Tìm hiểu chung
Tắc mật là gì?
Tắc mật (tắc nghẽn đường mật) là tình trạng đường ống dẫn mật trong và ngoài gan bị tắc nghẽn. Nếu mật không thể lưu thông trong thời gian dài có thể làm mật ngấm vào máu sẽ làm tổn thương gan và chức năng tiêu hóa; nặng hơn nữa có thể tăng nguy cơ tử vong.
Triệu chứng của tắc mật là vàng da, nước tiểu vàng, đau bụng đi phân lỏng, sốt, ngứa. Nguyên nhân phổ biến gây tắc mật là do đường ống dẫn mật bị hẹp hơn so với bình thường. Điều trị tắc mật phải dựa vào nguyên nhân gây tắc nghẽn và thường là dùng phương pháp phẫu thuật loại bỏ đường ống dẫn mật bị ảnh hưởng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc mật
Mật là sản phẩm bài tiết của các chất được tạo ra từ tế bào gan, có màu vàng trong suốt, ba gồm muối mật, sắc tố mật (bilirubin), cholesterol và một số chất khác. Dịch mật được chứa trong túi mật, nằm ở mặt dưới thùy gan phải. Khi có sự kích thích tiết mật để tiêu hóa thức ăn, dịch mật sẽ được tiết ra và theo đường ống dẫn mật chảy xuống ruột để tham gia vào quá trình tiêu hóa.
-
Muối mật: Khi đưa xuống đường ruột có khoảng 90% sẽ theo tĩnh mạch trở về gan, và tái bài tiết xuống mật. Số muối mật còn lại sẽ thực hiện chức năng phân hủy chất béo và hấp thu các vitamin trong chất béo.
-
Sắc tố mật (bilirubin): Khi hemoglobin (sắc tố của tế bào hồng cầu) phân hủy và chết đi sẽ chuyển hóa thành bilirubin phân tán trong máu. Bilirubin được loại bỏ ra khỏi máu nhờ gan. Lượng bilirubin do gan lọc được sẽ bài tiết xuống mật và từ mật sẽ xuống đường ruột. Một phần bilirubin theo phân ra ngoài làm cho phân có màu vàng; một phần khác sẽ từ ruột non ngấm trở lại vào máu, thải qua nước tiểu nên cũng làm cho nước tiểu có màu vàng.
Khi bị tắc đường mật, mật không thể thực hiện nhiệm vụ của mình có thể gây ra các triệu chứng như:
-
Đầy bụng, đau bụng đi phân lỏng: Muối mật không thể đến ruột và không thể loại bỏ chất béo nên có thể đi ra phân chứa mỡ.
-
Đau bụng tại vùng gan.
-
Vàng da, nước tiểu vàng sẫm: Mật ứ đọng thấm ngược lại vào máu gây vàng da, nước tiêu vàng.
-
Phân màu trắng bạc: Do mật không xuống được ruột.
-
Sốt : Xuất hiện đồng thời hay sau đau vài giờ, sốt cao 38 – 39 độ C kèm theo rét run, từng cơn.
Biến chứng có thể gặp khi bị tắc mật
Người bị bệnh tắc mật có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi dòng chảy trong ống mật bị chậm lại có thể khiến áp lực tại một điểm trong ống mật tăng lên, gây nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng và khiến gan ngừng bài tiết mật, thậm chí tử vong. Ngoài ra còn có các biến chứng khác như:
-
Xơ gan(sẹo gan).
-
Rối loạn đông máu.
-
Tiêu hóa kém.
-
Suy gan.
-
Hội chứng kém hấp thu (rối loạn gây cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn).
-
Ung thư di căn.
-
Nhiễm trùng huyết.
Nếu thai nhi bị tắc nghẽn đường mật khi còn trong bụng mẹ thì có thể kèm dị tật về tim, ruột, lá lách.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có các các triệu chứng được nhắc đến ở trên. Đối với trường hợp trẻ sơ sinh sau 2 – 3 tuần tuổi mà vẫn có các triệu chứng như vàng da hoặc đi phân màu trắng, xám thì bạn cần đưa trẻ đi khám. Đây là bệnh nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng về sau.
