Tìm hiểu chung
Suy hô hấp mạn tính là gì?
Suy hô hấp mạn tính là một loại của suy hô hấp. Đây là tình trạng bệnh lý phát triển dần dần theo thời gian và đòi hỏi phải điều trị lâu dài.
Suy hô hấp mạn tính xảy ra khi các ống dẫn khí vào phổi bị thu hẹp và chịu tổn thương nào đó, làm cản trở sự vận chuyển không khí trong cơ thể, có nghĩa là sẽ có ít oxy được hít vào và ít carbon dioxide được thở ra hơn bình thường.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy hô hấp mạn tính
Lúc đầu các dấu hiệu và triệu chứng của suy hô hấp mạn tính thường không rõ ràng. Chúng xảy ra thường xuyên và âm thầm trong một thời gian dài. Sau một thời gian, các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng hơn và có thể bao gồm:
-
Khó thở hay thở gấp, đặc biệt khi vận động;
-
Ho khạc đờm, khò khè;
-
Da, môi hoặc móng tay màu xanh nhạt;
-
Thở nhanh;
-
Mệt mỏi;
-
Lo lắng;
-
Lẫn lộn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp mạn tính
Nguyên nhân gây ra bệnh suy hô hấp mạn tính chủ yếu là bệnh phổi. Ngoài ra, các bệnh ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của cơ, xương hoặc các mô hỗ trợ cho hệ hô hấp cũng có thể gây ra bệnh suy hô hấp mạn tính.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải suy hô hấp mạn tính?
Bệnh ảnh hưởng đến mọi độ tuổi, tuy nhiên nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
-
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);
-
Viêm phổi;
-
Bệnh xơ nang;
-
Chấn thương tủy sống;
-
Đột quỵ;
-
Loạn dưỡng cơ;
-
Tổn thương ngực;
-
Lạm dụng thuốc hoặc rượu;
-
Hút thuốc lá.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy hô hấp mạn tính
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào việc khám lâm sàng, điều tra bệnh sử và tiến hành các xét nghiệm:
-
Khí máu động mạch: Đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu.
-
Đo nồng độ oxy: Xem xét nồng độ oxy trong máu được đưa đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể bằng xét nghiệm đo nồng độ oxy.
-
Xét nghiệm hình ảnh như X-quang, CT Scan giúp quan sát phổi, những tổn thương ở phổi cũng như xác định nguyên nhân gây suy hô hấp mạn tính.
Phương pháp điều trị suy hô hấp mạn tính hiệu quả
Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị khác nhau. Các phương án điều trị bao gồm:
-
Liệu pháp oxy: Giúp tăng nồng độ oxy bằng cách tăng cường lượng oxy bạn hít vào.
-
Mở khí quản: Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đặt một ống dẫn vào khí quản của bạn để bạn có thể thở dễ dàng hơn.
-
Thông khí cơ học: Nếu các phương pháp khác không có hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng máy thở, đảm nhiệm thay bạn công việc hít thở. Khi đặt máy, bạn sẽ không phải tự thở nữa.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Một số lưu ý sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa tiến triển của bệnh, cũng như phòng ngừa căn bệnh này:
-
Ngưng hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động.
-
Ăn một chế độ ăn uống thích hợp đầy đủ các loại trái cây, rau quả.
-
Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.