Tìm hiểu chung

Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp là ung thư về tuyến giáp, chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Nó xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp. Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm ở vùng cổ phía trước và dưới. Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là tiết ra hormone vào trong máu và được vận chuyển tới từng mô trong cơ thể. Tế bào ở tuyến giáp được gọi là tế bào nang và tế bào cận nang.

Ung thư tuyến giáp là loại bệnh lý ung thư tiến triển thầm lặng, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài,. Do kích thước khối u nhỏ và tiến triển bệnh tương đối chậm nên bệnh nhân thường phát hiện ở giai đoạn muộn và di căn.

Có 4 dạng ung thư tuyến giáp chính là: dạng nhú, dạng nang, dạng tuỷ và dạng không biệt hóa.

  • Ung thư dạng nhú (chiếm từ 70 – 80%) phát triển từ các tế bào sản xuất các hormone tuyến giáp chứa i-ốt. Các tế bào ung thư phát triển rất chậm và tạo thành nhiều cấu trúc nhỏ hẹp hình nấm trong khối u. Các khối u này thường có thể điều trị thành công, ngay cả khi các tế bào u đã lan sang các hạch bạch huyết lân cận.

  • Các khối u dạng nang (chiếm từ 10-15%) cũng phát triển từ các tế bào tạo hormone chứa i-ốt. Những khối u này có một lớp mô mỏng bao quanh được gọi là vỏ. Nhiều u dạng nang có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể khó kiểm soát được nếu khối u xâm lấn vào mạch máu hoặc tăng trưởng xuyên qua vỏ sang các cấu trúc vùng cổ lân cận.

  • Các khối u dạng tuỷ (chiếm từ 5-10%) ảnh hưởng các tế bào tuyến giáp sản xuất hormone không chứa i-ốt. Dù các khối u này phát triển chậm nhưng chúng khó kiểm soát hơn so với các u dạng nang và dạng nhú.

  • Các khối u không biệt hóa (chiếm từ 5-10%) là loại tăng trưởng nhanh nhất trong tất cả các loại khối u tuyến giáp. Các tế bào ung thư, đặc biệt bất thường, lan rất nhanh sang các bộ phận khác của cơ thể.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến giáp

Thông thường, ung thư tuyến giáp khi mới khởi phát sẽ không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nên rất khó nhận biết. Một số ít trường hợp, ung thư tuyến giáp có các triệu chứng đầu tiên là khối u thứ cấp trong xương hoặc phổi sau khi ung thư đã tràn ra ngoài tuyến giáp.

Triệu chứng ung thư tuyến giáp sớm:

  • Đa số ung thư tuyến giáp tiến triển âm thầm, chậm chạp và kéo dài nên bệnh nhân vẫn sinh hoạt và lao động bình thường. Đến khi xuất hiện những rối loạn tại chỗ do u chèn ép, xâm ấn (khó thở và không ăn uống được), khối u hoại tử, bội nhiễm và loét thì tình trạng toàn thân mới sa sút nặng.

  • Khối u: u to ra dần, di động theo nhịp nuốt, có thể nằm ở bất cứ vị trí nào của tuyến giáp. Mật độ thường chắc, bề mặt gồ ghề.

  • Hạch cổ: Có khi u chưa sờ thấy được nhưng đã có hạch ở cổ to. Cần lưu ý theo dõi và kiểm tra phân biệt với bướu lành tính.

Triệu chứng ung thư tuyến giáp muộn:

  • Khối u: Có khi khá lớn, lấn ra phía trước, ra sau, lên hai cực trên sát hai góc hàm và xuống dưới vào trong trung thất. Bề mặt thường gồ ghề, mật độ có chỗ cứng chắc có chỗ mềm.

  • Khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, nuốt nghẹn… do khối u phát triển xâm lấn và chèn ép các cơ quan xung quanh.

  • Cảm giác vướng tức, bó chặt ở vùng cổ: đây là triệu chứng thường gặp, có khi cảm giác đau tức tại u lan lên góc hàm, mang tai cùng bên do u chèn ép và kích thích đám rối thần kinh cổ.

  • Hạch to ở vùng cổ (dọc hai bên khí quản, theo các bờ trong, ngoài và sau hai cơ ức đòn chũm, góc hàm, hố thượng đòn…).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào nhận thấy các dấu hiệu bất thường như đã nêu trên bạn nên đến trung tâm y tế uy tín hoặc bệnh viện để được tư vấn và xét nghiệm. Đa số bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp gây ra bởi những thay đổi trong các tế bào trong tuyến giáp. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, việc tiếp xúc với chất phóng xạ cũng là nguy cơ rủi ro cao dẫn đến bệnh, đặc biệt là với các ở trẻ em được điều trị bằng liệu pháp xạ trị ở đầu, cổ hay ngực trong suốt khoảng thời gian còn là trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp?

Bệnh có thể gặp ở mọi giới tính. Tỉ lệ mắc theo tuổi ở nữ giới cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới.

Ung thư giáp thường gặp ở người trẻ hơn là người lớn tuổi, trong đó 2/3 trường hợp dưới 55 tuổi và 25% gặp ở trẻ em.

Tỉ lệ ung thư giáp gia tăng tại các vùng bướu cổ địa phương. Những người bị chiếu tia xạ, tia X vào vùng cổ khi còn trẻ để chữa các bệnh lành tính khác cũng bị nguy cơ ung thư giáp nặng hơn.

Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Những người có tiền sử phơi nhiễm bức xạ liều cao.

  • Tiền sử có người ung thư tuyến giáp trong gia đình.

  • Những bất thường ở tuyến giáp như người bệnh có bướu giáp nhân đơn độc, có tiền sử bướu giáp…

  • Không đủ i-ốt trong chế độ ăn uống.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Khi nhận thấy có nguy cơ, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và khám thực thể bệnh nhân. Ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán sau bằng chọc hút kim nhỏ hoặc phẫu thuật cắt nhân tuyến giáp.

Một số xét nghiệm có thể được chỉ định:

  • Chụp X-quang: Quan sát mối quan hệ giữa khí quản và tuyến giáp, ngoài ra còn có thể quan sát bên trong tuyến giáp có tình trạng bị vôi hoá không nữa.

  • Siêu âm: Không chỉ có thể phát hiện được tình trạng, kích thước, số lượng của khối u bên trong tuyến giáp mà còn có thể xác định là khối u nang hay khối u rắn.

  • Xét nghiệm tế bào: Không chỉ giúp phân biệt rõ tính chất của khối u là lành tính hay ác tính mà còn có thể phân định rõ loại hình bệnh lý của khối u ác tính.

  • Kiểm tra bằng phóng xạ hạt nhân: Có thể xác định rõ trạng thái, vị trí và chức năng của tuyến giáp.

  • Chụp CT: Có thể hiển thị rõ vị trí, trạng thái, kích cỡ của khối u và mối quan hệ giữa cổ họng, khí quản, thực quản, đồng thời có thể nhìn thấy mức độ xâm lấn của khối u.

Chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh ung thư tuyến giáp, là mấu chốt trong việc điều trị bệnh.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả

Những kết quả của các xét nghiệm giúp các bác sĩ lập kế hoạch điều trị ung thư tuyến giáp phù hợp. Tùy theo loại và giai đoạn của ung thư tuyến giáp, sức khỏe tổng thể và sở thích mà bệnh nhân sẽ có liệu trình điều trị riêng:

  • Phẫu thuật: Cắt toàn bộ tuyến giáp và vét hạch cổ chọn lọc là phương pháp thường được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm có thể chỉ cần phẫu thuật.

  • Điều trị I-131: Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại (lành tính và ung thư) sau khi phẫu thuật.

  • Điều trị UTTG tiến triển: Dù phẫu thuật và điều trị I-131 là hai phương pháp chính nhưng những phương pháp này cũng có khi không hiệu quả. Khi đó xạ trị sẽ được sử dụng. Ngoài việc là phương pháp có thể áp dụng để điều trị di căn xương và các di căn khác thì xạ trị còn có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến giáp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần theo dõi định kỳ bởi vì bệnh có thể tái phát sau điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân phải duy trì dùng thuốc hormon tuyến giáp (levothyroxine) từ sau khi mổ cắt tuyến giáp đến hết đời.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Người bệnh cần có một chế độ ăn uống nghiêm ngặt với hàm lượng i-ốt thấp.

  • Hạn chế đồ uống có gas, thực phẩm nhiều chất béo và calo…

  • Người bệnh ung thư tuyến giáp thường khó nuốt, nên khi chế biến thức ăn cho người bệnh nên nấu chín để thực phẩm mềm, dễ ăn hơn.

  • Ngoài ra, bạn nên chọn thực phẩm giàu protein để bổ sung lượng calo và năng lượng cần thiết cho cơ thể, bổ sung nhiều trái cây tươi và rau quả.

  • Nên chia bữa ăn làm nhiều bữa cho bệnh nhân, mỗi bữa ăn một ít.

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Việc phòng ngừa ung thư tuyến giáp là tương đối khó vì bệnh không có triệu chứng đặc trưng rõ ràng. Bạn nên đi làm xét nghiệm máu nếu muốn biết mình có nguy cơ cao bị các loại ung thư tuyến giáp có tính di truyền hay không. Trong trường hợp được phát hiện có nguy cơ bị ung thư, có thể cần phải cắt bỏ tuyến giáp dù chưa có triệu chứng gì cả. Ngoài ra bạn nên:

  • Tránh tiếp xúc với bức xạ từ khi còn quá nhỏ.

  • Duy trì một chế độ ăn uống ít chất béo và duy trì thể trọng cơ thể hợp lý.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
    tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *