Tìm hiểu chung

Thoát vị thành bụng là bệnh gì?

Thoát vị thành bụng là một bệnh lý gây ra do sự di chuyển của các tạng từ trong khoang bụng ra phía ngoài thành bụng, thường là những vị trí bị yếu của thành bụng. Chỗ yếu của thành bụng có thể do vết mổ cũ (thoát vị vết mổ) hoặc là nơi mà thành bụng không có lớp cơ, chỉ có lớp mạc che phủ. Thoát vị thành bụng rất dễ nhận biết bởi trên bụng xuất hiện lỗ hổng và tạng bị đẩy ra ngoài cơ thể. Bệnh thường gặp ở người từng có vết thương trên bụng và trẻ sinh non. Người bệnh cần được phẫu thuật kịp thời để đưa tạng vào lại trong bụng và khâu ổ bụng để tránh nhiễm trùng.

Ngoài thoát vị bụng còn có một số vị trí thường bị thoát vị, bao gồm:

  • Thoát vị lưng: thoát vị tam giác lưng trên; thoát vị tam giác lưng dưới.

  • Thoát vị vùng chậu: thoát vị bịt, thoát vị toạ, thoát vị đáy chậu.

  • Thoát vị vùng bẹn – đùi. Đây là dạng thoát vị phổ biến nhất.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoát vị thành bụng

Thoát vị vùng bụng thường nhận biết bằng cảm giác đau tức vùng bụng, trên bụng nổi lên một khối u gây mất thẩm mỹ và hạn chế việc vận động.

Nếu là thoát vị bụng do vết mổ cũ thì rất dễ nhận biết bằng việc tạng bị tràn ra ngoài cơ thể ngay tại điểm mổ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thoát vị thành bụng

Nếu thoát vị thành bụng không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như xoắn, hoại tử ruột, mạc treo ruột, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên để được xử lý kịp thời. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến thoát vị thành bụng

Thoát vị thành bụng xảy ra khi cơ thành bụng bị hở hay yếu. Điều này gây ra một khối lồi trên bụng. Khi cơ thành bụng bị kéo căng hơn, làm tăng áp lực trong khoang bụng, thì khối này càng to hơn, xuất hiện rõ ràng hơn. Ví dụ như khi nâng một vật gì lên, khi ho, khi làm việc quá mức, hoặc thậm chí khi rặn lúc đại tiện.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thoát vị thành bụng?

Thoát vị thành bụng có thể xảy ra với cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể xuất hiện ở cả thai nhi; hay còn được gọi là thoát vị thành bụng bẩm sinh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị thành bụng bao gồm:

  • Từng có phẫu thuật bụng.

  • Làm những công việc lao động nặng nhọc, sử dụng nhiều sức.

  • Béo phì.

  • Chế độ ăn uống của người mẹ, môi trường,… cũng có thể tác động đến thai nhi và gây thoát vị thành bụng bẩm sinh.

  • Người mẹ mang thai lúc quá trẻ; dưới 20 tuổi.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thoát vị thành bụng

Bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng mà bạn gặp phải, đặc biệt ở vùng bụng và có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm thường được sử dụng:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).

  • Trong thời kỳ mang thai, bác sĩ có thể kiểm tra cho trẻ sơ sinh bằng việc siêu âm bụng của người mẹ.

Phương pháp điều trị bệnh thoát vị thành bụng hiệu quả

Phương pháp điều trị thoát vị thành bụng dùng phổ biến hiện nay là phẫu thuật. Tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ nghiêm trọng và vị trí bị thoát vị mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật cụ thể.

  • Phẫu thuật hở: Nếu tạng tràn ra ngoài cơ thể theo lỗ hổng của vết mổ cũ thì bác sĩ sẽ đưa tạng vào trong ổ bụng và khâu lại vết thương.

  • Mổ nội soi thoát vị thành bụng: Ưu điểm của phương pháp này là có thể áp dụng với mọi vị trí, ở cả vùng bẹn; làm giảm nguy cơ bị thoát vị tái phát, đồng thời giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân trong giai đoạn hậu phẫu. Đây cũng là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.

  • Dùng tia laser để phẫu thuật thoát vị thành bụng.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị thành bụng

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Sau phẫu thuật bụng nên hoạt động nhẹ nhàng, tránh ảnh hưởng đến vết mổ.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Đôi khi các yếu tố dẫn đến thoát vị nằm ngoài khả năng tầm soát của chúng ta như do di truyền hoặc trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân nên cũng khó có thể phòng tránh.

Một số điều nên làm để hạn chế nguy cơ bị thoát vị thành bụng là:

  • Tập thể dục, làm việc vừa sức, không nên dùng quá nhiều sức ở cơ bụng có thể dẫn đến thoát vị thành bụng.

  • Kiểm soát cân nặng.

  • Tránh khuân vác nặng nhọc.

  • Không dùng rượu bia và hút thuốc lá.

  • Không mang thai khi còn quá trẻ và phải khám thai định kỳ.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *