Tìm hiểu chung
Ung thư amidan là gì?
Amidan là hai bộ phận có hình bầu dục phía sau miệng và là một phần của hệ thống miễn dịch có chức năng tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.
Tình trạng tế bào trong amidan đột biến hoặc phát triển bất thường được gọi là bệnh ung thư amidan. Ung thư amidan thường xuất hiện nhiều nhất ở amidan khẩu cái, nằm hai bên cổ họng hoặc xuất hiện ở amidan họng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư amidan
Bệnh ung thư amidan có các dấu hiệu, triệu chứng giống với triệu chứng viêm họng. Các triệu chứng bệnh cụ thể đó là:
-
Đau miệng, đau họng dai dẳng, đau cổ;
-
Khó thở; nuốt thức ăn, thức uống khó, đặc biệt những thứ có vị chua lại càng đau;
-
Xuất hiện bướu ở cổ;
-
Có máu trong nước bọt;
-
Loét miệng hoặc cổ họng thời gian dài, rất lâu lành;
-
Sưng amidan, hai bên amidan có kích thước chênh lệch nhau.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư amidan
-
Hút thuốc lá.
-
Uống nhiều bia, rượu.
-
Vệ sinh răng miệng kém.
-
Thiếu vitamin A trầm trọng.
-
Tiếp xúc với amiăng.
-
Mắc một số bệnh nhiễm trùng có liên quan đến virus HPV.
-
Do mắc các bệnh ung thư khác và nó di căn đến amidan, gây ung thư amidan.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc ung thư amidan?
Bệnh ung thư amidan có thể xảy đến ở mọi lứa tuổi, giới tính, tuy nhiên nam giới thường có tỉ lệ mắc bệnh ung thư này cao hơn nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư amidan, bao gồm:
-
Lối sống kém lành mạnh, người mắc bệnh nghiện hút thuốc lá, nghiện bia rượu.
-
Môi trường sống không sạch sẽ.
-
Người suy yếu hệ thống miễn dịch, người bị nhiễm virus HPV.
-
Người từng thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư amidan
Ban đầu các bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát và thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp X-quang, CT, MRI để xác định xem bệnh nhân có mắc bệnh ung thư amidan hay không.
Sau đó bác sĩ sẽ xác định, phân loại giai đoạn bệnh. Bệnh sẽ được chia thành bốn giai đoạn sau đây:
-
Giai đoạn I: Khối u nhỏ dưới 2cm nằm trong khu vực amidan và không di căn đến hạch bạch huyết gần đó.
-
Giai đoạn II: Khối u kích thước từ 2 – 4cm và chưa di căn.
-
Giai đoạn III: Khối u lớn hơn 4cm và đã di căn đến hạch cổ cùng với khối u, các hạch bạch huyết có kích thước 3cm hoặc nhỏ hơn.
-
Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn nguy hiểm và phức tạp nhất.
Phương pháp điều trị ung thư amidan hiệu quả
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn, loại ung thư của bệnh nhân, về cơ bản có ba phương pháp điều trị được áp dụng nhiều nhất, đó là:
Phẫu thuật: Hầu như tất cả các bệnh nhân ung thư amidan đều được phẫu thuật để loại bỏ khối u ung thư. Có một số bệnh nhân giai đoạn I và II không cần điều trị thêm sau phẫu thuật nhưng để hết bệnh hoàn toàn cần xạ trị để diệt các tế bào ung thư còn sót lại, tránh nguy cơ phát triển thành khối u khác.
Hóa trị: Được áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn III hoặc IV. Một phương pháp hóa trị mới được ứng dụng hiện nay để thu nhỏ khối u đó là hóa trị cảm ứng.
Xạ trị: Mục đích của xạ trị là tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, tùy vào sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ quyết định sử dụng loại tia nào.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư amidan
-
Bỏ hút thuốc lá, uống rượu, bia.
-
Ăn chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau xanh và trái cây.
-
Có bất cứ dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào xảy ra thì liên hệ ngay với bác sĩ để có giải pháp phù hợp.
-
Tăng cường thể dục thể thao.
-
Vệ sinh thân thể, răng miệng sạch sẽ.
-
Khám sức khỏe thường xuyên để đảm bảo bệnh không tái phát.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.