Tìm hiểu chung
Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng (ruột già) là bệnh lý nguy hiểm, xuất hiện ngày càng nhiều và gây cho người bệnh nhiều khó chịu.
Ung thư đại tràng hình thành ở ruột già, phần cuối của ống tiêu hóa (ruột kết). Phần này kéo dài khoảng 1,5m. Đa số trường hợp ung thư đại tràng đều hình thành từ các u nhỏ, các tế bào lành tính sau đó viêm nhiễm và một trong những khối u đó biến chứng thành ác tính. Khối u đại tràng thường phát triển chậm nhưng lại có kích thước lớn. Nó không chỉ gây tắc nghẽn đường ruột mà còn di căn đến những cơ quan lân cận.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư đại tràng
Dấu hiệu bệnh không rõ ràng và đôi khi khá giống với các bệnh đại tràng khác.
Dấu hiệu cơ năng:
-
Đau bụng: Triệu chứng rất hay gặp, mức độ đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội thành cơn; vị trí đau có thể tương ứng với vị trí khối u hoặc đau lan dọc khung đại tràng; đau cả trước, trong và sau khi đi đại tiện. Đau có thể do khối u phát triển hoặc do tắc ruột gây ra.
-
Tắc ruột và bán tắc ruột: Khi các khối u làm hẹp lòng đại tràng dẫn đến tắc ruột, lồng ruột. Tắc ruột kéo theo đau bụng, nôn hoặc buồn nôn, bụng chướng hơi, quai ruột nổi lên như rắn bò, bụng cứng, bí trung đại tiện.
-
Rối loạn đại tiện: Người bệnh đi ngoài phân lỏng kéo dài, có thể kèm theo nhầy hoặc máu (rất dễ nhầm với hội chứng lỵ và viêm đại tràng). Một số khác, đi ngoài táo bón, không đi ngoài được, hoặc táo bón xen lẫn tiêu chảy.
-
Đi ngoài ra máu: Có thể chỉ đi máu tươi đơn thuần, thường thì đi ngoài kèm nhầy máu, máu loãng nhạt màu.
Dấu hiệu toàn thân: Người bệnh sút cân nhanh chóng, có khi đến 4 – 5kg/ tháng, người mệt mỏi, thiếu máu do mất máu qua phân, da xanh xao.
Triệu chứng thực thể: Khối u to có thể thấy nổi gồ trên thành bụng, có thể sờ thấy hoặc qua thăm khám.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ung thư đại tràng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng
Bệnh ung thư đại tràng ngày càng phổ biến với nhiều nguyên nhân gây bệnh từ khách quan đến chủ quan sau:
-
Do bệnh sử polyp đại tràng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay.
-
Người có tiền sử về bệnh viêm nhiễm đường ruột như: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
-
Chế độ ăn uống không hợp lý ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các khối u đại tràng.
-
Yếu tố di truyền: Bố mẹ mắc bệnh thì con cái có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường 2 – 3 lần.
-
Tiền sử về các bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.
-
Thói quen sinh hoạt xấu như lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia,…
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc ung thư đại tràng ?
Mọi độ tuổi đều có khả năng mắc căn bệnh này, bệnh càng dễ xuất hiện ở những người ngoài 50 tuổi.
Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, bao gồm:
-
Lối sống không lành mạnh, sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia
-
Lười vận động.
-
Ăn uống không hợp lý. Ăn nhiều chất đạm, các đồ chế biến bằng nướng, rán hay hun khói, thức ăn chứa nhiều cholesterol, thực phẩm đóng hộp
-
Ăn ít chất xơ, các loại rau củ quả.
-
Người có tiền sử bệnh ung thư.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư đại tràng
Bạn nên theo dõi tình trạng bệnh cũng như các dấu hiệu bất thường của cơ thể để có những phương án điều trị và đối phó kịp thời. Bác sĩ sẽ chẩn đoán ung thư đại tràng bằng cách:
-
Khám sàng lọc ung thư đại trực tràng với mục đích phát hiện sớm trường hợp ung thư bề mặt và khu trú ở những người không có triệu chứng. Phương pháp được sử dụng ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình bị bệnh ở thế hệ thứ 1 và ở người có đa polyp dạng tuyến cần phải kiểm tra định kỳ hàng năm.
-
Xét nghiệm máu ẩn trong phân để chỉ dương tính khoảng 50% trường hợp ung thư đại trực tràng vì chảy máu thường xảy ra từng đợt và có khi dương tính giả. Vì vậy khi có máu ẩn (+) thì cần phải làm thêm xét nghiệm như nội soi trực tràng hay toàn bộ đại tràng hay chụp nhuộm đại tràng có bari.
-
Soi sigma- trực tràng: Khi có biểu hiện máu ẩn trong phân (+).
-
Soi đại tràng toàn bộ nếu bệnh nhân có các rối loạn thói quen tống phân.
-
Xét nghiệm CEA mỗi 3 tháng cho người có nguy cơ cao: Giá trị CEA tăng trong các trường hợp ung thư.
Tùy vào cơ địa và mức độ bệnh ở giai đoạn nào mà bác sĩ sẽ tiến hành những phương án điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị ung thư đại tràng hiệu quả
Ung thư đại tràng có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh, giai đoạn phát triển của khối u như:
-
Phẫu thuật:
Trường hợp phát hiện bệnh sớm, khối u có thể được phẫu thuật cắt bỏ trong quá trình làm nội soi đại tràng. Trường hợp những người bị ung thư khu trú, điều trị thích hợp nhất là phẫu thuật cắt bỏ với biên độ thích hợp. Nếu chỉ có một vài di căn trong gan hoặc phổi cũng có thể phải phẫu thuật gỡ bỏ. Đôi khi hóa trị liệu được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ các vùng ung thư trước khi loại bỏ nó.
-
Hóa trị:
Dùng thuốc bằng đường tiêm hoặc uống để diệt tế bào ung thư. Các thuốc vào máu và đi khắp cơ thể vì thế có lợi thế cho trường hợp ung thư đã phát triển và di căn. Phương pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ như: tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa, chán ăn, rụng tóc, phù và nổi mẩn ở chân tay, đau họng, dễ nhiễm trùng, mệt mỏi.
-
Xạ trị:
Dùng tia có năng lượng cao (tia X) để diệt tế bào ung thư hoặc làm teo tế bào. Xạ trị có thể từ bên ngoài cơ thể hoặc bên trong. Xạ trị có thể giúp hỗ trợ sau mổ bằng cách diệt số tế bào ung thư còn sót lại sau mổ. Nếu khối u quá lớn hoặc ở vị trí khó mổ chúng ta có thể xạ trị trước cho khối u nhỏ lại để mổ dễ hơn. Một số tác dụng phụ như: da bị kích thích, buồn nôn, tiêu chảy, liệt dương ở nam giới.
-
Sử dụng thuốc, hay kết hợp một hay nhiều phương pháp trên.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư đại tràng
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh.
Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nguy cơ mắc bệnh khi thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe đúng cách.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.