Tìm hiểu chung

Teo thực quản là gì?

Teo thực quản là sự gián đoạn lưu thông của thực quản, đây là một dị dạng bẩm sinh, do rối loạn trong quá trình tạo phôi thai giữa tuần thứ 4 và tuần thứ 6 của thai kỳ. Vì vậy nên teo thực quản thường kèm theo các dị tật khác. Teo thực quản là dị dạng tiêu hóa nặng và có thể dẫn đến tử vong. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị teo thực quản.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của teo thực quản

  • Ngay khi cho trẻ bú lần đầu tiên, trẻ bị ho sặc, thậm chí tím tái người.

  • Khi cho trẻ nằm yên hay ngủ, có xuất hiện triệu chứng nước bọt trào ra xung quanh miệng liên tục, hay còn gọi là “sùi bọt cua”;

  • Trẻ có dấu hiệu khó thở, suy hô hấp do nước bọt hoặc dịch dạ dày có thể theo đường rò đi vào phổi gây viêm phổi;

  • Trẻ bị trướng bụng từ các bẫy khí ở đường tiêu hóa.

Biến chứng có thể gặp khi bị teo thực quản

1/3 số trường hợp bị teo thực quản đều kèm theo các dị tật bẩm sinh khác, bao gồm:

  • Dị tật tim mạch: Khoảng 20% trường hợp trẻ bị teo thực quản có dị tật tim mạch.

  • Dị tật đốt sống: Thường gặp nhất là dị tật đốt sống đôi (chẽ đôi) và dị tật thừa đốt sống.

  • Dị tật tiêu hóa: Thường gặp là dị tật hẹp tá tràng, teo tá tràng và dị tật hậu môn – trực tràng.

  • Dị tật tiết niệu: Có thể gặp tất cả các thể dị tật, tuy nhiên loại dị tật thường gặp nhất là thận – niệu quản ứ nước do hẹp đoạn niệu quản cắm vào bàng quang.

Teo thực quản bấm sinh không điều trị kịp thời nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Teo thực quản có thể gây tử vong hoặc gây nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này. Bệnh cần được rà soát trước và ngay sau khi sinh để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng. Thai phụ nên đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện hoặc khi trẻ sinh ra có các triệu chứng nêu trên, phụ huynh nên kịp thời đưa trẻ đi khám để được kiểm tra chính xác.

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến teo thực quản

Teo thực quản là dị dạng bẩm sinh và cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến căn bệnh bẩm sinh này. Teo thực quản liên quan đến những rối loạn trong giai đoạn từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị teo thực quản?

Đây là một căn bệnh bẩm sinh nhưng hiếm gặp. Tỷ lệ trẻ bị teo thực quản là 1/3.500. Các bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé gái.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị teo thực quản, bao gồm:

  • Bố/mẹ từng bị teo thực quản sinh con có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

  • Nếu đã có con bị teo thực quản thì khả năng rất cao là đứa trẻ tiếp theo cũng bị mắc bệnh.

  • Sinh con sớm cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán teo thực quản

Teo thực quản thường được chẩn đoán trước sinh và sau sinh.

Chẩn đoán trước sinh:

Chủ yếu dựa vào hình ảnh siêu âm học, tuy nhiên hình ảnh trực tiếp gần như không có. Việc gợi ý chẩn đoán chủ yếu dựa vào hình ảnh gián tiếp, bao gồm:

  • Mẹ đa ối.

  • Không thấy được hình ảnh  dạ dày.

  • Phát hiện dị tật  bẩm sinh khác kèm theo.

Chẩn đoán sau sinh:

Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng của bé và bệnh sử liên quan đến người mẹ như đa ối, sinh non, bé bú bị ho sặc sụa, tím tái, nghẹt thở,… Các xét nghiệm cần thiết cũng được thực hiện để việc chẩn đoán sau sinh được chính xác hơn, bao gồm:

  • Siêu âm: Phát hiện các dị tật kèm theo, đặc biệt là dị tật tim mạch và thận – tiết niệu.

  • Chụp X-quang: Giúp nhận biết các dị dạng ở cung sườn, cột sống hoặc phế quản – phổi đi kèm.

  • Chụp X-quang có cản quang bari.

  • Chụp CT scan: Xác định tổn thương phổi chính xác hơn và ít có tai biến.

  • Xét nghiệm công thức máu: Nhằm tìm hiểu chức năng gan thận, đông máu toàn bộ, nhóm máu, khí máu động mạch.

Phương pháp điều trị teo thực quản hiệu quả

Phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị teo thực quản cho trẻ. Tuy nhiên trước khi phẫu thuật phải thực hiện những điều sau:

  • Hồi sức hô hấp cho trẻ.

  • Để trẻ nằm đầu cao.

  • Giữ ẩm cho trẻ để tránh hạ thân nhiệt.

  • Điều trị viêm phổi hít nếu có.

Trước khi phẫu thuật cần đánh giá tình trạng của trẻ như cân nặng, khả năng hô hấp và những dị tật kèm theo.

Mục đích của phẫu thuật nhằm cắt, khâu đường dò khí quản – thực quản và thiết lập sự lưu thông đường tiêu hóa cho trẻ.

Phương thức phẫu thuật bao gồm mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi.

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của teo thực quản

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Sau mổ, trẻ vẫn có thể gặp biến chứng hoặc tình trạng hẹp thực quản, vì vậy phụ huynh nên đưa trẻ tái khám theo yêu cầu bác sĩ để được theo dõi thường xuyên. Nếu bị hẹp thực quản, trẻ có thể phải tiếp tục điều trị để nong thực quản.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Đây là dị dạng bẩm sinh, bạn chỉ có thể kiểm soát teo thực quản cho trẻ bằng cách khám thai định kì và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trong giai đoạn mang thai để phát hiện các dị dạng ở trẻ.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *