Tìm hiểu chung
Suy nhược thần kinh là bệnh gì?
Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não và một số trung khu dưới vỏ do tế bào não quá căng thẳng. Đây là bệnh lý rối loạn thần kinh phổ biến trong xã hội hiện đại do nhiều áp lực trong cuộc sống.
Bệnh gây mệt mỏi kéo dài cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân không thể tự chữa lành như mệt mỏi bình thường sẽ thuyên giảm sau một đêm ngủ đủ giấc. Mệt mỏi do suy nhược thần kinh gây ra khiến người bệnh cảm thấy càng ngủ càng suy yếu, không thể phục hồi được thể lực.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy nhược thần kinh
- Bệnh nhân dễ bị kích thích, thậm chí là bởi một tiếng động nào đó;
- Nhức đầu âm ỉ, tăng lên khi xúc động, mệt mỏi;
- Mất ngủ, thường ngủ không sâu, hay nằm mộng, thường dễ tỉnh giấc nhưng rất khó ngủ lại;
- Cơ thể và thần kinh ảnh hưởng: Đau cột sống, mỏi cổ, thắt lưng, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt;
- Mạch bất ổn định, huyết áp dao động;
- Rối loạn cảm xúc, thường hồi hộp lo lắng và dễ bị kích động, cáu gắt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn cảm thấy: dễ bị kích thích, hay mệt mỏi và đau đầu âm ỉ, rối loạn giấc ngủ và mất tập trung trong công việc, thường thấy lo âu, sợ hãi hay thậm chí là trầm cảm kéo dài thì nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và xác định nguyên nhân để khắc phục. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến suy nhược thần kinh
Bệnh mắc phải bắt nguồn từ những tổn thương tâm lý kéo dài do:
- Stress: Do căng thẳng cảm xúc kéo dài dẫn đến suy nhược thần kinh.
- Nhân cách: Luôn thận trọng, hay kiểm điểm bản thân, lo xa quá nhiều.
- Môi trường: Là yếu tố tác động đến tâm lý, thường là môi trường làm việc căng thẳng, tiếng ồn, lao động quá sức.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị suy nhược thần kinh?
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh nhân thường thấy ở độ tuổi lao động từ 18 – 45.
Tỷ lệ mắc bệnh ở nam chiếm nhiều hơn nữ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ suy nhược thần kinh, bao gồm:
- Người lao động trí óc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lao động chân tay.
- Người thành thị có nguy cơ cao hơn ở nông thôn.
- Người bị các bệnh viêm nhiễm như viêm loét dạ dày, viêm xoang, viêm túi mật.
- Người nghiện rượu.
- Cơ thể thiếu dinh dưỡng.
- Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, không ngủ đủ giấc.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh suy nhược thần kinh
Các bác sĩ sẽ kết luận bệnh dựa trên:
- Người bệnh có ít nhất một trong các triệu chứng: Cảm giác đau mỏi cơ, chóng mặt, đau căng đầu, rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, tính tình cáu kỉnh.
- Các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng, dù nghỉ ngơi thư giãn cũng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Phương pháp điều trị suy nhược thần kinh hiệu quả
Giải quyết và loại trừ căn nguyên tâm lý:
- Tâm lý thư giãn luyện tập dựa trên cơ chế tự kỷ ám thị.
- Thể dục liệu pháp.
- Đặt viên từ trên các huyệt loa tai.
- Dùng dòng điện xoay chiều và kích thích điện tần số thấp qua da.
Những loại thuốc dùng trong điều trị suy nhược thần kinh:
- Tăng cường tuần hoàn máu não và dinh dưỡng cho não: tanakan; arcalion.
- Giúp an thần và làm xoa dịu tinh thần của người bệnh: seduxen 5mg X; tranxene 5mg.
- Thuốc giảm đau: analgin 0.5; efferalgan codein.
- Các loại vitamin nhóm B.
Một số phương pháp đông y có thể kết hợp như châm cứu, xoa bóp thư giãn.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh suy nhược thần kinh
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Lạc quan và sống tích cực chính là yếu tố quan trọng giúp bạn nhanh chóng hồi phục. Bạn có thể nói chuyện với những người bạn tin cậy về những khó khăn hoặc lo lắng của bạn.
- Đừng tự cô lập bản thân, thay vào đó là sống chan hòa với mọi người.
- Tập thể dục giúp bạn không nghĩ ngợi nhiều và tạo tinh thần sảng khoái.
- Đọc sách, nghe nhạc, nuôi thú cúng, du lịch, viết nhật kí,… hay làm tất cả những điều bạn muốn để quên đi những mối lo.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn nhiều thực phẩm chống oxy hóa có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi,…Chúng sẽ làm cơ thể bạn nhẹ nhàng hơn; đặc biệt là bí đỏ rất tốt để giảm lo âu, trầm uất.
- Bổ sung magie và selen có trong các loại đậu, hải sản, yến mạch… giúp giảm mệt mỏi, suy nhược thần kinh.
- Bổ sung các vitamin nhóm B, omega-3.
- Hạn chế dùng thực phẩm chứa caffein vì chúng có thể khiến bạn lo âu và mất ngủ nặng hơn.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Ăn uống đầy đủ và khoa học.
- Ngủ đủ giấc và đúng giờ.
- Thường xuyên giải trí và vận động.
- Không làm việc quá sức, tránh áp lực tinh thần.
- Lên kế hoạch cho tương lai. Việc này giúp bạn có những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, điều quan trọng là bạn sẽ chuẩn bị tinh thần để đón nhận những việc không như ý.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.