Tìm hiểu chung

Suy giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có chức năng tiết ra hormone (thyroxine hoặc T4 và triiodothyronine hoặc T3) điều khiển sự trao đổi chất bên trong cơ thể, điều chỉnh lượng canxi trong máu, điều khiển quá trình hoạt động của hệ thần kinh, tim mạch và nhiệt độ cơ thể.

Suy giảm chức năng tuyến giáp hay còn gọi là bệnh suy giáp là một dạng rối loạn chức năng tuyến giáp, lượng hormone sản xuất ra không đủ đáp ứng cho các hoạt động của cơ thể.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp

Bệnh suy giáp nhẹ:

Đây là một bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi nên các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng tuổi già, không có một dấu hiệu nào rõ ràng. Có thể nhận biết suy giáp nhẹ thông qua các triệu chứng sau:

  • Cơ thể thường mệt mỏi, trí nhớ kém, ăn không ngon nhưng vẫn tăng cân;

  • Đau nhức các khớp xương, cơ tại các vùng trên cơ thể;

  • Hệ tiêu hóa: Thường xuyên bị táo bón;

  • Hệ tim mạch: Nhịp tim thay đổi bất thường, gây cảm giác khó thở, thở gấp;

  • Tích nước vùng mắt;

  • Nữ giới: Gặp vấn đề trong chu kỳ kinh nguyệt;

  • Tình dục: Mất cảm giác hứng thú ở cả nam và nữ giới.

Bệnh suy giáp nặng:

  • Da trở nên sậm màu hơn, xù xì thô ráp do lớp sừng trên da phát triển;

  • Tay, chân, mặt bị phù nề;

  • Lưỡi phình to bất thường (hay còn gọi là chứng lưỡi lớn).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy giáp

  • Bướu cổ: Liên tục kích thích tuyến giáp có thể khiến phát triển bướu cổ và gây chứng khó nuốt, khó thở.

  • Vấn đề về tim: Có thể làm tăng mức cholesterol, giảm khả năng bơm máu của tim gây giãn tim; suy tim.

  • Vấn đề về tâm thần: Làm chậm chức năng tâm thần; bệnh trầm cảm.

  • Phù niêm (hiếm gặp).

  • Thần kinh ngoại biên.

  • Vô sinh: Hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở rụng trứng, hạn chế khả năng sinh sản hoặc vô sinh.

  • Dị tật bẩm sinh: Trẻ em khi mắc bệnh suy giáp không được điều trị kịp thời sẽ bị dị tật suốt đời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu nhận thấy bất kì triệu chứng nào bất thường xảy ra hãy đến ngay bệnh viện để làm các thủ tục kiểm tra, từ đó các bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh, kết quả xét nghiệm mà chẩn đoán chính xác.

Đối với những ai đã từng phẫu thuật tuyến giáp, phóng xạ hoặc xạ trị các vùng cận tuyến giáp nên thăm khám thường xuyên để các bác sĩ theo dõi sức khỏe; không để xảy ra các bệnh lý nào liên quan.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến suy giáp

Hormone do tuyến giáp sản xuất có tác động rất lớn đối với việc trao đổi chất. Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để cân bằng các phản ứng hóa học bên trong cơ thể. Một số yếu tố gây nên tình trạng này là:

  • Bẩm sinh.

  • Mang thai.

  • Ảnh hưởng do tác dụng phụ của một số thuốc: amiodarone và lithium.

  • Rối loạn cơ thể, sinh ra kháng thể tấn công tuyến giáp.

  • Trải qua quá trình điều trị tuyến giáp, phẫu thuật tuyến giáp hoặc từng xạ trị các bệnh lý khác.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc suy giáp?

Bệnh suy giáp có thể xảy ra ở cả hai giới, bất kỳ lứa tuổi nào chứ không riêng gì người cao tuổi; ở người cao tuổi thì phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy giáp, bao gồm:

  • Nữ giới ngoài 60 tuổi.

  • Người bị thiếu i-ốt.

  • Người đã mang thai, sinh con trong khoảng 6 tháng.

  • Mắc rối loạn tự miễn hoặc trong gia đình có người thân cũng mắc rối loạn tự miễn.

  • Đã từng phẫu thuật tuyến giáp; xạ trị hoặc thực hiện các bức xạ vùng cổ và ngực.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy giáp

Chẩn đoán được dựa trên những dấu hiệu bên ngoài kèm theo xét nghiệm máu để kiểm tra lượng TSH và mức hormone tuyến giáp thyroxine. Trong đó, mức thyroxine thấp và TSH cao là dấu hiệu của suy giáp; vì tuyến yên sản xuất ra nhiều TSH để kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp nhiều hơn.

Dựa trên kết quả các xét nghiệm phối hợp với khám tổng quát, điều tra tiền sử bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất.

Nhằm tăng tính chính xác về thông tin bệnh lý, các bệnh nhân có thể còn thực hiện các cuộc siêu âm, scan tuyến giáp và được hướng dẫn điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

Phương pháp điều trị suy giáp hiệu quả

Sử dụng thuốc: Thuốc được dùng như cách thay thể các loại hormone thiếu trong cơ thể; về những loại thuốc, liều dùng sẽ tùy thuộc vào bệnh tình của từng bệnh nhân.

Điều quan trọng các bệnh nhân cần phải nhớ: Thuốc nên được sử dụng mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng thay thế hormone, dùng đúng liều để không phải chịu các tác dụng phụ, các biến chứng; xét nghiệm máu thường xuyên là cách kiểm tra lượng hormone trong cơ thể có ổn định hay không.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy giáp

  • Thường mắc ở phụ nữ lớn tuổi, vì thế phụ nữ cần xét nghiệm sàng lọc mỗi năm để tầm soát. Phụ nữ mang thai cũng được khuyên kiểm tra tuyến giáp.

  • Thăm khám đúng lịch hẹn để quá trình theo dõi diễn ra liên tục, đảm bảo sức khỏe không có vấn đề gì.

  • Lắng nghe và làm theo những hướng dẫn và chỉ định của các bác sĩ.

  • Tuyệt đối không tự ý uống thuốc không có trong chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc uống không đều ngày.

  • Không tự ngưng uống thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ vì bệnh này cần dùng thuốc suốt đời.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *