Tìm hiểu chung

Thủy đậu là gì?

Thủy đậu là một căn bệnh tuy lành tính nhưng lại có khả năng truyền nhiễm rất cao. Bệnh do một loại siêu vi có tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Những người đã bị thủy đậu thì hầu như sẽ miễn dịch suốt đời, không có dấu hiệu bị lại. Tuy nhiên, bệnh có thể ấp ủ mầm móng trong người và gây ra các bệnh khác.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của thủy đậu

Bệnh thủy đậu thường có các dấu hiệu sau:

  • Nổi mụn nước có đường kính từ 1 – 3 mm, có chứa dịch trong; xuất hiện ở vùng mặt, tứ chi và thân. Trong khoảng từ 12 – 24 giờ, mụn có thể lây lan toàn cơ thể (có khi lên đến 500 mụn) và gây ngứa.

  • Trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

  • Bệnh xuất hiện kem theo một số triệu chứng khác như: sốt, đau đầu, đau cơ, nôn ói, biếng ăn.

Nếu không có biến chứng phát sinh, thủy đậu có thể kéo dài từ 1 -2 tuần sẽ bắt đầu thuyên giảm, các nốt mụn sẽ khô lại, bong vảy, có hiện tượng thâm da nơi nổi mụn nhưng sau sẽ không để lại sẹo trừ khi trong quá trình bệnh các nốt mụn có hiện tượng nhiễm khuẩn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thủy đậu

Tuy bản chất bệnh thủy đậu là lành tính nhưng bệnh có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau.

Ở tình trạng biến chứng nhẹ: Các mụn nước sẽ bị nhiễm trùng, để nặng dần vi trùng trong mụn nước có thể xâm nhập vào máu người bệnh gây nhiễm trùng máu.

Ở tình trạng biến chứng nặng: Bệnh sẽ gây nhiễm trùng máu viêm phổi, viêm não hay viêm tiêu não,… có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng về sau.

Thậm chí ngay sau khi hết bệnh, bạn cũng cần nên đề phòng vì siêu vi có thể vẫn còn tồn tại ở dạng “ngủ đông” trong các hạch thần kinh. Một thời gian sau (có thể là 10 – 30 năm sau đó), khi điều kiện thuận lợi như sức đề kháng cơ thể yếu hay một vài yếu tố khác, siêu vi có thể quay trở lại hoạt động, gây ra san thương của bệnh Zona (giời leo).

Với phụ nữ mang thai, khi mắc bệnh thủy đậu sẽ nguy hiểm rất lớn vì có khả năng gây sẩy thai (trong 3 tháng đầu thai kỳ), hoặc có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ với các biểu hiện như bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân, sẹo bẩm sinh, viêm phổi,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh thủy đậu có tính lây nhiễm cao nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trong quá trình bị bệnh, nhất là phụ nữ đang mang thai và người đang mắc những căn bệnh khác, nếu các ban ngứa có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì cần đến trung tâm y tế để được kiểm tra diễn tiến của bệnh và tiến hành vệ sinh các vết thương, tránh để các ban ngứa bị nhiễm trùng lâu ngày sẽ gây biến chứng hoặc để lại sẹo về sau.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thủy đậu

Thủy đậu do một loại siêu vi có tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra và rất dễ lây truyền sang cho người khác qua không khí và qua tiếp xúc.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu?

Hầu hết ai cũng sẽ mắc bệnh thủy đậu một lần trong đời nếu như không tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh từ sớm.

Đây là một trong những căn bệnh truyền nhiễm, do điều kiện lây nhiễm không nhiều nên có khả năng lây rất cao. Các trường hợp có thể bị lây nhiễm thủy đậu:

  • Lây nhiễm qua không khí: Khi người mang bệnh nói, hắt hơi, ho,… các siêu vi gây bệnh thủy đậu theo tuyến nước bọt bắn ra ngoài và tan vào không khí. Người khác hít phải không khí mang mầm bệnh cũng sẽ bị nhiễm bệnh.

  • Lây nhiễm qua tiếp xúc: Khi người không mang bệnh tiếp xúc trực tiếp với các nốt mụn, quần áo, khăn, tấm trải giường,… nơi mà dịch bệnh trong mụn, miệng, mũi của người thủy đậu có thể chảy ra thì đều có khả năng bị bệnh.

  • Người chưa từng bị thủy đậu trong gia đình khi tiếp xúc với người thân bị bệnh thì có đến 90% khả năng sẽ bị lây nhiễm.

  • Người có hệ miễn dịch yếu thì khi mắc bệnh thủy đậu sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi hơn những người khác.

Thời gian ủ bệnh của thủy đậu sẽ từ 1 – 3 tuần kể từ khi bị nhiễm bệnh.

Mặc dù người bị nhiễm bệnh chưa có dấu hiệu nổi ban ngứa nhưng cũng có khả năng lây bệnh cho người khác kể từ 1 – 2 ngày sau khi mắc bệnh đến khi tất cả các vết mụn đã đóng vảy.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thủy đậu

  • Chưa từng bị thủy đậu.

  • Chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu.

  • Sống chung nhà với người đang bị thủy đậu.

  • Sinh hoạt tại nơi đang có dịch bệnh.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thủy đậu

Thủy đậu đặc trưng bởi các nốt ban ngứa nổi trên khắp cơ thể nên rất dễ dàng để bác sĩ chẩn đoán. Bác sĩ có thể hỏi xem người bệnh đã từng bị thủy đậu chưa, tiêm vắc-xin phòng bệnh chưa và xem xét các nốt ban ngứa để kết luận chính xác hơn.

Phương pháp điều trị bệnh thủy đậu hiệu quả

Tùy theo tình trạng nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ đề nghị điều trị nội trú hoặc tại nhà.

Điều trị triệu chứng:

  • Sử dụng dung dịch xanh metylen để thoa vào các nốt mụn.

  • Dùng thuốc kháng histamin để hạn chế cơn ngứa.

  • Dùng acetaminophen cho trường hợp người bệnh đau hoặc sốt cao. Đặc biệt với trẻ, không được dùng aspirin hoặc thuốc có chứa aspirin vì có thể xảy ra hội chứng Reye (tổn thương não và gan dẫn đến tử vong).

  • Dùng dung dịch chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1% mỗi ngày 2 – 3 lần để sát khuẩn cho mắt, mũ.

* * Chỉ được dùng thuốc xanh metylen để bôi lên các nốt mụn trong suốt quá trình điều trị.

Điều trị bằng thuốc kháng virus:

  • Dùng thuốc kháng virus loại acyclovir để rút ngắn thời gian và độ nghiêm trọng của bệnh nếu có thể phát hiện bệnh trong 24 giờ đầu kể từ khi phát ban.

  • Dùng acyclovir đường tĩnh mạch cho trường hợp nặng hoặc có hiện tượng biến chứng xuất hiện ở trẻ (liều lượng tùy thuốc vào độ tuổi và thể chất người bệnh).


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thủy đậu

Chế độ sinh hoạt:

  • Người bệnh thủy đậu cần ở nhà nghỉ ngơi đến khi các ban ngứa khô hoàn toàn, tránh để lây nhiễm cho người khác.

  • Cắt ngắn móng tay (đối với trẻ nhỏ nên cho mang bao tay) và giữ gìn vệ sinh để tránh cà vào các nốt mụn gây nhiễm trùng.

  • Chỗ ở của người bệnh phải đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ.

  • Tắm bằng các dung dịch sát khuẩn, có thể dùng bột yến mạch hay baking soda pha loãng vào nước tắm để giảm ngứa.

  • Hòa ½ muỗng muối vào nước ấm và súc miệng mỗi ngày để tránh gây lở loét ở miệng.

  • Luôn giữ cho các nốt mụn/ vết loét ở các nốt mụn sạch sẽ, khô thoáng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

* * Phương pháp chăm sóc này dùng được cho trẻ em và người lớn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Dùng thức ăn thanh đạm, đầy đủ các chất dinh dưỡng và dưới dạng thức ăn lỏng hoặc nửa lỏng, dễ tiêu hóa, như cháo.

  • Dùng các loại thực phẩm để nấu cháo như: đậu xanh, củ năng, lá tre non, gạo lứt, kim ngân hoa, tiểu mạch, miến đậu xanh, măng tây, trứng, chuối, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, khoai tây, cà rốt, củ cải trắng, bí đao, rau bồ ngót, rau sam, rau má, mướp đắng, rau dền, cải thảo, cải bắp, rau diếp, ngải cứu.

  • Dùng thực phẩm chứa nhiều vitamin C như: chanh, cam, bơ, dâu tây, kiwi, lê, dưa hấu, dưa leo, cà chua… vì vitamin C có tác dụng làm tăng sức đề kháng, chống nhiễm trung, đẩy nahnh quá trình tái tạo da giúp ngăn ngừa sẹo lõm.

  • Tránh ăn các loại gia vị cay nóng như: gừng, hành, tỏi, hành tây, tỏi tây, ớt, hạt tiêu, thì là, cà ri, mù tạt, rau mùi, các loại thịt như thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, ngỗng, lươn, các loại hải sản (tôm, cua, sò, ốc…), trái vải, long nhãn, mận, xoài chín, mít, hồng, anh đào, rau muống; các chất nhiều béo như hạt dẻ, đậu phụng rang, hạt dưa rang, đậu chiên, các loại bánh rán, các thức ăn chiên xào, mỡ động vật…

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Mọi người nên trang bị kiến thức về thủy đậu để khi mắc bệnh sẽ có thể tự chăm sóc mình và người thân.

Tiêm chủng vắc xin phòng ngừa thủy đậu là cách tốt nhất để phòng bệnh. Liều lượng như sau:

  • Trẻ em từ 12 – 18 tháng tuổi hoặc trẻ từ 19 tháng – 13 tuổi chưa bị thủy đậu được tiêm 1 lần.

  • Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 – 8 tuần.

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin thủy đậu có tác dụng lâu bền. Khoảng 80 – 90% số người tiên vắc xin có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường không bị biến chứng.

Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu là từ 1 – 3 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vắc xin thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3 ngày có thể tiêm ngừa thì vắc xin có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *