Tìm hiểu chung

Tràn khí màng phổi là gì?

Tràn khí màng phổi xảy ra khi khí lọt vào giữa 2 lá màng phổi làm xẹp phổi, gây ra các triệu chứng như đau ngực dữ dội, khó thở, choáng… Nếu tràn khí màng phổi không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch do xẹp phổi, suy hô hấp và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong.

Tràn khí màng phổi gồm có 2 loại:

  • Tràn khí màng phổi nguyên phát.

  • Tràn khí màng phổi thứ phát.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tràn khí màng phổi

Đau nhói dữ dội ở ngực – đặc biệt khi hít vào thở ra là triệu chứng điển hình của tràn khí màng phổi. Bên cạnh đó là các triệu chứng khác bao gồm:

  • Khó thở, không dám thở sâu do đau ngực;

  • Choáng váng;

  • Tay chân lạnh, vã mồ hôi;

  • Nhịp thở nhanh và nông;

  • Ngất xỉu;

  • Da xanh xao;

  • Dễ mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi bị tràn khí màng phổi

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tràn dịch màng phổi có thể gây ra những biến chứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng mủ màng phổi.

  • Tràn máu, tràn dịch màng phổi sau tràn khí.

  • Suy hô hấp cấp.

  • Dày dính màng phổi.

  • Suy tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi

Phổi có cấu trúc hai lá bao gồm lá thành và lá tạng. Giữa hai lá là khoang màng phổi. Bình thường trong khoang màng phổi cũng có dịch sinh lý bình thường giúp màng phổi hoạt động dễ dàng, nhịp nhàng, trơn tru; nhưng đây là khoang có áp lực âm (không có khí). Vì một lý do nào đó khiến không khí lọt vào trong khoang màng phổi sẽ gây nên tình trạng tràn khí màng phổi. Tràn khí màng phổi có thể do nguyên phát hoặc do thứ phát. Một số nguyên nhân thường dẫn đến tràn khí màng phổi bao gồm:

  • Nhiễm trùng ở phổi: lao phổi, áp-xe phổi vỡ, bụi phổi, vỡ bóng khí phế, viêm phế nang do virus… Trong số đó, lao phổi là nguyên nhân chủ yếu, tỷ lệ gây bệnh đến 40%.

  • Cơn hen suyễn.

  • Chấn thương lồng ngực, chấn thương gãy xương sườn.

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhất là khí phế thủng.

  • Ung thư phế quản thâm nhập hoặc di căn màng phổi.

  • Một số thủ thuật y học: nội soi phế quản, đặt nội khí quản, sinh thiết phế quản, dẫn lưu màng phổi…


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải tràn khí màng phổi?

Tràn khí màng phổi thường xảy ở độ tuổi từ 20 tới 40 tuổi, và thường gặp nhất ở những người cao và gầy. Đối với trường hợp tràn khí màng phổi nguyên phát thì nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nữ giới.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị tràn khí màng phổi, bao gồm:

  • Hút thuốc: Nguy cơ mắc bệnh sẽ tỉ lệ thuận với thời gian hút thuốc và số lượng thuốc hút.

  • Di truyền.

  • Có tiền sử bệnh phổi, tràn khí màng phổi.

  • Thông khí cơ học: Từng được giúp thở bằng máy, bạn có khả năng bị tràn khí màng phổi.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tràn khí màng phổi

Bác sĩ chẩn đoán thông qua:

  • Kiểm tra tiền sử bệnh và khám tổng quát.

  • Chẩn đoán hình ảnh:

    • Chụp X-quang ngực: có thể chẩn đoán được tràn khí màng phổi.

    • Chụp cắt lớp vi tính: Giúp xác định được thương tổn phổi ở dưới vùng tràn khí và xác định nguyên nhân tràn khí.

  • Kiểm tra lượng oxy trong máu.

  • Kiểm tra tim bằng điện tâm đồ.

  • Thăm dò bằng áp lực kế: Xác định áp lực trong màng phổi để đánh giá là tràn khí màng phổi có van hay không,đã bít lỗ dò lại chưa.

Phương pháp điều trị tràn khí màng phổi hiệu quả

Dựa vào mức độ và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị khác nhau. Các phương án điều trị bao gồm:

Dùng thuốc:

  • Giảm đau: Dùng Paracetamol hay Acetaminophen để giảm đau.

  • Giảm ho: Dùng loại ức chế ho như Paxeladine.

  • Kháng sinh: Thường tràn khí màng phổi sẽ bị bội nhiễm do vi khuẩn từ không khí hay từ phế quản phổi vào màng phổi. Nên dùng kháng sinh đường toàn thân và loại có phổ khuẩn rộng như Cefalosporin III.

Điều trị tràn khí:

  • Trường hợp nhẹ: Cơ thể tự hít thở nếu tràn khí màng phổi nhẹ. Người bệnh có thể nằm ở tư thế nửa nằm và nửa ngồi để dễ thở. Tránh vận động mạnh, không khí yên tĩnh. Khẩu phần ăn uống ưu tiên những món dễ tiêu, nhai kỹ.

  • Trường hợp nặng: Đặt ống dẫn lưu ngực để hút không khí ra nếu trường hợp nặng. Phương pháp này giúp tránh xẹp phổi.

Ngoài ra, trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa như:

  • Tràn khí – tràn máu màng phổi do chấn thương.

  • Tràn khí – mủ do vỡ áp-xe phổi hay do lao.

  • Tràn khí màng phổi do chấn thương ngực.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để ngăn ngừa và phòng chống diễn tiến của tràn khí màng phổi, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.

  • Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

  • Nói với bác sĩ về các thuốc bạn dùng, cả thuốc kê toa và không kê toa.

  • Nói với bác sĩ nếu bạn đang trong quá trình mang thai.

  • Gọi bác sĩ nếu bạn bị sốt hoặc thấy mủ chảy ra từ ống ngực dẫn lưu, vì bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc viêm phổi.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *