Tìm hiểu chung

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Cấu trúc đĩa đệm ở dạng thớ sợi chắc xếp theo hình vòng tâm và chứa nhân keo (hay còn gọi là gelatin), có tác dụng làm cho cột sống cử động uyển chuyển và làm giảm sốc.

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm dịch chuyển ra khỏi vị trí ở giữa các đốt sống, thường xảy ra sau các tác nhân sang chấn hoặc khi đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống và biểu hiện bằng tình trạng đau nhức ở vị trí thoát vị. Trong đó, vị trí dễ bị thoát vị đĩa đệm nhất là ở vùng thắt lưng với biểu hiện là những cơn đau vùng thắt lưng và đau lan xuống chân (hay còn gọi là đau thần kinh tọa).


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

Các triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm có thể kể đến như:

  • Đau kịch phát khi khi cúi, khi ho hắt hơi hoặc gắng sức. Cơn đau tăng lên khi ngồi lâu, nằm sấp hoặc đứng.

  • Tại vị trí bị thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện những cơn đau nhức, có thể lan sang cánh tay, mông và chân dọc theo dây thần kinh khiến người bệnh vô cùng khó chịu, đứng ngồi không yên.

  • Cơn đau có thể kéo dài liên tục và theo từng đợt, cơn đau tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Gây đau lưng, có hoặc không đi kèm triệu chứng đau dọc dây thần kinh tọa.

  • Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Có biểu hiện đau ở vùng cổ và đau vai gáy. Đau tê, mất cảm giác các vùng, bao gồm tê bàn tay, cổ tay, bàn chân… Bệnh nhân nặng có thể bị yếu cơ và cử động kém hơn do bị mất lực.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ khi có những trường hợp sau:

  • Bị đau lưng trên 1 tuần gây khó chịu trong hoạt động thường ngày.

  • Đau lưng xảy ra ngay sau ngã hoặc sau chấn thương.

  • Cơn đau khiến bạn không thể ngủ được vào ban đêm.

  • Đau kèm sốt và sụt cân chưa rõ nguyên nhân.

Những trường hợp đau lưng có kèm rối loạn cơ tròn, (bí đại tiểu tiện hoặc ỉa đái không tự chủ, hoặc yếu chi) cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm dễ gặp phải nhất:

  • Tư thế sai trong lao động, vận động và hoạt động: nhấc vật nặng ở tư thế không phù hợp; quá sức; có những cử động đột ngột, bất thường như xoắn, vặn vẹo cột sống.

  • Tuổi tác: Nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cũng tăng dần theo tuổi tác khi các cơ quan trong cơ thể dần bị thoái hóa.

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có nhiều người từng bị thoát vị đĩa đệm thì nguy cơ người trẻ cũng bị thoát vị do cấu trúc đĩa đệm và cột sống yếu.

  • Trọng lượng cơ thể quá tải hoặc mang thai làm tăng gánh nặng áp lực lên vùng cột sống.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải thoát vị đĩa đệm?

  • Với những người trên 35 tuổi có nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cao hơn những độ tuổi khác.

  • Tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới, có thể được lí giải do nam giới thường phải hoạt động thể lực, chơi thể thao, gắng sức hoặc yếu nghề nghiệp khiến nam giới dễ mắc bệnh hơn.

  • Phụ nữ mang thai, người bị thừa cân, béo phì.

  • Những bệnh nhân từng mắc bệnh lý cột sống bẩm sinh như gai đốt sống, gù vẹo hoặc người có hệ cơ yếu cũng có tỉ lệ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cao.

  • Người hút thuốc cũng có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với người không hút. Hút thuốc lá làm giảm nồng độ oxi trong máu, lấy đi các chất dinh dưỡng quan trọng của xương và các mô cơ thể tạo cơ hội cho bệnh thoát vị đĩa đệm xảy ra.

  • Nếu cha mẹ hoặc người thân có người bị thoát vị đĩa đệm thì các thế hệ sau này có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm

Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành xét nghiệm và chẩn đoán bằng phương pháp:

  • Chụp X-quang để phát hiện vôi hóa, gai đôi, xẹp đệm, trượt đệm, phồng đĩa đệm, loãng xương.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện thoát vị đĩa đệm, bất thường trong xương.

Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả

Dựa theo tình trạng bệnh mà có những phương pháp điều trị thích hợp sau:

Dùng thuốc tây: Các cơn đau của bệnh thoát vị đĩa đệm có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm như acetaminophen, ibuprofen, aspirin, paracetamol, thuốc giãn cơ, vitamin nhóm B…

Can thiệp ngoại khoa: Phương pháp can thiệp ngoại khoa thường áp dụng là kéo giãn, nắn chỉnh cột sống. Tiêm ngoài màng cứng bằng steroid để làm giảm các kích thích vào dây thần kinh gây đau.

Phẫu thuật: Khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc thoát vị nặng gây biến chứng như bí đại tiểu tiện, liệt chi thì các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật. Phương pháp này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro vì người bệnh có thể bị nhiễm trùng, viêm sau khi mổ.

Vật lý trị liệu: Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, sử dụng máy trị liệu và các bài tập là phương pháp được khá nhiều bệnh nhân áp dụng. Tuy nhiên, vật lý trị liệu cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn nếu không kết hợp dùng thuốc.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị đĩa đệm

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng và không được ngưng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thoát vị nếu được chăm sóc tốt thường sẽ ổn sau đợt điều trị khoảng 4 – 6 tuần, nếu không đỡ cần khám và tiếp tục liệu trình điều trị mới.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Lối sống lành mạnh

  • Tập thể dục đều đặn. Tập củng cố cho cơ thân, cơ bụng, cơ cổ lưng (có bài tập của các huấn luyện viên, chuyên gia vật lý).

  • Nên khởi đầu để cơ thể linh hoạt trước khi hoạt động.

  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý.

Tư thế đúng

  • Tư thế thẳng, đầu thẳng, nhìn thẳng, vai hướng ra sau.

  • Khi vác vật nặng, không để vặn cột sống mà nên gập gối, thẳng lưng, bê vật gần người nhất.

  • Khi lao động xúc đất cát, nên để lưng thẳng bằng cách, bước một chân lên trước và chùng gối xuống, lấy gối làm điểm tì để làm việc tránh gây xoắn vặn cột sống.

Trong công việc

  • Nếu phải đứng lâu, nên dùng ghế tựa thấp để chân, thay đổi chân từng bên cứ 5 – 10 phút đặt lên ghế/ lần.

  • Nếu phải ngồi lâu, nên có thời gian nghỉ để tránh căng cứng các cơ.

  • Dùng ghế văn phòng thẳng để giúp cột sống luôn thẳng.

  • Khi ngồi làm việc có thể để gác chân cao hơn 1 chút so với háng.

  • Dùng ghế xoay để hạn chế xoắn vặn cột sống.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *