Tìm hiểu chung
Ung thư thực quản là gì?
Thực quản là ống nối miệng và cổ họng xuống dạ dày. Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Đoạn 1/ 3 trên và 1/3 giữa hầu hết là ung thư biểu mô vảy nhạy cảm với tia xạ, hoá chất. Đoạn 1/3 dưới hay gặp là ung thư biểu mô tuyến ít nhạy cảm với tia xạ, hoá chất. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn khi có biểu hiện trên lâm sàng. Cần lưu ý việc phát hiện sớm bệnh lý này là vô cùng quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị sao cho hợp lý và kịp thời nhất có thể.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thực quản
-
Nuốt nghẹn: Là triệu chứng thường gặp nhất nhưng không đặc hiệu. Khởi đầu có cảm giác nuốt vướng sau xương ức. Nuốt nghẹn mơ hồ, nhận thấy tương đối rõ khi nuốt thức ăn đặc. Dấu hiệu nghẹn tăng dần và biểu hiện ngày càng rõ, lúc đầu khó nuốt với thức ăn đặc về sau khó nuốt với thức ăn lỏng, cuối cùng là uống nước cũng nghẹn.
-
Trớ: Do khối u cản trở thức ăn, dịch tiết thực quản, nước bọt đọng lại, khi ngủ trớ ra ngoài. Dịch trớ lạc vào đường thở gây nên hiện tượng viêm đường hô hấp kéo dài. Bệnh nhân hầu như không nôn.
-
Triệu chứng khác như: Đau sau xương ức, đau mơ hồ, dai dẳng. Khàn tiếng mức độ vừa do viêm đường hô hấp trên, hoặc khàn rõ do u hoặc hạch di căn xâm lấn thần kinh quặt ngực. Rò thực quản – khí phế quản: ho khạc liên miên, đau ngực dai dẳng, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Triệu chứng thực thể nghèo nàn, đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên.
-
Triệu chứng toàn thân: Người gầy sút, trong 1 tháng có thể sút hơn 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng. Da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ. Mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn rõ và dễ nhận thấy nhất. Mất nước mạn tính, suy dinh dưỡng và suy kiệt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi gặp phải những triệu chứng nêu trên thì bạn cần đến gặp bác sĩ để khám và chẩn đoán, đồng thời nhận lời khuyên. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ khiến bệnh trở nặng và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản
Hiện nay người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư thực quản. Có một số yếu tố được coi là tác nhân gây ra ung thư thực quản như:
-
Hút thuốc lá, uống rượu mạnh. Người nghiện thuốc lâu năm có nguy cơ mắc ung thư thực quản khá cao.
-
Nitrosamine được tìm thấy trong các chất bảo quản thực phẩm cũng có liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh ung thư thực quản cao ở một số nước.
-
Tổn thương thực quản do chất xút.
-
Người có bệnh lý thực quản như viêm thực quản trào ngược, bệnh tâm vị không giãn.
-
Chế độ ăn ít chất xơ và rau quả, thiếu các vitamin A, B2 và C.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị ung thư thực quản?
Ung thư thực quản tương đối hiếm gặp ở Việt Nam. Bệnh nhân mắc phải thường phát hiện muộn, dẫn đến điều trị khó khăn.
Bệnh có thể tấn công tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi và hiếm gặp ở người trẻ dưới 40 tuổi, thường gặp ở người trên 50 tuổi.
Về giới tính: không có sự khác biệt giữa nam và nữ tại những vùng có tỉ lệ mắc cao. Tuy nhiên tại những vùng có tỉ lệ mắc thấp, nam nhiều hơn nữ.
Về vị trí khối u, ung thư thực quản thường gặp nhất ở 1/3 giữa, chiếm khoảng 47%, ít gặp nhất ở 1/3 trên, chiếm khoảng 17%. Vùng 1/3 dưới chiếm 36%, khả năng mổ được khá cao.
Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản
-
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Thống kê cho thấy nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những gia đình có người thân được chẩn đoán ung thư thực quản. Do đó các bác sĩ khuyến cáo với những trường hợp phát hiện người thân mắc bệnh thì người trong gia đình cũng nên đi khám để tầm soát bệnh sớm.
-
Nhóm người mắc các bệnh lý mạn tính thực quản.
-
Có thói quen ăn đồ cay nóng, bên cạnh đó là thói quen ăn thức ăn quá khô, quá cứng.
-
Những người lớn tuổi, thường trong độ tuổi từ 40-60 tuổi vì khi đó sức đề kháng của cơ thể yếu. Tuy nhiên thông tin này cũng không đồng nghĩa với việc những người trẻ tuổi không có khả năng mắc bệnh.
-
Người hút thuốc lâu năm.
-
Người làm việc trong các nhà máy hóa chất độc hại như amiang, photpho, magie, benzen.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư thực quản
Các bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư thực quản bằng cách:
Thực hiện các xét nghiệm liên quan đến thực quản như nội soi thực quản để chẩn đoán ung thư thực quản. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường từ kết quả nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu phẩm tế bào thực quản, mô bệnh học để đem đi làm giải phẫu và từ đó đưa đến những kết luận ban đầu về bệnh lý.
Các xét nghiệm có thể được chỉ định như:
-
Chụp thực quản cản quang: Hình ảnh X-quang có thể thấy u lồi vào lòng thực quản, nhiễm cứng thành thực quản, ổ loét. Chụp thực quản cho phép nhận định được tổn thương vị trí khối u ở 1/3 trên, giữa hay dưới.
-
Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT giúp đánh giá mức độ lan rộng của u ở thành thực quản và sự xâm lấn vào tổ chức xung quanh thực quản và trung thất, đánh giá khả năng cắt bỏ được thực quản hay không. CT còn phát hiện hạch to, có thể xếp loại giai đoạn bệnh.
Phương pháp điều trị ung thư thực quản hiệu quả
Tùy thuộc vào kích thước, vị trí, sự lan tràn của tế bào ung thư cũng như tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị bệnh phù hợp.
Giai đoạn sớm:
-
Điều trị bằng nội soi để cắt niêm mạc hoặc dùng Argon plasma.
-
Nếu khối u chỉ giới hạn tại lớp biểu mô, 80% bệnh nhân sống trên 5 năm. Khi khối u xuống lớp dưới niêm mạc chỉ còn 50% bệnh nhân sống trên 5 năm.
Giai đoạn tiến triển:
-
Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp tốt nhất nếu chưa có di căn xa.
-
Điều trị tia xạ đơn thuần khi khối u không còn còn khả năng cắt bỏ hoặc bệnh nhân không dung nạp với hóa chất.
-
Điều trị tia xạ phối hợp: phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên có thể dùng tia xạ điều trị phối hợp với hóa chất hoặc dùng phối hợp trước và sau phẫu thuật. Dùng tia xạ phối hợp với hóa chất để điều trị làm tăng thời gian sống thêm so với điều trị tia xạ đơn thuần.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư thực quản
Chế độ sinh hoạt:
-
Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
-
Hít thở sâu và chậm bất cứ khi nào bạn cảm thấy buồn nôn.
-
Có thể giúp những người bệnh vận động luyện tập thể dục một cách nhẹ nhàng hay cùng họ chơi những trò chơi liên quan đến trí óc.
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
-
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
-
Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn.
-
Không ăn thực phẩm quá nóng, quá lạnh hay quá cứng, uống nhiều nước có gas.
-
Tránh ăn quá nhanh.
-
Cần hạn chế chế độ ăn có nhiều axit, cay, nóng và đồ ăn có quá nhiều gia vị. Nên có chế độ dinh dưỡng nhẹ nhàng, ưu tiên ăn đồ nhuyễn.
-
Ăn chậm, uống chậm.
-
Nên chia nhỏ bữa ăn.
-
Bệnh nhân không chỉ được chăm sóc về dinh dưỡng mà cần được chăm sóc về tâm lý và tinh thần. Nên tạo không khí vui vẻ, không nên coi họ là những con bệnh.
Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả
-
Bỏ hút thuốc lá.
-
Hạn chế bia rượu.
-
Có chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều trái cây và rau quả. Tránh ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn như: giăm bông, xúc xích… và đồ cay nóng
-
Duy trì một trọng lượng hợp lý. Cắt giảm calo, tinh bột và chất béo bên cạnh việc hoạt động thể chất đều đặn sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh.
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.