Tìm hiểu chung
Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là hiện tượng tạng trong ổ bụng rời khỏi vị trí và chui qua ống bẹn tạo thành túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi bạn ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng. Thoát vị bẹn tuy không nguy hiểm nhưng trong một vài trường hợp nó có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng. Bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào hoặc có thể có các triệu chứng sau:
-
Xuất hiện khối phồng vùng bẹn – bìu, to ra khi đi lại, lao động;
-
Khối phồng mềm,căng to hơn khi rặn, ho;
-
Lỗ bẹn nông rộng;
-
Người bệnh cảm thấy đau tức ở vùng bẹn.
Biến chứng có thể gặp khi bị thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn khi không được khắc phục thì ngày càng to ra, ảnh hưởng ít nhiều đến đi lại, sinh hoạt của người bệnh và có thể gặp các biến chứng nguy hiểm là:
-
Thoát vị kẹt: Một phần tạng như ruột, mô mỡ, hãy buồng trứng,… trong khoang bụng có thể bị mắc kẹt trong túi thoát vị và tạo nên khối chắc. Chúng có thể đi kèm với triệu chứng đau, dễ bị kích thích, buồn nôn và táo bón.
-
Thoát vị nghẹt: Đây là tình trạng nghiêm trọng. Phần tạng, mô kẹt trong túi thoát vị bị xoắn lại và ngăn cản máu lưu thông đến đây. Cuối cùng có thể dẫn đến hoại tử do không được cung cấp máu. Triệu chứng đi kèm thường là sốt, đau, viêm và sưng đỏ.
-
Viêm dính tạng thoát vị với bao thoát vị.
-
Chấn thương khối thoát vị làm tốn thương các tạng trong khối thoát vị.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đôi khi bạn có thể tự đẩy túi thoát vị ngược lại vào trong hoặc túi thoát vị có thể tự biến mất khi nằm. Tuy nhiên tình trạng thoát vị bẹn của bạn có nguy hiểm hay không chỉ có thể được biết chính xác khi bạn đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Và nếu bạn gặp các triệu chứng nêu trên thì hãy kịp thời đến bác sĩ khám. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn có thể xảy ra do bẩm sinh hoặc xảy ra đột ngột do nhiều yếu tố tác động vào.
Thoát vị bẹn bẩm sinh: Do tồn tại ống phúc tinh mạc, thường gặp ở trẻ em.
Thoát vị mắc phải: Do cơ thành bụng quá nhão, yếu, cộng thêm tác động tăng áp lực đột ngột ở ổ bụng và thường gặp ở người già.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải tình trạng thoát vị bẹn?
Thoát vị bẹn có thể xảy ra đối với cả nam và nữ ở bất kì độ tuổi nào. Tuy nhiên, nam có khả năng mắc phải cao hơn nữ do vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên vị trí này rất yếu.
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn, bao gồm:
-
Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
-
Tiền sử gia đình: Trong gia đình có bố/mẹ hoặc anh/chị bị thoát vị thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn.
-
Một số bệnh lý: Người bị xơ nang (một bệnh lý gây tổn thương phổi nghiêm trọng) thường bị ho mãn tính và tăng khả năng mắc thoát vị bẹn.
-
Ho mãn tính: Người hút thuốc lá, có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn.
-
Táo bón mãn tính: Rặn khi đi ngoài là một yếu tố nguy cơ phổ biến của chứng thoát vị bẹn.
-
Thừa cân: Tăng thêm áp lực lên bụng của người bệnh.
-
Mang thai: Điều này có thể làm suy yếu cả các cơ bụng và gây tăng áp lực trong ổ bụng.
-
Một số ngành nghề: Nhiều công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn.
-
Sinh non.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoát vị bẹn
Bác sĩ sẽ quan sát triệu chứng của bạn, khám lâm sàng với các tư thế ngồi, đứng, nằm để nhìn thấy hướng hoạt động của túi thoát vị; đồng thời kết hợp một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính bụng có thể được sử dụng.
Phương pháp điều trị thoát vị bẹn hiệu quả
Hai phương pháp điều trị thoát vị bẹn được sử dụng hiện nay là đeo băng và phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật có tính hiệu quả cao và triệt để.
Đeo băng:
-
Phương pháp tạm thời nhằm không cho túi thoát vị sa xuống thêm và chờ phẫu thuật.
-
Đối với những trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật (quá già yếu, suy tim mạch…) thì đeo băng liên tục để tránh thoát vị không lớn hơn và tránh nghẹt.
Phẫu thuật:
Đây là phương pháp sử dụng phổ biến hiện nay trong điều trị toát vị bẹn. Phẫu thuật hiện nay có hai dạng là phẫu thuật truyền thống (mổ hở) và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi được sử dụng nhiều hơn do tính an toàn và ít gây đau đớn hơn; người bệnh có thể xuất viện sau vài ngày điều trị.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị bẹn
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Không nên làm việc nặng nhọc.
-
Hạn chế dùng nhiều sức khi rặn, khóc.
-
Dùng băng ép, nịt vào lỗ thoát vị tránh không cho thành phần trong bao thoát vị tụt xuống quá nhiều.
-
Ăn thực phẩm nhiều chất xơ và uống nước nhiều để tránh bị táo bón.
-
Giữ cân nặng ở mức cân đối, không để bị béo phì.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.