Tìm hiểu chung
Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là ung thư xảy ra ở vòm họng (phần trên của họng, phía sau mũi). Đây là một bệnh lý ác tính của biểu mô vòm mũi họng, đứng đầu trong các ung thư ở khu vực Tai Mũi Họng – Đầu Mặt Cổ, đứng hàng thứ tư trong các loại ung thư nói chung. Bệnh rất phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.
Bệnh tiến triển âm thầm và kín đáo, thường không có biểu hiện đặc trưng và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý thường gặp khác. Do đó việc phát hiện bệnh thường đã vào giai đoạn chậm trễ. Ung thư có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua mô, hệ thống bạch huyết và máu, bộ phận thường di căn đến nhất là xương, phổi và gan. Bệnh gồm có 4 giai đoạn, giai đoạn càng sớm thì khả năng ung thư di căn càng thấp:
-
Giai đoạn 1: Ung thư vòm họng giai đoạn đầu.
-
Giai đoạn 2: Ung thư vòm họng giai đoạn trung gian.
-
Các giai đoạn 3 và 4: Ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển và cuối.
Tổ chức Y tế Thế giới phân loại ung thư vòm họng thành 3 dạng:
-
Ung thư biểu mô vảy.
-
Ung thư biểu mô không sừng hóa.
-
Ung thư biểu mô không biệt hóa.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm họng
Giai đoạn đầu, bệnh ung thư vòm họng có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Người bệnh có thể nhận thấy bốn nhóm triệu chứng như sau:
-
Ở mũi: Ngạt tắc mũi, chảy mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.
-
Ở tai: U gây tắc vòi nhĩ gây điếc dẫn truyền một bên tai, viêm tai thanh dịch một bên, ù tai, chóng mặt.
-
Triệu chứng thần kinh: Biểu hiện khi u lan rộng vào nền sọ: Lác trong, lác ngoài, sụp mi, lồi mắt, có khi mù.
-
Hạch cổ: Có thể hạch cổ là dấu hiệu duy nhất dù chưa phát hiện được u.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám bệnh ngay nếu bạn nhận ra những thay đổi bất thường và dai dẳng trong người như nghẹt mũi bất thường, ù tai, chóng mặt… ở các bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa uy tín.
Nếu để lâu có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm:
-
Ung thư phát triển xâm lấn các cấu trúc lân cận: Ung thư vòm giai đoạn muộn có thể gây biến chứng khi xâm lấn các cơ quan lân cận như họng, xương và não.
-
Ung thư lan rộng đến các vùng khác: Ung thư vòm thường di căn khỏi vùng mũi họng. Các tế bào ung thu sẽ di chuyển từ khối u ban đầu ra các vùng lân cận như hạch bạch huyết ở vùng cổ. Ngoài ra tế bào ung thư còn có thể lan đến xương, phổi, gan và các vùng khác của cơ thể, gọi là di căn xa.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm họng
Cho đến nay nguyên nhân bệnh vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng bên cạnh đó nó dường như là hậu quả của một quá trình nhiều chặng với sự kết hợp của 3 yếu tố quan trọng là EBV, chủng tộc và tác động của mội trường.
-
Yếu tố môi trường – thức ăn: Vấn đề môi trường sống như vi khí hậu, bụi, khói, ô nhiễm môi trường, tập quán ăn uống như cá muối của người gốc Quảng Đông, cà muối, dưa muối, nước mắm, cá muối có chứa chất Nitrosamin.
-
Virus Epstein-Barr (EBV): Virus lây lan chủ yếu qua đường miệng.
-
Yếu tố gen và gia đình: Người cùng huyết thống có khả năng mắc cao nhiều hơn so với những loại ung thư khác.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị ung thư vòm họng?
-
Bệnh mang đặc điểm vùng miền: Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là những nơi có tỉ lệ mắc cao nhất, tiếp theo đó là các nước vùng Bắc Phi.
-
Tuổi tác: Thường bệnh nhân mắc phải ở khoảng độ từ 50 đến 70 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở tuổi trẻ hơn, bệnh ít gặp ở lứa tuổi 20 – 30.
-
Giới tính: Số lượng nam giới mắc phải cao gấp 3 lần nữ giới.
Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư vòm họng
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc phải có thể kể đến như:
-
Mắc Virus Epstein-Barr: Virus này liên quan đến một số bệnh ung thư hiếm gặp, trong đó có ung thư vòm họng.
-
Rượu và thuốc lá: Nếu bạn uống hoặc hút một lượng lớn các chất này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
-
Môi trường sống ô nhiễm.
-
Ăn cà muối, dưa muối, nước mắm, cá muối có chứa chất nitrosamin.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư vòm họng
Bệnh nhân thường bắt đầu bằng khám tổng quát. Bác sĩ hỏi về triệu chứng và khám thực thể để nhận biết có sưng hạch bạch huyết hay không. Các xét nghiệm kèm theo bao gồm:
-
Nội soi tai – mũi – họng: Có giá trị trong chẩn đoán khi nhìn thấy hình thái u.
-
Chụp CT, MRI: Giúp phát hiện sự phá hủy xương, sự lan rộng của u vào nền sọ.
-
Sinh thiết dưới nội soi giúp chẩn đoán xác định ung thư vòm.
-
Đôi khi nghi ngờ u cần sinh thiết dưới niêm mạc ở vị trí hố Rosenmuller để chẩn đoán xác định.
Phương pháp điều trị ung thư vòm họng hiệu quả
Dựa trên nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, mục tiêu điều trị, tình trạng sức khỏe và khả năng chịu đựng với các tác dụng phụ của thuốc mà các bác sĩ sẽ tư vấn điều trị cho bạn. Điều trị ung thư vòm thường bắt đầu bằng xạ trị hoặc phối hợp xạ trị và hóa trị.
Xạ trị liệu pháp:
Sử dụng chùm tia có năng lượng lớn như chùm tia X để giết chết tế bào ung thư. Đối với khối u nhỏ, chỉ cần xạ trị. Còn với các trường hợp khác, thường nên phối hợp xạ trị với hóa trị liệu.
Hóa trị liệu:
Điều trị bằng thuốc:
Sử dụng các chất hóa học để giết tế bào ung thư theo dạng viên, truyền tĩnh mạch hay cả hai. Hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư vòm theo 3 hướng:
-
Hóa trị cùng lúc với xạ trị.
-
Hóa trị sau xạ trị.
-
Hóa trị trước xạ trị.
Phẫu thuật:
Có thể dùng để cắt bỏ u bạch huyết ở cổ. Ở một số trường hợp, phẫu thuật có thể dùng để cắt bỏ khối u ở vòm họng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư vòm họng
Lối sống lành mạnh có thể giúp cơ thể bạn đối phó dễ dàng hơn với các tác dụng phụ trong điều trị.
-
Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị
-
Chọn thực phẩm có nước, tránh thức ăn khô. Tránh thức ăn, đồ uống có chứa axit và cay. Hạn chế thức uống có chứa caffeine và cồn.
-
Chuẩn bị điều trị cho chính mình bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh (như bỏ thuốc lá).
-
Ăn nhiều loại trái cây và rau quả.
-
Tập thể dục khi bạn thấy khỏe, nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
-
Cố gắng ngủ đủ giấc, kiểm soát stress bằng cách ưu tiên những gì quan trọng với bạn.
-
Bạn bè và người thân nên hỗ trợ bệnh nhân, thường xuyên trao đổi với người bệnh.
-
Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Không có cách nào chắc chắn ngăn ngừa được bệnh, tuy nhiên bạn có thể xem xét tránh những thói quen có liên quan đến căn bệnh này bằng cách cắt giảm lượng thức ăn được bảo quản bởi muối hay tránh hoàn toàn những thực phẩm này.
Xét nghiệm tầm soát ung thư vòm họng nếu trong gia đình có người mắc bệnh, đồng thời thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm các nguy cơ.
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải
tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.