Tìm hiểu chung
Tiêu chảy do kháng sinh là bệnh gì?
Tiêu chảy do kháng sinh là tình trạng đi tiêu ra phân lỏng, nhiều nước, hơn ba lần một ngày sau khi uống thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Tiêu chảy do kháng sinh thông thường là bệnh nhẹ và hết ngay sau khi ngưng dùng thuốc kháng sinh. Nhưng trong một số trường hợp, bệnh dẫn đến viêm đại tràng, viêm ruột già hoặc bệnh viêm ruột kết được gọi là viêm đại tràng giả.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tiêu chảy do kháng sinh
Tiêu chảy có thể bắt đầu kể sau khi uống thuốc kháng sinh từ 5 – 10 ngày. Những triệu chứng phổ biến của tiêu chảy do kháng sinh là:
-
Phân lỏng;
-
Đi tiêu thường xuyên.
Một số người có thể gặp phải triệu chứng tiêu chảy nghiêm trọng hơn, có thể có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả, chẳng hạn như:
-
Thường xuyên tiêu chảy;
-
Đau quặn bụng;
-
Sốt;
-
Mủ trong phân;
-
Phân có máu;
-
Buồn nôn.
Nhiều trường hợp sau khi ngưng sử dụng thuốc kháng sinh mới bắt đầu xảy ra tiêu chảy và các triệu chứng đi kèm.
Biến chứng có thể gặp khi bị tiêu chảy do kháng sinh
Tiêu chảy do kháng sinh nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như:
-
Mất nước và chất điện giải.
-
Thủng ruột.
-
Phình to đại tràng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị tiêu chảy hơn 3 lần một ngày hoặc có kèm các triệu chứng nêu trên thì hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy do kháng sinh
Tiêu chảy do kháng sinh xảy ra khi bạn dùng thuốc kháng sinh, chúng phá vỡ sự cân bằng của hệ khuẩn ruột. Gần như tất cả loại thuốc kháng sinh có thể gây ra tiêu chảy, viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả.
Các kháng sinh phổ biến nhất liên quan đến tiêu chảy bao gồm:
-
Cephalosporin: cefixim và cefpodoxime.
-
Clindamycin.
-
Erythromycin.
-
Penicillin, amoxicillin và ampicillin.
-
Quinolones: ciprofloxacin, levofloxacin.
-
Tetracycline, doxycycline và minocycline.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị tiêu chảy do kháng sinh?
Tiêu chảy do kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy do kháng sinh bao gồm:
-
Đã từng bị tiêu chảy do dùng thuốc kháng sinh.
-
Người lớn tuổi từ 65 trở lên.
-
Có tiền sử phẫu thuật đường ruột.
-
Mắc bệnh tiềm ẩn ảnh hưởng đến đường ruột, chẳng hạn như ung thư ruột già hoặc bệnh viêm ruột.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tiêu chảy do kháng sinh
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, quan sát các triệu chứng mà bạn gặp phải và hỏi bạn về những loại thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh) mà bạn đã dùng trong thời gian trước khi bị tiêu chảy.
Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm xét nghiệm phân để xác định vi khuẩn gây tiêu chảy.
Phương pháp điều trị tiêu chảy do kháng sinh hiệu quả
Điều trị tiêu chảy liên do kháng sinh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bạn gặp phải.
Tiêu chảy do kháng sinh nhẹ có thể tự hết trong vòng vài ngày sau khi điều trị kháng sinh kết thúc. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể khuyên nên ngừng điều trị kháng sinh cho đến khi các triệu chứng đã giảm và thực hiện một số biện pháp giúp đối phó với bệnh tiêu chảy cho đến khi nó được giải quyết.
Trong trường hợp tiêu chảy có kèm theo biến chứng như viêm đại tràng hoặc viêm đại tràng giả, bác sĩ có thể khuyên nên dùng kháng sinh để diệt các vi khuẩn gây tiêu chảy liên quan đến kháng sinh. Đối với những người có viêm đại tràng màng giả, các triệu chứng tiêu chảy có thể trở lại và cần tái điều trị nhiều lần.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiêu chảy do kháng sinh
Để giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy do kháng sinh, bạn nên:
-
Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi cần thiết và có chỉ dẫn của bác sĩ.
-
Nếu đang nằm viện, hãy yêu cầu người sẽ tiếp xúc với bạn phải rửa tay trước khi chạm vào để giảm nguy tiếp xúc với vi khuẩn C.difficile, loại có thể gây tiêu chảy nghiêm trọng liên quan đến kháng sinh.
-
Báo cho bác sĩ nếu đã có tiền sử tiêu chảy do kháng sinh trong quá khứ để bác sĩ có thể chọn một thuốc kháng sinh ít có khả năng gây ra tiêu chảy nhất.
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.