Tìm hiểu chung

Ung thư gan là gì?

Gan là một bộ phận ở phần trên bên phải của bụng, dưới cơ hoành và trên dạ dày, cơ quan giúp lọc bỏ độc chất trong máu khỏi cơ thể bạn. Đồng thời, gan đóng vai trò trong tiêu hóa thức ăn và dự trữ năng lượng. Khi các tế bào gan ung thư hóa, gan không thể thực hiện chức năng thích hợp, dẫn tới các tác động có hại và nghiêm trọng đến cơ thể.

Ung thư gan hay còn gọi là ung thư nguyên phát, đây là sự phát triển và lan rộng nhanh chóng của các tế bào không lành mạnh trong gan. Khi các tế bào ung thư lan rộng đến các cơ quan khác trong cơ thể có thể gọi là ung thư thứ phát. Đây là bệnh khá phổ biến, nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Có 2 loại ung thư gan là:

Ung thư nguyên phát là loại ung thư do chính các tế bào gan hình thành; biểu hiện qua các loại:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan, là ung thư gan phổ biến nhất xuất phát từ các tế bào gan.

  • Ung thư ống mật (ung thư biểu mô đường mật) ít phổ biến hơn.

  • Sarcôm mạch máu là một thể hiếm gặp.

  • Ung thư nguyên bào gan là một thể rất hiếm gặp.

Ung thư gan thứ phát (ung thư lan đến gan) hay còn gọi ung thư di căn gan, thường gặp hơn nhiều so với ung thư gan nguyên phát. Ung thư của đại tràng, trực tràng, phổi hay vú có thể di căn gan âm thầm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư gan

  • Sút cân, chán ăn;

  • Cảm giác yếu và mệt mỏi;

  • Đau thượng vị, buồn nôn, ói mửa;

  • Nước tiểu có màu vàng tối.

Ngoài ra, chúng ta dễ nhận biết bệnh qua các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng vùng gan được xem là dấu hiệu đầu của ung thư gan. Người bệnh có cảm giác đau dữ dội ở gan bên phần bụng (dấu hiệu thường gặp của ung thư gan nguyên phát);

  • Khối u gan lớn: Phát hiện gan ngày một to ra, cứng, bề mặt không nhẵn, có những nốt hay những khối u lớn nhỏ không đồng nhất, bị nhô ra tại cục bộ, đường viền nhẵn nhưng không đều, thường bị đau tức.

  • Vàng da: Dấu hiệu thường gặp ở khoảng 1/3 số bệnh nhân ung thư gan, nhất là giai đoạn cuối. Do các tế bào gan bị tổn thương và khối u gan chèn ép lên đường mật gây ra.

  • Sốt: Người bệnh sốt cao từ 39 độ C trở lên, có thể duy trì sốt nhẹ nhưng cũng có lúc chuyển thành sốt cao đột ngột.

  • Các dấu hiệu thường gặp về tiêu hóa như: Ăn không ngon miệng, tiêu hóa kém, buồn nôn, ói mửa, đi ngoài, mất sức, gầy yếu, cơ thể bị suy nhược.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư có mức độ tử vong hàng đầu trên thế giới được báo động bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do đó, bạn cần phải quan tâm đến sức khỏe của mình cũng như người thân, tránh những biến chứng như: suy gan (nguyên nhân chính gây tử vong), suy thận, ung thư gan di căn,.. rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh.

Hãy đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để được thăm khám, xét nghiệm và có phương án điều trị kịp thời khi có những dấu hiệu dưới đây:

  • Bạn thấy cơ thể có những dấu hiệu về rối loạn tiêu hóa giống bệnh ung thư gan hãy nhanh chóng tham khảo sự tư vấn, chuẩn đoán của bác sĩ.

  • Những dấu hiệu về sốt cao kéo dài, vàng da, mệt mỏi,… hay bất kỳ các dấy hiệu trên.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan

Bệnh ung thư gan có nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm trùng mạn tính với các virus gây viêm gan như Viêm gan siêu vi B (HBV) hay Viêm gan siêu vi C (HCV). Những virus này lan truyền từ người này qua người khác qua trực tiếp hoặc qua các vật thể bị nhiễm virus, bao gồm:

  • Dùng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh.

  • Quan hệ tình dục không an toàn.

  • Truyền từ mẹ sang con trong khi sinh;

  • Truyền máu của người nhiễm bệnh sang người khác cũng có thể làm lan truyền virus.

Mặc khác, ung thư còn do một số nguyên nhân gây nên như:

  • Hút thuốc lá quá nhiều.

  • Uống nhiều bia rượu.

  • Dùng thuốc và hóa chất.

  • Di truyền.

  • Môi trường.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ung thư gan?

Bệnh ung thư gan là bệnh khá phổ biến, xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào nếu như có liên quan đến các nguyên nhân gây bệnh. Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư gan, bao gồm:

  • Người cao tuổi dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn người trẻ.

  • Nam giới dễ phát triển ung thư hơn nữ.

  • Người béo phì, người mắc bệnh xơ gan, người có viêm gan siêu vi B (HBV) hay viêm gan siêu vi C (HCV) có nguy cơ ung thư gan cao nhất.

  • Người Châu Á và các đảo Thái Bình Dương dễ bị ung thư gan hơn người châu Âu.

  • Người tiếp xúc nhiều rượu bia, thuốc lá,  sử dụng các steroid để làm tăng sức mạnh và khối cơ; tiếp xúc lâu dài với các chất arsenic, aflatoxin, vinyl chloride, và thorium dioxide.

Từ những yếu tố nguy cơ trên, hãy chủ động xây dựng cho mình kế hoạch sinh hoạt, làm việc, dinh dưỡng khoa học để phòng chống, đẩy lùi căn bệnh ung thư gan.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư gan

Để chẩn đoán ung thư gan, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp sau:

Khám lâm sàng: Khám lâm sàng về hình dạng hay kích thước của gan, lách và các cơ quan lân cận bằng cách ấn trên bụng bạn. Các dấu hiệu vàng da, niêm mạc mắt hay dịch tạo thành trong ổ bụng được gọi là báng bụng sẽ là cơ sở để chẩn đoán ung thư gan.

Xét nghiệm máu: Những kết quả nghiệm máu để đánh giá các vấn đề gan và xem gan hoạt động như thế nào. Ví dụ như tìm alphafetoprotein (AFP), nồng độ AFP cao có thể là một dấu hiệu của ung thư gan.

Chụp CT scan: Kiểm tra gan và các cơ quan khác, mạch máu, ổ bụng bằng tia X nhằm xác định bất kì khối u trong gan hay các cơ quan khác.

Kiểm tra MRI: Kiểm tra hình ảnh chi tiết các nội tạng bằng máy MRI giúp bác sĩ tìm thấy những vùng bất thường hiện lên rõ ràng hơn trên phim.

Siêu âm: Kiểm tra hình ảnh của gan và các cơ quan khác bằng sóng âm. Các phản âm tạo bởi một khối u khác với các mô lành mạnh.

Sinh thiết: Bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết gan để tìm các tế bào ung thư trong mô. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ gan của bạn để kiểm tra dưới kính hiển vi.

Phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả

Từ những phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm, bác sĩ sẽ chú ý đến tình trạng gan, kích thước, vị trí, lượng khối u, mức độ lan rộng, tuổi tác, tình trạng sức khỏe. Sau đó, họ có những phương án điều trị đúng cách cho từng cơ địa của bệnh nhân.

Một số phương án điều trị như:

  • Ghép gan đối với bệnh nhân có ung thư chưa lan rộng, có thể thay thế gan.

  • Phẫu thuật: Cắt bỏ một phần gan để loại bỏ khối u khỏi gan.

  • Cắt bằng sóng cao tần: Sử dụng một đầu dò đặc biệt để phá hủy mô ung thư bằng nhiệt.

  • Phẫu thuật lạnh: Phương pháp này sẽ dùng khí cực lạnh để tiêu diệt tế bào ung thư.

  • Thuyên tắc chọn lọc hay thuyên tắc bằng hóa chất: Sử dụng thuốc chống ung thư.

  • Xạ trị: Sử dụng tia phóng xạ (tia X năng lượng cao) để phá hủy những tế bào ung thư.

  • Liệu pháp thuốc nhắm trúng đích: Sử dụng thuốc nhắm chuyên biệt vào các tế bào ung thư.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư gan

Đối với bệnh nhân mắc ung thư cần chú ý nhiều thứ trước và sau phẫu thuật và trong giai đoạn phục hồi. Bạn nên tìm hiểu về bệnh tình của mình để có kế hoạch đối phó khoa học như:

  • Tái khám thường xuyên để theo dõi chức năng gan và các triệu chứng tái phát. Điều này có thể giúp bác sĩ phát hiện và điều trị kịp thời khi các biến chứng bất thường diễn ra.

  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học để cải thiện vị giác và khuyến khích ăn, bạn có thể cố ăn các loại protein (sữa, trứng và thịt nạc) và đa vitamin. Bạn nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như rau, quả, trái cây.

  • Hạn chế ăn dầu mỡ từ động vật.

  • Chế độ sinh hoạt khoa học như tập luyện thể dục thể thao hợp lý.

  • Tuyệt đối không dùng rượu bia và thuốc lá.

Những phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Xây dựng môi trường sống lành mạnh, thói quen sống tốt.

  • Tránh sử dụng rượu bia và hút thuốc lá ngay từ bây giờ.

  • Tránh các thuốc và các chất hóa học có thể khiến gan bạn làm việc vất vả hơn.

  • Không quan hệ tình dục với người lạ hoặc người nhiễm bệnh.

  • Không dùng chung kim tiêm với người khác.

  • Khi bố/mẹ bị các bệnh về gan, cần thăm khám trước khi có kế hoạch sinh con.

  • Thăm khám sức khỏe thường xuyên để kiểm soát tình trạng của cơ thể.

  • Khi có các vấn đề về gan cần điều trị kịp thời và loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *