Tìm hiểu chung

Tiêu chảy do virus Rota là bệnh gì?

Tiêu chảy do virus Rota (nhiễm trùng ruột do virus Rota) là bệnh tiêu chảy cấp nặng. Loại virus này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu không thể điều trị kịp thời, tiêu chảy do virus Rota có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng và gây tử vong. Hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh do virus này gây ra.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị tiêu chảy do virus Rota

Thời gian ủ bệnh thường từ 1 đến 3 ngày. Sau thời gian này, bệnh thường phát ra những triệu chứng như:

  • Sốt, buồn nôn, ói mửa dữ dội;

  • Tiêu chảy, phân lỏng, toàn nước và không có máu;

  • Cơ thể bị mất nước trầm trọng.

Các đợt tiêu chảy thường kéo dài từ 4 – 8 ngày và có thể quay lại bất cứ lúc nào kể cả khi bạn thấy đỡ hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng của tiêu chảy do virus Rota có thể gây khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy tim mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng đã nêu trên, đặc biệt với triệu chứng sốt trên 39 độ C, đi phân có máu, ói mửa liên tục hơn 3 tiếng… thì bạn nên bù nước liên tục và đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy do virus Rota

Virus Rota là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh. Virus Rota chủ yếu lây lan qua đường phân – miệng. Trẻ em có thói quen tò mò nên thường cho các vật cầm nắm được vào miệng, tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Khi trẻ nhiễm virus Rota sẽ đào thải một lượng siêu vi rất lớn, đến 10 ngàn tỷ virus trong 1 ml phân nhưng chỉ cần khoảng 10 virus thì đã gây bệnh nên khả năng lây nhiễm rất cao. Virus Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị tiêu chảy do virus Rota?

Bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng dễ bùng phát thành dịch vào mùa lạnh, mưa nhiều bởi đây là điều kiện thuận lợi để virus phát triển. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh nhưng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường là đối tượng dễ gặp phải căn bệnh này nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi.

  • Cho trẻ uống sữa công thức thay vì sữa mẹ.

  • Trẻ có cân nặng thấp và sức đề kháng yếu.

  • Người giữ trẻ chưa dày dặn kinh nghiệm chăm sóc trẻ.

Cùng là bệnh tiêu chảy do virus Rota, nhưng trẻ em ở nước kém phát triển lại có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ ở những nơi có điều kiện chăm sóc y tế đầy đủ.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiêu chảy do virus Rota

Bệnh được phát hiện dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng như sốt cao liên tục, ói mửa và dựa trên kết quả xét nghiệm tìm virus Rota từ phân hoặc huyết thanh của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy do virus Rota hiệu quả

Tiêu chảy do virus Rota điều trị bằng kháng sinh thường không có hiệu quả. Do đó, thông thường sẽ điều trị các triệu chứng của bệnh.

Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 – 4 ngày. Sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc điều trị chủ yếu là phòng ngừa biến chứng và tăng đề kháng cho trẻ, phụ huynh nên chú ý các điểm sau:

  • Khi bị tiêu chảy, cơ thể thường mất nước, do đó cần các biện pháp để bù nước như: tăng lượng nước uống nhiều hơn bình thường, cho trẻ uống nước canh rau, nước trái cây,…

  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kĩ hơn.

  • Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột gây liệt ruột khiến phân không thể thải ra ngoài chứ không có tác dụng diệt virus – nguyên nhân gây nên tiêu chảy.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Tiêm vắc-xin được xem là cách phòng ngừa hiệu quả và chủ động. Ngoài ra cũng có một số biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh hiệu quả:

  • Tuyên truyền, giáo dục về bệnh bệnh tiêu chảy do virus Rota gây nên.

  • Sát khuẩn những đồ dùng có nguy cơ làm vật truyền nhiễm.

  • Không cho trẻ bỏ đồ chơi hoặc tay vào miệng.

  • Giữ gìn vệ sinh chân tay cho trẻ. Với trẻ lớn bạn nên dạy trẻ phương pháp rửa tay và ý thức giữ tay sạch sẽ.

  • Thực hiện thói quen ăn chín uống sôi.

  • Khi trẻ bị tiêu chảy, không nên để trẻ tiếp xúc với trẻ khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.

  • Tất cả các loại thuốc trẻ sử dụng đều phải được thông qua bởi bác sĩ.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *