Tìm hiểu chung
Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn mang theo virus Dengue lây truyền bệnh cho người. Thời điểm mùa mưa kéo dài và những khu vực vệ sinh kém, nhiều ao tù, nước đọng chính là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển. Chúng đi hút máu người và lây nhiễm rộng rãi virus Dengue. Bệnh hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Trong trường hợp nhẹ và có phương pháp chăm sóc đúng cách tại nhà, bệnh có thể khỏi sau một tuần.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết khi phát bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình và không để lại biến chứng. Bệnh có thể kéo dài từ 1 – 2 tuần với các biểu hiện triệu chứng sau:
-
Sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39 – 40 độ C, sốt kéo dài 2 – 7 ngày;
-
Sốt kèm các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải;
-
Đau cơ và các khớp;
-
Buồn nôn hoặc nôn;
-
Gan to: hay gặp ở trẻ em hơn người lớn;
-
Da xung huyết hoặc có phát ban;
-
Trong trường hợp nặng có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và dẫn đến tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Do mức độ nghiêm trọng của bệnh, khi bạn có dấu hiệu sốt cao 39 – 40 độ C sang ngày thứ 2 – 3 mà không rõ nguyên nhân thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết
Muỗi vằn là nguyên nhân truyền bệnh sốt xuất huyết. Loài muỗi truyền bệnh có tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus. Chúng mang theo virus Dengue truyền vào máu người bị đốt. Virus này hiện có 4 loại là Den-1, Den-2, Den-3, Den-4.
Loài muỗi phổ biến truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes aegypti, chúng chủ yếu hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Virus Dengue trong cơ thể muỗi sẽ ủ bệnh trong khoảng 8 – 11 ngày. Đây là thời điểm dễ lây truyền virus nhất. Khi virus xâm nhập cơ thể người qua vết muỗi đốt, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 – 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu muỗi hút máu thì virus được truyền ngược sang cho muỗi và muỗi trở thành vật trung gian truyền bệnh cho những người khác. Người là ổ chứa virus chính.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ sốt xuất huyết ?
Bất cứ ai cũng khả năng bị lây nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh dễ lây nhiễm ở khu vực vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là vào mùa mưa, là thời điểm sinh sôi của muỗi. Trước đây, sốt xuất huyết chỉ thường xảy ra ở trẻ em, nhưng hiện nay tỉ lệ mắc bệnh ở người lớn cũng rất cao và không ít trường hợp đã tử vong vì căn bệnh này.
Với những người đã từng bị sốt xuất huyết, cơ thể sẽ được miễn dịch để chống lại loại virus gây bệnh, nhưng điều này chỉ có nghĩa là bạn chỉ có thể kháng lại loại virus đã từng gây bệnh. Trong khi virus gây sốt xuất huyết có đến 4 loại. Vì vậy không thể loại trừ trường hợp bạn bị 3 loại virus còn lại tấn công trong những lần tiếp theo.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, bao gồm:
-
Sống trong khi vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.
-
Du lịch tới vùng đang có dịch sốt xuất huyết.
-
Trẻ em dưới 12 tuổi.
-
Có hệ miễn dịch yếu.
-
Nếu trước đây đã từng bị sốt xuất huyết, khi nhiễm lại các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết
Bác sĩ chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết thông qua khám lâm sàng, quan sát các triệu chứng của bạn, hỏi về khu vực sống của bạn xem có nhiều muỗi hoặc đang có dịch sốt xuất huyết hay không. Nếu bạn có đi du lịch trước đó, cũng hãy nói với bác sĩ về nơi bạn đến và bạn có bị muỗi đốt hay không.
Để xác định mức độ nheiemx bệnh, bác sĩ có thể tiến hành thêm một số xét nghiệm như:
-
Xét nghiệm ELISA: Tìm kháng thể IgM và IgG, nên lấy máu từ ngày thứ 5 kể từ khi sốt.
-
Điện giải đồ.
-
Khí máu.
-
Chức năng đông máu.
-
Men gan.
-
X-quang phổi (nhằm phát hiện biến chứng tràn dịch phổi).
Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Bệnh hiện nay chưa có thuốc đặc trị và thường khi điều trị sẽ phân ra hai nhóm với những cách chữa trị riêng biệt:
Với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà:
-
Bù nước, hạ sốt bằng cách cho người bệnh uống nước ấm hay các loại nước điện giải.
-
Uống các loại nước có chứa vitamin C như cam, chanh, bưởi.
-
Ăn các loại đồ ăn dễ tiêu như cháo loãng, sữa.
-
Cần theo dõi nhiệt độ của bệnh nhân, nếu người bệnh sốt cao cần chườm nước ấm và uống paracetamol để hạ sốt.
Người nhà tuyệt đối không dùng các thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium cho người bệnh sử dụng nếu không có sự phê duyệt của bác sĩ vì có thể dẫn đến biến chứng chảy máu. Trong tình trạng nhẹ, bệnh thường khỏi sau khoảng 2 tuần tự điều trị.
Với những bệnh nhân có các triệu chứng trở nên nặng hơn như xuất huyết, bị sốc thì cần phải nhập viện để được điều trị chuyên sâu.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết
-
Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
-
Thăm khám đúng lịch hẹn để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa sốt xuất huyết:
-
Tham gia tuyên truyền giáo dục về bệnh sốt xuất huyết.
-
Phát quang bụi rậm, vệ sinh công cộng khu vực đang sống.
-
Không để ao tù nước đọng xung quanh nhà ở.
-
Diệt bọ gậy, lăng quăng bằng cách thả cá vàng, cá bảy màu vào các lu vại chứa nước.
-
Dùng thuốc xịt muỗi,côn trùng để ngăn ngừa muỗi.
-
Khi ngủ cần mắc màn kể cả ban ngày.
-
Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.
Bạn hãy nhớ rằng, không có muỗi – không có sốt xuất huyết. Đây là bệnh có khả năng bùng phát thành dịch và gây tử vong cao. Vì vậy mọi người cần chung tay làm sạch môi trường sống xung quanh. Việc này không chỉ bảo vệ chính mình mà còn bảo vệ mọi người khỏi dịch bệnh sốt xuất huyết.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.