Tìm hiểu chung
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ hay còn gọi là thoái hóa đốt sống cổ hoặc thoái hóa đốt sống lưng là một trong những tên gọi của tình trạng bệnh lý thoái hóa hệ thống xương đốt sống. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau trong công việc, lao động, hoạt động, tuổi tác.
Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý xương khớp rất nguy hiểm, bệnh này tiến triển âm thầm với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp khác. Nếu điều trị không triệt để, thoái hóa đốt sống có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là quá trình bệnh lý ở các đốt sống cổ, bắt đầu bằng những hiện tượng như hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt tới các màng, dây chằng, dần dần về sau xuất hiện hiện tượng thoái hóa các đốt sống gây đau vùng cổ, nhất là khi vận động vùng cổ.
Theo các chuyên gia xương khớp, thường xuyên đau vùng cổ vai gáy rồi lan xuống vai là biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ đầu tiên mà bệnh nhân thường gặp. Ngoài ra khi mắc căn bệnh này, bệnh nhân thường gặp các biểu hiện khác như sau:
-
Cơn đau có thể lan lên đầu hoặc ra 2 vai, 2 tay.
-
Trường hợp thoái hóa nặng ảnh hưởng tới đĩa đệm và dây thần kinh, có thể xuất hiện các triệu chứng tê mỏi vùng cổ, thậm chí cả vai và tay, biểu hiện này thường gặp trong thoái hóa các đốt sống cổ từ C3 đến C7.
-
Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt khi bị thoái hóa các đốt sống cổ 1 (C1), cổ 2 (C2), làm chèn ép động mạch đốt sống gây thiếu máu lên não.
-
Bị hạn chế vận động vùng cổ.
-
Khi thời tiết thay đổi thường cảm thấy cứng cổ mỗi khi thức dậy.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân như chèn ép rễ thần kinh, làm mọc gai xương, thu hẹp không gian tủy sống – tình trạng này được gọi là chứng hẹp tủy sống hay hẹp ống sống khiến bệnh nhân thường bị tê liệt và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến bại liệt.
Khi cơ thể có những dấu hiệu trên, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là do sự hao mòn của các đốt sống và đĩa đệm ở cổ. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng này là do tuổi tác. Ngoài ra, một số nguyên nhan khác cũng dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ như:
-
Chấn thương ảnh hưởng đến đốt sống cổ.
-
Tư thế hoạt động sai.
-
Làm việc kéo dài, ít vận động.
-
Những công việc luôn đòi hỏi cúi nhiều, ngửa nhiều, mang vác nặng trên đầu.
-
Ngồi trước màn hình vi tính quá lâu cũng sẽ làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ, dẫn tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô đốt sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải thoái hóa đốt sống cổ?
-
Người làm việc ở tư thế cúi, cử động nhiều ở vùng đầu cổ, cường độ lao động cao (làm suốt ngày không nghỉ) và thâm niên lao động (tuổi nghề).
-
Người đi cấy, thợ cấy, thợ cắt tóc, nha sĩ, diễn viên xiếc…
-
Nhân viên văn phòng thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động, ít thời gian nghỉ ngơi.
-
Người đã qua tuổi trung niên (40 – 50 tuổi). Ở những người cao tuổi, do quá trình lão hóa các đĩa liên đốt, các thân đốt do tưới máu kém nên dễ xuất hiện bệnh hơn ở người trẻ tuổi.
-
Những người có người thân từng mắc căn bệnh này cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn những người trong gia đình không có người bị bệnh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ
Để chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất, quan sát các triệu chứng, hỏi về tiền sử bệnh lý, các vấn đề có thể là tác nhân ảnh hưởng đến đốt sống của bạn. Bên cạnh đó, xét nghiệm hình ảnh X-quang hoặc MRI được cho là rất hữu ích để phát hiện tình trạng thoái hóa đốt sống. Những hình ảnh từ xét nghiệm có thể cho biết những bất thường và mức độ tổn thương ở đốt sống cổ.
Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ hiệu quả
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị phù hợp.
Nghỉ ngơi: Trong giai đoạn cấp tính, bạn cần nghỉ ngơi thật nhiều để giúp các đốt sống cổ thư giãn. Bạn có thể cần phải đeo vòng cổ để hạn chế cử động của cổ và làm giảm các kích thích lên dây thần kinh.
Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê toa một số thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc giảm đau để làm giảm đau và giảm sưng do bệnh. Sử dụng thuốc giãn cơ cũng có thể hữu ích trong nhiều trường hợp.
Vật lý trị liệu: Các bài tập tác động tích cực lên vùng đốt sống cổ như kéo cổ, trị liệu nóng/lạnh hoặc các chương trình tập thể dục tích cực có thể làm giảm các triệu chứng. Vật lý trị liệu sẽ cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt của cơ bắp.
Phẫu thuật: Phẫu thuật chỉ được áp dụng khi bạn có những cơn đau nặng, triệu chứng không cải thiện sau khi áp dụng các phương pháp điều trị trên, hoặc khi có nguy cơ biến chứng thần kinh.
Tại Việt Nam, kết hợp giữa trị liệu thần kinh đốt sống và vật lý trị liệu là phương pháp mang lại hiệu quả cao. Với phương pháp này, nhiều bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ đã được chữa trị thành công, thậm chí ngay cả với những người đã có chỉ định phẫu thuật. Sau khi trị liệu, người bệnh thoát khỏi các cơn đau, có thể đi đứng và vận động sinh hoạt trở lại bình thường ngăn cơn đau tái phát.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến thoái hóa đốt sống cổ
Ngoài việc uống thuốc và làm theo những hướng dẫn của bác sĩ thì người bệnh có thể tham khảo các lưu ý sau đây để bệnh có tiến triển tốt hơn:
-
Thay đổi tư thế làm việc sai lệch, vận động xen kẽ khi phải ngồi trước màn hình máy tính thời gian dài.
-
Không vặn bẻ cổ đột ngột khi cảm thấy nhức mỏi vì có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa.
-
Hạn chế mang vác, đội vật nặng lên vai và đầu.
-
Không cúi gập cổ quá lâu, thay vào đó hãy luyện tập các bài tập cổ đơn giản.
-
Khi ngủ hãy thường xuyên chuyển mình, thay đổi tư thế, tránh nằm ở 1 – 2 tư thế quá lâu.
-
Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng thực phẩm chức năng giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho đốt sống.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.