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến tắc mật
Tắc mật thường do đường ống dẫn mật bị hẹp so với bình thường, hoặc do có vật cản trong ống dẫn mật khiến tốc độ lưu thông của dịch mật giảm đi, áp lực tại ống dẫn mật tăng lên. Các nguyên nhân dẫn đến dòng chảy của dịch mật bị ngăn chặn gây tắc nghẽn đường mật:
-
Sỏi mật: Là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn đường mật, có khoảng 10%người bệnh có sỏi ở ống mật chủ.
-
Xơ gan, viêm gan: Gây xơ hóa làm tắc hẹp đường mật trong gan khiến gan kém lưu thông và ứ trệ.
-
U nang hay polyp ống mật chủ, đường dẫn mật trong gan.
-
Viêm đường mật, ung thư đường mật.
-
Sự lây lan của khối u ở cơ quan lân cận đến hệ thống mật.
-
Phẫu thuật túi mật gây hẹp ống dẫn mật;
-
Trứng sán lá gan hay giun chui vào ống mật gây tắc nghẽn ống mật chủ, đường dẫn mật trong gan.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ tắc mật?
Bệnh tắc mật có thể xảy ra với bất kì ai, không loại trừ thai nhi và trẻ sơ sinh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ tắc mật, bao gồm:
-
Nhiễm virus hoặc vi khuẩn sau khi sinh như cytomegalovirus, retrovirus, hoặc rotavirus.
-
Bị đột biến di truyền.
-
Sự phát triển bất thường của gan và đường mật.
-
Tiếp xúc với các chất độc hại.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc mật
Bác sĩ sẽ hỏi vệ các triệu chứng của bạn, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết như:
-
Siêu âm ổ bụng: Giúp xem được hình ảnh túi mật và có độ chính xác cao đến 95% trong việc phát hiện sỏi đường mật, giãn ống mật chủ.
-
Chụp cắt lớp vi tính: Giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ tắc nghẽn đường mật và tình trạng viêm, nhiễm trùng đường mật.
-
Xét nghiệm máu: Bilirubin máu bình thường là 10 mg/l hay 17 mmol/l. Khi có tắc mật lượng bilirubin trong máu tăng. Ngoài ra, lượng phosphatase kiềm (được bài tiết theo dịch mật) cũng có thể tăng.
-
Đánh giá chức năng gan.
Phương pháp điều trị tắc mật hiệu quả
Để điều trị tắc mật hiệu quả nhất, cần xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh và tùy thuộc vào nguyên nhân mà sẽ có các chỉ định điều trị khác nhau:
-
Với tắc mật do sỏi và có tình trạng viêm, trước hết bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng kháng sinh để giảm viêm. Sau đó tiến hành phẫu thuật nội soi để lấy sỏi hoặc cắt bỏ túi mật. Sau khi cắt túi mật, mật sẽ theo đường dẫn trực tiếp chuyển xuống ruột.
-
Nếu đường mật bị hẹp do sẹo hoặc dị dạng bẩm sinh, có thể đặt stent ( khung đỡ bằng kim loại nhằm mục đích mở rộng lòng ống dẫn bị hẹp và giữ nó không bị hẹp lại) để khơi thông đường mật.
-
Nếu xơ gan ứ mật tiên phát hoặc viêm xơ đường mật tiến triển gây sơ gan nặng thì phẫu thuật ghép gan có thể là cần thiết.
-
Trong trường hợp ung thư đầu tụy, ung thư đường mật thì phải phẫu thuật loại bỏ khối u và xạ trị.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc mật
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Khi bị tắc mật hoặc sau khi điều trị tắc mật, thể trọng có thể sụt giảm nên người bệnh cần tăng cường các loại vitamin vào bữa ăn hằng ngày; đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng tránh tắc mật bạn nên thực hiện tốt những điều sau đây:
-
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp vệ sinh và hạn chế những thực phẩm có chứa cholesterol cao.
-
Xổ giun đúng định kỳ.
-
Vận động cơ thể thường xuyên.
-
Hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá vì chúng có thể gây tổn thương đến gan mật.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.