiễm virus sởi. Trong thời gian này người bị nhiễm virus sẽ không xuất hiện triệu chứng nào. Sau đó, các triệu chứng đầu tiên sẽ dần xuất hiện như
-
Sốt cao;
-
Mệt mỏi;
-
Chán ăn;
-
Viêm kết mạc mắt;
-
Sợ ánh sáng;
-
Chảy nước mũi;
-
Hắt hơi;
-
Ho khan;
-
Trong miệng và cổ họng có những đốm ban xám trắng (đốm Koplik). Các hạt này thường xuất hiện và mất đi trong 12 – 24 giờ.
Phát ban là giai đoạn điển hình nhất của bệnh sởi. ban đỏ thường xuất hiện sau các triệu chứng vừa kể trên. Ban đầu ban đỏ xuất hiện ở trán, tai, vùng mặt, rồi lan dần ra toàn cơ thể và thường sẽ thuyên giảm sau khoảng 3 – 7 ngày mắc bệnh. Người bệnh sau khi mắc bệnh sởi sẽ có miễn dịch suốt đời với virus gây sởi.
Biến chứng có thể gặp khi mắc sởi
Bệnh sởi là bệnh lây nhiễm cao nhưng ít gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, biến chứng mà bệnh sởi mang lại dễ để lại nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác do virus sởi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc và hệ thống miễn dịch.
Một số biến chứng của bệnh sởi:
-
Bội nhiễm: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa.
-
Thần kinh: Viêm não sau sởi .
-
Suy dinh dưỡng do mệt mỏi, ăn uống kiêng khem.
-
Loét miệng: Các vết loét ở trong miệng, môi lưỡi; vết loét có màu đỏ, được phủ một lớp trắng rất đau. Vết loét có thể sâu, rộng làm cho trẻ ăn khó khăn.
-
Chảy mủ mắt.
-
Mờ giác mạc: Đây là dấu hiệu nguy hiểm có thể do thiếu vitamin A.
-
Là tiền đề cho thể lao tiềm ẩn bùng phát do làm suy giảm miễn dịch.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng như sốt trên 380, đỏ mặt kèm ho khan, chảy nước mũi, phát ban… thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị. Nhất là đối với phụ nữ có thai vì sởi có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sởi
Bệnh sởi do một loại virus thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người nhiễm virus ho, nói chuyện, hắt hơi, virus sẽ theo dịch tiết của người bệnh bay vào không khí. Người hít phải không khí hoặc các vật dụng có chứa mầm bệnh đều có thể bị nhiễm bệnh.
Virus sởi có thể tồn tại ngoài môi trường trong hơn 1 giờ đồng hồ. Một khi virus sởi xâm nhập cơ thể bệnh nhân, chúng thường kí sinh vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi, tiếp đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?
Thông thường người không có kháng thể với bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Cụ thể là:
-
Trẻ em không được tiêm vắc-xin phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, kể cả tử vong.
-
Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng sẽ rất dễ truyền bệnh sang cho thai nhi.
-
Người chưa từng mắc bệnh sởi, chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch đều có thể mắc bệnh sởi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sởi, bao gồm:
-
Phụ nữ dễ bị nhiễm bệnh hơn nam giới.
-
Trẻ em thường bị nặng hơn người lớn.
-
Sống trong môi trường khép kín như trại lính, trường học.
-
Du lịch đến vùng có dịch bệnh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sởi
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách dựa vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, khám lâm sàng và điều tra tiền sử tiếp xúc với người bệnh sởi. Việc phát hiện người bệnh xuất hiện nội ban và ngoại ban chính là yếu tố then chốt để xác định bệnh sởi.
Trong một số trường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc bệnh phẩm ngoáy mũi họng để phát hiện bạn có bị sởi hay không.
Phương pháp điều trị bệnh sởi hiệu quả
Hiện nay bệnh sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, mọi phương pháp điều trị đều chủ yếu là điều trị các triệu chứng, hạn chế biến chứng và phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng.
Điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh sởi là người bệnh cần phải được nghỉ ngơi và cách ly cho đến khi các triệu chứng đã biến mất. Tốt nhất người bệnh nên được điều trị tại bệnh viện để tiến hành cách ly và kịp thời phát hiện phát hiện các biến chứng.
Với tình trạng sốt, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng paracetamol. Tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứ aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi vì có thể gây nên hội chứng reye. Và người bệnh cũng không được sử dụng thuốc kháng sinh trừ khi có biểu hiện về bội nhiễm vi khuẩn.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sởi
-
Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước.
-
Theo dõi nhiệt độ hằng ngày.
-
Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 0.9% để tránh nhiễm khuẩn.
-
Tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét.
-
Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể. Nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa và bổ sung vitamin A.
-
Nên nằm phòng riêng (thoáng, sáng, tránh gió lùa).
-
Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Hiện này bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết. Các biện pháp phòng ngừa bệnh:
-
Tiêm vắc-xin ngừa sởi là biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả nhất.
-
Tuyên truyền giáo dục về bệnh sởi.
-
Người được phát hiện nhiễm virus sởi nên được cách ly ở bệnh viện từ ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh cho đến ngày thứ 5 sau khi cơ thể phát ban vì đây là thời kì bệnh lây lan mạnh mẽ nhất.
-
Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
-
Không nên sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bị bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.