Tìm hiểu chung

Tiêu chảy là bệnh gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng với lượng nhiều và số lần đi tiêu nhiều hơn so với bình thường. Nguyên nhân gây bệnh thường do cơ thể ăn phải thực phẩm bẩn; do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc mắc các bệnh về đường ruột, đây là tình trạng rất phổ biến. Đối với người trưởng thành, bệnh hầu như không gây ảnh hưởng nghiêm trọng vì có thể uống nhiều nước để bù lại lượng nước và chất điện giải đã mất do tiêu chảy. Nhưng đối với trẻ em, nếu không bù nước kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn. Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chảy có thể khỏi mà không cần điều trị. Nhưng nếu tiêu chảy kéo dài, trở nên mất nước hoặc nếu có máu trong phân thì cần đến gặp bác sĩ ngay.

Tiêu chảy có thể được chia thành 3 loại:

  • Tiêu chảy cấp tính: Kéo dài trong vài ngày đến một tuần.

  • Tiêu chảy bán cấp tính: Kéo dài khoảng 3 tuần.

  • Tiêu chảy mạn tính: Kéo dài trong một tháng hoặc hơn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiêu chảy

Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiêu chảy là:

  • Phân lỏng;

  • Đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn bụng;

  • Buồn nôn và ói mửa;

  • Đau đầu;

  • Ăn mất ngon;

  • Khát nước liên tục;

  • Sốt;

  • Mất nước;

  • Phân lẫn máu;

  • Lượng phân đi trong 1 lần nhiều;

  • Đi tiêu nhiều lần hơn mức bình thường.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tiêu chảy có thể dẫn đến mất một lượng nước và chất khoáng đáng kể, nếu không kịp thời bù đắp có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Trong trường hợp kéo dài, tiêu chảy có thể là dấu hiệu của một rối loạn nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh viêm ruột, hoặc hội chứng ruột kích thích.

Tiêu chảy thường không nghiêm trọng và bệnh nhân tự hồi phục, nhưng một số trường hợp nghiêm trọng cần phải đi khám ngay. Những trường hợp dưới đây cần sự tư vấn của bác sĩ:

Đối với trẻ em:    

  • Có triệu chứng của mất nước như tay chân lạnh, da nhợt nhạt, giảm lượng nước tiểu, lơ mơ, li bì;

  • Sốt cao;

  • Phân chứa máu và mủ;

  • Phân đen.

Đối với người lớn:

  • Phân đen hoặc trong phân có máu;

  • Buồn nôn và ói mửa;

  • Mất ngủ;

  • Tình trạng mất nước nghiêm trọng;

  • Sụt cân.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy

Những nguyên nhân gây tiêu chảy bao gồm:

  • Không dung nạp thức ăn, đặc biệt là lactose: Đây là loại đường được tìm thấy trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Nếu bị chứng không dung nạp lactose, thì bạn sẽ bị tiêu chảy nếu dùng thực phẩm làm từ sữa.

  • Do những loại virus như: Norwalk virus, Cytomegalovirus,… Trong đó, Rotavirus là loại phổ biến gây tiêu chảy cấp tính.

  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy do thuốc có thể phá hủy cả vi khuẩn xấu và vi khuẩn có lợi gây mất cân bằng hệ khuẩn ruột.

  • Do vi khuẩn, kí sinh trùng: Khi tiếp xúc với nguồn nước, đất, hoặc thực phẩm bẩn, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có thể đi vào cơ thể và gây tiêu chảy.

  • Do rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh về đường ruột như bệnh viêm ruột Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh celiac, viêm đại tràng kính hiển vi và hội chứng ruột kích thích.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị tiêu chảy?

Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Trung bình một người trưởng thành bị tiêu chảy 4 – 5 lần trong năm.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy:

  • Không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

  • Bảo quản thực phẩm không an toàn.

  • Không làm sạch các dụng cụ nhà bếp.

  • Dùng nguồn nước bẩn để sinh hoạt và chế biến thức ăn.

  • Ăn đồ ăn thừa chưa hâm nóng hoặc dùng thực phẩm bẩn.

  • Người từng trải qua phẫu thuật ổ bụng hoặc phẫu thuật loại bỏ túi mật.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tiêu chảy

Bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng của bạn, hỏi bạn về tiền sử tiếp xúc, bệnh sử để chẩn đoán tiêu chảy. Bạn cần thu thập đủ thông tin liên quan như các triệu chứng bạn gặp phải, số lần đi tiêu, các loại thuốc hoặc thực phẩm bạn đã dùng,… để hỗ trợ bác sĩ.

Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, trực tràng, phân, nước tiểu để loại trừ nguy cơ bị mắc một số bệnh đường ruột khác.

Phương pháp điều trị tiêu chảy hiệu quả

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy tự khỏi trong vòng một vài ngày mà không cần điều trị. Việc bạn cần là phải uống nhiều nước, hoặc uống các thức uống có chứa chất điện giải để bù lại lượng nước bị mất do tiêu chảy.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể khuyên nên dùng thuốc hoặc phương pháp điều trị khác chẳng hạn như:

  • Uống thuốc kháng sinh: Kháng sinh có thể giúp điều trị tiêu chảy gây ra bởi vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

  • Uống dung dịch bù nước: Đây là loại nước uống được pha chế đặc biệt để ngăn ngừa hoặc điều trị mất nước, đặc biệt là do tiêu chảy. Dung dịch này có thể cung cấp đường, muối và các khoáng chất quan trọng khác đã bị mất trong quá trình tiêu chảy. Bạn cũng có thể tự bù nước tại nhà bằng cách mua dung dịch này tại các hiệu thuốc.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiêu chảy

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Nên rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.

  • Đối với trẻ em, không nên để trẻ nhịn ăn khi bị tiêu chảy. Thay vào đó bạn nên cho trẻ ăn uống bình thường, thức ăn nên chọn loại dễ tiêu hóa và cần được nấu chín kỹ, kết hợp với uống nhiều nước.

  • Thăm khám để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Dùng nước ép trái cây không chứa đường.

  • Ăn thực phẩm chứa kali (chuối, khoai tây), natri (nước canh, súp, bánh quy).

  • Dùng thực phẩm nhiều chất xơ (rau củ, bột yến mạch, gạo,…).

  • Không dùng thực phẩm chứa magiê, đường hoặc sản phẩm từ sữa.

  • Không dùng rượu, cà phê, nước uống có gas.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng tránh tiêu chảy hiệu quả, bạn nên:

  • Rửa tay thường xuyên và nhất là sau mỗi lần sử dụng các phương tiện công cộng.

  • Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

  • Khi áp dụng chế độ ăn kiêng, phải tập cho cơ thể quen dần, tránh chuyển qua chế độ ăn kiêng đột ngột, đặc biệt là chế độ ăn có các loại rau quả, trái cây, ngũ cốc và các loại sản phẩm từ sữa.

  • Không dùng thực phẩm bẩn, mất vệ sinh.

  • Rửa trái cây và rau quả thật sạch trước khi sử dụng.

  • Nấu thức ăn chín kỹ, đặc biệt là thịt.

  • Tránh các loại thực phẩm có chất sorbitol, một loại chất được tìm thấy trong các thực phẩm ăn kiêng.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *